Bí quyết nhận mặt bánh mứt, rau củ... có hóa chất dịp Tết

Xuân Mai 11/02/2018 15:11

Gần Tết, cơ quan chức năng phát hiện nhiều trường hợp trộn hóa chất, phẩm màu nguy hiểm vào bánh mứt bán cho người dùng. Làm sao biết đâu là đồ ăn an toàn, đâu là hàng có hóa chất?

Mứt tết đủ màu hồng, xanh, đỏ được bày bán trên thị trường - Ảnh: XUÂN MAI

Không chỉ trong dịp Tết mà ngay cả những ngày thường, mỗi bà nội trợ hãy là người tiêu dùng thông minh để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và những người thân

PGS TRẦN HỒNG CÔN

Ngày Tết đang đến gần, sức mua người tiêu dùng tăng mạnh. Theo các cơ quan chức năng, qua kiểm tra phát hiện một số tiểu thương trà trộn hàng hóa kém chất lượng, chứa hóa chất, phẩm màu công nghiệp gây nguy hiểm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Làm sao có thể nhận biết các thực phẩm chứa hóa chất?

Một số điều cần lưu ý

PGS Trần Hồng Côn (khoa hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) cho biết thị trường mùa tết có hàng ngàn thực phẩm, không phải thực phẩm nào cũng có cách nhận biết bằng mắt thường hoặc biện pháp thủ công, cho nên người tiêu dùng cần lưu ý:

Thứ nhất, các mặt hàng không có nhãn mác, không in rõ nơi sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì thì tuyệt đối không nên mua. Thông thường những mặt hàng này không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm do công nghệ sản xuất, thành phần nguyên liệu không rõ ràng…

Thứ hai, đối với những mặt hàng không thể biết chính xác nơi sản xuất vì đặc thù của mặt hàng (chẳng hạn như măng tươi, gà đã làm sạch và luộc nguyên con...) thì có thể nhận biết bằng cách quan sát màu sắc trên toàn bộ thực phẩm.

Thực phẩm chất lượng, an toàn sẽ không có một màu đồng bộ giống nhau, nghĩa là mỗi vị trí sẽ có những mức độ màu sắc khác nhau.

Các cách phát hiện hóa chất

Các chuyên gia hóa học cho biết:

1- Bánh, mứt, kẹo:

Không nên mua bánh, mứt, kẹo không nguồn gốc, bề ngoài có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt… vì thường chúng được nhuộm màu bằng màu thực phẩm tổng hợp, thậm chí bằng màu công nghiệp.

Tuy nhiên cũng có những cơ sở kinh doanh tại nhà, lấy màu để nhuộm thực phẩm từ những quả, lá trong tự nhiên như lá dứa, gấc, khoai tím, cà rốt, củ dền. Những màu tự nhiên này thường không được tươi.

2- Măng:

Một cây măng an toàn thường có màu vàng nhạt và có sự khác biệt về mức độ màu vàng nhạt này trong từng bộ phận cây măng. Cụ thể, đọt măng sẽ có màu vàng rất nhạt, đến giữa thân thì có màu vàng nhạt và nhạt dần dần đến gốc măng.

Đối với những cây măng mà toàn thân đều có một màu vàng tươi, trông rất bắt mắt thì khả năng "ngậm" chất vàng ô là rất cao.

Chất vàng ô là hóa chất được dùng làm màu công nghiệp, rất độc hại. Đây là một chất được Tổ chức Ung thư thế giới (IARC) xếp vào chất gây ung thư nhóm 3, tức là khả năng gây ung thư cao.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

3- Gà đã làm sạch, đã luộc:

Gà bày bán nguyên con đã làm sạch hoặc đã luộc thì cách nhận biết cũng tương tự như măng. Người tiêu dùng hãy quan sát màu sắc toàn bộ con gà, nếu toàn thân con gà chỉ có một màu vàng hoặc trắng, trông rất đẹp, rất tươi ngon thì khả năng đã xử lý qua hóa chất cũng rất cao. Vì sự thật không có con gà nào mà các bộ phận đều có chung một màu sắc.

4- Hạt dưa:

Nên mua hạt dưa màu đỏ nâu tự nhiên, không quá đậm, không sáng bóng. Còn hạt dưa nhuộm màu công nghiệp có màu đỏ tươi, trông rất bắt mắt.

5- Chả giò:

Chả giò tự làm thường bị bở và không có độ dai dai. Nếu chả giò có độ dai nhất định thì khả năng đã sử dụng hàn the là rất cao. Để nhận biết, người tiêu dùng có thể mua que thử hàn the để kiểm tra thực phẩm.

6- Rau, củ, quả:

Thường các loại rau bón nhiều phân tổng hợp, chất kích thích sinh trưởng lá to và mỏng, quả thì to hơn loại ít dùng phân tổng hợp và chất kích thích, đồng thời khó bảo quản hơn. Khuyến khích mua rau theo mùa, không mua các loại rau, củ, quả có bề ngoài quá mướt, màu sắc rất tươi sáng so với mức bình thường.

Cách tốt nhất để loại bỏ thuốc trừ sâu là rửa sạch và ngâm bằng nước sạch nhiều lần trước khi nấu. Riêng trái cây, ưu tiên mua trái cây Việt vì trái cây nhập khẩu thường được xử lý hóa chất tại lớp vỏ để tăng thêm thời gian bảo quản.

Theo PGS Trần Hồng Côn, người mua hàng cần quan sát kỹ bao bì (nơi sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu). Đặc biệt, không nên ham rẻ, vì tâm lý thích mua hàng giá rẻ mà nhiều cơ sở sản xuất đã làm ra các sản phẩm từ những nguyên liệu không đảm bảo vệ sinh an toàn.

TS Trần Thị Ngọc Lan cho hay do mạng lưới kiểm dịch mỏng, hơn nữa kiểm dịch được thực hiện rất chậm, thực phẩm đã tiêu hóa hết mà vẫn chưa có kết quả kiểm tra, phạt thì rất nhẹ, nên những mặt hàng kém chất lượng, chứa chất độc hại vẫn dễ dàng thâm nhập thị trường.

Theo tuoitre.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Bí quyết nhận mặt bánh mứt, rau củ... có hóa chất dịp Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO