Bí thư chi bộ phải là người chí công, vô tư
(Baonghean) - Bí thư chi bộ còn là người đứng trên lập trường, quan điểm tổ chức, tập thể để giải quyết công việc chung, phải 'dĩ công vi thượng', không có thái độ ích kỷ, hẹp hòi, cá nhân, vụ lợi.
Vừa qua, tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi do Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức, đồng chí Dương Thanh Bình - Bí thư Chi bộ, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh đã đạt được giải cao tại hội thi. Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với đồng chí về những giải pháp để nâng cao chất lượng sinh hoạt cũng như phẩm chất cần có của một bí thư chi bộ giỏi.
Đồng chí Dương Thanh Bình (phải) trong một giờ thảo luận với học viên. Ảnh: Thành Duy |
Phóng viên:Tại Hội thi Bí thư chi bộ giỏi do Đảng uỷ Khối Các cơ quan tỉnh tổ chức, bài thuyết trình với chủ đề: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ, đảng viên” của đồng chí được Ban giám khảo đánh giá rất cao. Đồng chí có thể chia sẻ vì sao chọn chủ đề này?
Đồng chí Dương Thanh Bình: Nhìn nhận vai trò quan trọng của sinh hoạt chi bộ, cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương đã đặc biệt quan tâm và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ.
Ngày 5/7/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 13-CT/TU về “nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.
Tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu trên lĩnh vực lý luận chính trị, cũng như nhiều năm làm Bí thư chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, tôi thật sự trăn trở, làm thế nào để đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đó chính là lý do tôi lựa chọn chủ đề trên để trình bày tại Hội thi.
Phóng viên: Vừa qua, tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ có chỉ ra nhiều thực trạng tồn tại, trong đó có những chi bộ nội dung sinh hoạt thường trùng với chuyên môn. Vậy theo đồng chí để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, cần có những giải pháp nào?
Đồng chí Dương Thanh Bình: Có thể nói, đây cũng chính là câu hỏi rất nhiều người đặt ra. Nguyên nhân là do trong quá trình chuẩn bị và tổ chức sinh hoạt, các chi bộ chủ yếu đánh giá kết quả và triển khai nhiệm vụ chuyên môn.
Điều này không có gì sai, tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá nội dung hoạt động lãnh đạo chuyên môn, thì hoạt động lãnh đạo của chi bộ là không toàn diện, mà cần thể hiện rõ nội dung và phương thức lãnh đạo của chi bộ trên các lĩnh vực…
Rõ ràng, nếu không lựa chọn được nội dung và phương thức lãnh đạo phù hợp, sẽ dẫn đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đảng và chuyên môn trùng nhau; hoặc là hoạt động chi bộ chỉ là hình thức, là “bóng mờ” của hoạt động chuyên môn; hoặc ngược lại chi bộ làm thay chức năng của chuyên môn.
Do đó, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ, theo tôi cần làm tốt khâu chuẩn bị sinh hoạt chi bộ, trong đó việc chuẩn bị tốt nội dung có ý nghĩa quyết định; đặc biệt, chú trọng vào những nội dung chủ yếu như: quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định, các chương trình, kế hoạch công tác của cấp trên.
Nội dung cũng cần cung cấp kịp thời những thông tin mới về tình hình thế giới, trong nước và địa phương; qua đó, giúp đảng viên có định hướng tư tưởng đúng đắn, chủ động và tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ đã được quy định và xuất phát từ thực tiễn của cơ quan, đơn vị, địa phương, chi bộ tiến hành thảo luận, đánh giá kết quả và đề xuất phương hướng, chủ trương, nội dung và giải pháp nhằm lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ.
Tiếp đó, chi bộ cần đánh giá, thảo luận và quyết nghị về những vấn đề về xây dựng nội bộ Đảng.
Bí thư chi bộ phải nắm vững quy trình, thủ tục sinh hoạt chi bộ đúng theo nguyên tắc, nhưng không cứng nhắc; phải phát huy tối đa dân chủ, gợi ý được nội dung phát biểu sát thực, huy động được sức mạnh trí tuệ tập thể, tạo được không khí sôi nổi để buổi sinh hoạt chi bộ thật sự có hiệu quả cao.
Đồng thời, bí thư chi bộ phải chú trọng việc thực hiện tốt các đặc tính cơ bản của sinh hoạt chi bộ, đó là tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu. Đây là những đặc tính thể hiện bản chất nhất, phân biệt rõ nội dung sinh hoạt Đảng với các hình thức sinh hoạt khác.
Việc tổ chức sinh hoạt chi bộ có nề nếp và thời điểm vào đầu tháng cũng rất quan trọng vì có như thế mới đảm bảo tính kịp thời trong lãnh đạo của chi bộ và nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên.
Phóng viên: Như đồng chí đề cập có thể thấy vai trò của bí thư chi bộ hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Vậy theo đồng chí, một bí thư chi bộ giỏi cần những phẩm chất, tác phong gì?
Đồng chí Dương Thanh Bình: Trong thực tiễn cũng đã cho thấy, những đồng chí bí thư chi bộ được đánh giá tốt thường có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chấp hành nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và nghị quyết của Đảng; kiên quyết bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bí thư chi bộ còn là người đứng trên lập trường, quan điểm tổ chức, tập thể để giải quyết công việc chung, phải “dĩ công vi thượng”, không có thái độ ích kỷ, hẹp hòi, cá nhân, vụ lợi.
Trong tập thể, bí thư chi bộ phải thể hiện rõ chính kiến, không có thái độ mập mờ, né tránh, dám bảo vệ cái đúng, phê phán việc làm sai trái trong cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, bí thư chi bộ phải có trình độ, kiến thức cả về chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Đảng; phải là người có đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh, trung thực, gương mẫu; có tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí; không tham nhũng, quan liêu; không cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực; được đảng viên và nhân dân tín nhiệm; có tinh thần tự phê bình và phê bình, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ.
Bí thư chi bộ phải có sự nhạy bén với cái mới, có năng lực đổi mới, tiên phong đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề mới, khó trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn, công tác xây dựng Đảng; có tinh thần mạnh dạn, dũng cảm, quyết đoán, chủ động, sáng tạo; phải gương mẫu, đi đầu, có uy tín và giữ mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng; đồng thời có kỹ năng, nghiệp vụ công tác lãnh đạo, quản lý; làm tốt vai trò của người “đầu tàu” trong cấp ủy và chi bộ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Thành Duy
TIN LIÊN QUAN |
---|