Bí thư Tỉnh ủy: Cán bộ ở xã ngoài tài, phải rất chú ý về đức

Sáng 26/5, trong Chương trình gặp mặt người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã trong tỉnh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã dành thời gian hơn 1h nói chuyện, trao đổi rất tâm huyết, thẳng thắn với đội ngũ lãnh đạo xã.

Báo Nghệ An trích đăng bài phát biểu:

Ngày hôm nay, đối với các đồng chí cán bộ chủ chốt của các xã, phường, thị trấn, tôi xin được đặt ra một số vấn đề gắn với cơ sở, để các đồng chí cùng nghiên cứu, xem xét:

– Vai trò của đảng viên và chi bộ Đảng ở cơ sở:

Về nguyên tắc các chi bộ Đảng, các đảng viên là những người đi trước, để làng nước theo sau. Thực tiễn hiện nay có được như vậy không? Các đồng chí ngồi đây trả lời hết sức nghiêm túc, thực chất. Tôi tin rằng đa số vẫn như vậy nhưng đánh giá “bộ phận không nhỏ” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là bắt đầu từ những chuyện này.

Đảng viên và chi bộ Đảng ở cơ sở hiện nay có đủ uy tín để là hạt nhân lãnh đạo, có tầm ảnh hưởng, có tiếng nói quyết định trong quần chúng nhân dân? Nói đơn giản là các đồng chí nói dân có nghe không. Các đồng chí là những người đứng đầu ở một địa phương, các đồng chí cứ bình tĩnh soi xét lại chính mình, ta nói dân có nghe không? Và nếu không nghe, tại sao lại không nghe?

Tại sao đội ngũ cán bộ, đảng viên của chúng ta ở cơ sở rất đông đảo, nhưng ở một số nơi khi có vấn đề nổi cộm vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa rõ, nhất là các đoàn thể? Tại sao khi xảy ra chuyện thì cán bộ ta đi đâu hết, tại sao vai trò của những tổ chức ấy không phát huy được?

Tôi cũng nghĩ rằng, không chỉ hỏi cho các đồng chí, tôi cũng đặt cho chính tôi, cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy… Nhưng ở cấp xã, tôi cũng mong các đồng chí đặt lại những câu hỏi này xem có đúng vậy không và nếu đúng thì tại sao? Và nếu như vậy ta phải làm gì? Tôi rất tin, các đồng chí ở cơ sở chỉ cần quan điểm, nhận thức đúng đắn: rất trung thực, khách quan với chính mình, thực tế. Và với năng lực trình độ, thực tiễn công tác, những trải nghiệm, tôi tin các đồng chí trả lời được và nếu các đồng chí quyết tâm thì các đồng chí làm được.

Các đại biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: Thành Cường

Đánh giá vấn đề này để chúng ta cùng suy nghĩ về những việc cần làm. Tôi cho rằng để có những đảng viên tốt cần làm tốt cả hai khâu: lựa chọn, bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới và quản lý, rèn luyện đảng viên. Vậy thì đảng viên, chúng ta đánh giá có gương mẫu chưa, có tiến bộ hơn so với quần chúng không… Dù nguyên nhân gì, tôi đề nghị trong Đảng của chúng ta phải có một thái độ kiên quyết là không đủ tiêu chuẩn là không xét kết nạp Đảng; kể cả những người ưu tú xuất sắc đã vào Đảng nhưng thiếu rèn luyện, trong quá trình công tác bị lợi ích cám dỗ, tác động bên ngoài…; không quản lý, không rèn luyện tốt dẫn đến sự suy thoái và từ những người ưu tú trở thành “bộ phận không nhỏ”. Hai nhóm giải pháp này đề nghị các đồng chí hết sức lưu tâm, nhất là bí thư cấp ủy, những người đứng đầu cấp ủy cấp xã.

Cho nên chúng tôi muốn nói, phải rất chú ý về chất lượng, tránh chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng. Cán bộ, đảng viên, các tổ chức phát huy được hay không, phát huy tốt hay không phụ thuộc nhiều vào sự lãnh đạo của cấp ủy và người đứng đầu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh tư liệu
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Tỉnh ủy với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh. Ảnh tư liệu

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trò chuyện với các đại biểu bên lề hội nghị. Ảnh: Thành Cường

– Vai trò lãnh đạo của cấp ủy ở cơ sở:

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Tôi cho rằng ở cấp xã là cấp chủ yếu tổ chức thực hiện. Để triển khai tốt công việc, trước tiên phải có sự đoàn kết, nhất trí trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, tránh người này nói thế này, người kia nói thế kia, không có sự đồng thuận và cứ nhìn nhau thì không làm được; rộng hơn là trong hệ thống chính trị; cần có sự ủng hộ của nhân dân.

Thứ hai, nói về năng lực công tác, trước tiên là sự lựa chọn chính xác; tuy nhiên việc rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cũng hết sức quan trọng. Về mặt này tỉnh, huyện đều phải rất quan tâm, ví dụ như: qua tập tài liệu hôm nay gửi các đồng chí là những gửi gắm của tỉnh.

Tôi cũng đề nghị Trường Chính trị tỉnh nên thiết kế khóa đào tạo cho nhóm đối tượng chuyên biệt, cố gắng đào tạo 2 nghiệp vụ chính: xây dựng Đảng, vấn đề đoàn thể và quản lý Nhà nước. Nên xây dựng thành nhóm kiến thức cho từng đối tượng cụ thể để tập huấn, đào tạo thường xuyên và cấp chứng chỉ. Tôi nghĩ rằng, việc đào tạo, bồi dưỡng là vấn đề rất quan trọng, ngoài việc các đồng chí tự học.

Thứ ba, đối với nhân dân, chữ “tín” rất quan trọng đối với cán bộ. Vấn đề nảy sinh trên địa bàn cần phải được nghiên cứu giải quyết, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm. Chủ động, tích cực giải quyết các vấn đề của dân; giải quyết có hiệu quả, đúng pháp luật sẽ có uy tín đối với dân. Các đồng chí cần suy nghĩ ý đồng bào một số nơi nói vui: “Đảng ở trên cây nó khác với Đảng ở dưới đất”. Nói như vậy là chủ trương, đường lối của Đảng ta là rất đúng đắn, hợp lòng dân; nhưng chúng ta, cán bộ, đảng viên các cấp, nhất là ở cơ sở, triển khai nhiều mặt chưa tốt.

Các đồng chí cán bộ chủ chốt ở cấp xã là những người đại diện trực tiếp nhất của Đảng, Nhà nước ta tổ chức thực hiện ở cơ sở, giải quyết các vấn đề của nhân dân. Do đó các đồng chí làm tốt nhiệm vụ của mình sẽ góp phần quan trọng làm tăng uy tín của Đảng đối với nhân dân. Chủ trương bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND đối thoại định kỳ với nhân dân xuất phát từ thực tiễn đó.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đắc Vinh thăm mô hình trồng bơ của gia đình ông Trần Hưng Đạo, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn (ảnh trái); tặng quà Tết cho công nhân công ty cổ phần may Minh Anh – Kim Liên. Ảnh: Thành Duy

Cho nên, chúng tôi đề nghị 6 tháng/lần, bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND đối thoại với nhân dân và Ủy ban MTTQ đứng ra chủ trì để nâng cao vai trò khối dân lên. Và những dịp như vậy, khi đối mặt với những vấn đề nhân dân thắc mắc có nhiều cái khó, đương nhiên có những vấn đề đúng, vấn đề sai, vấn đề chưa rõ. Nhưng ở đây, chúng ta đừng ngại đối mặt với những chuyện đó, mà bình tĩnh, kiên trì giải thích cho dân. Không phải chuyện gì cũng đạt được sự đồng thuận, giải quyết được ngay nhưng chúng ta có ý thức về việc đó thì người dân quý chúng ta hơn nhiều và chúng ta có uy tín với dân hơn nhiều. Tôi cũng mong các đồng chí lưu ý với ý như vậy.

Đối với công tác cán bộ: cán bộ xã rất quan trọng; không phải vì các đồng chí đang ngồi đây mà nói như vậy. Cán bộ xã cần có kiến thức, nhưng đặc biệt là phải có năng lực tổ chức thực hiện, nói đi đôi với làm vì các đồng chí là người làm trực tiếp nhất. Cán bộ ở xã ngoài tài, phải rất chú ý về đức, phải là những người tận tụy, hết lòng vì dân. Không phải người như vậy thì không chọn; người không đáp ứng được tiêu chuẩn như vậy thì phải loại bỏ.

Ở cơ sở, chúng ta phải vượt qua nhiều mối quan hệ thân quen, phức tạp ở địa phương để lựa chọn những con người phù hợp. Đây không phải là việc dễ, nhưng rất mong các đồng chí vì sự nghiệp chung mà chúng ta phải lựa chọn cho đúng, thể hiện trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Chọn sai một người thì không có cơ hội mà chọn lại.

Khi lựa chọn người giúp chúng ta thực hiện công việc cho tốt mà các đồng chí dễ dãi một chút thì sau này các đồng chí làm thay người ta, thậm chí gánh chịu những hậu quả. Cấp tham mưu, cấp dưới mà yếu, tổ chức thực hiện sai thì thủ trưởng chịu. Cho nên các đồng chí lưu ý.

Đối với các xã, số lượng người dân trên địa bàn hưởng lương và phụ cấp để sinh sống rất ít, chủ yếu là mưu sinh bằng sản xuất, kinh doanh và lao động (làm thuê). Đối với những nơi có mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn hơn, mang tính chất sản xuất hàng hóa, thu nhập thường cao hơn, đời sống tốt hơn. Những nơi chủ yếu dựa vào sản xuất nhỏ, lẻ, tự cung, tự cấp, đời sống nhân dân thường khó khăn hơn, thu nhập thấp.

Với tư duy đó, trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, các đồng chí lãnh đạo các xã đang tư duy thế nào về phương hướng phát triển của xã mình?. Công việc thực sự rất khó, tuy nhiên muốn nâng cao đời sống vật chất của nhân dân, nhất định phải tạo ra những mô hình kinh tế tốt, nâng cao hiệu quả của những mô hình kinh tế hiện có; phải tạo ra công ăn, việc làm, thu nhập cho người dân; phải đảm bảo đời sống vật chất của nhân dân được nâng lên. Phải chú ý xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp.

Trồng rau ở xã Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu); sử dụng máy gặt đập thu hoạch lúa ở Nam Đàn; đồng chí Nguyễn Hữu Lượng (phải) – Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) đang cùng nông dân bản Na Lượng 1 kiểm tra hiệu quả mô hình trồng rau sạch. Ảnh: T.C – T.H – T.D

Sau một thời gian xây dựng nông thôn mới, nhiều vùng nông thôn bị “bê tông hóa” rất nhiều. Hiện nay, chúng ta đang cố gắng định hướng làm sao để xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu đẹp hơn, thân thiện hơn, mang đậm chất văn hóa và truyền thống của nông thôn; nhưng vẫn văn minh, hiện đại. Nông thôn có lợi thế về đất đai rộng hơn đô thị, mật độ dân cư cơ bản thấp hơn, nên cần quy hoạch, bố trí dân cư và hướng dẫn, khuyến khích xây dựng công trình nhà ở, công cộng, văn hóa hợp lý… Việc này, tôi xin hỏi các đồng chí lãnh đạo xã có làm được không? Tôi thì tôi tin các đồng chí sẽ làm được.

Các vấn đề như giáo dục, y tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cùng với sự phát triển của xã hội, càng có vai trò quan trọng trong hoạt động của cấp xã. Văn hóa, xã hội ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng cuộc sống của người dân và chúng ta nhất định không được xem nhẹ.

Về giáo dục, tôi đề nghị cán bộ chủ chốt cấp xã cần quán triệt quan điểm đây là quốc sách hàng đầu, rất cần chăm lo cho giáo dục. Chỉ có học hành mới là con đường để nâng cao dân trí, mở mang kiến thức, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, lập thân, lập nghiệp bền vững nhất.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh tặng Bằng khen cho các học sinh đạt giải quốc tế năm 2017; giờ học của học sinh thành phố Vinh;  học sinh xã Hữu Khuông (Tương Dương) đến trường. Ảnh: P.V

Về văn hóa, đề nghị các đồng chí coi trọng, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa của địa phương. Đổi mới không chỉ là xóa bỏ cái cũ, lạc hậu, bổ sung cái mới phù hợp mà còn phải tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của nhân loại để bổ sung, phát triển giá trị văn hóa của địa phương.

Chúng ta có thể nghe nhạc nhẹ, nhạc thính phòng, nhưng cần khuyến khích truyền bá ví, dặm; có thể xây mẫu nhà kiên cố, tiện lợi, nhưng không nên bỏ những nét văn hóa nông thôn như vườn, hàng rào, lũy tre, cây đa, giếng nước đầu làng… nếu có điều kiện. Công tác tuyên truyền ở xã như qua hệ thống loa phóng thanh, tuyên truyền miệng, sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt khối, xóm, bản… cần được chuẩn bị kỹ, thực hiện hiệu quả. Chất lượng nội dung tuyên truyền rất quan trọng, cái này để người dân nghe nên đề nghị các đồng chí đầu tư để thực hiện tốt.

Về xóa đói, giảm nghèo, bên cạnh xây dựng các mô hình kinh tế, đề nghị các đồng chí đặc biệt quan tâm, có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình neo đơn, gia đình chính sách khó khăn. Tình làng, nghĩa xóm, dòng họ là những yếu tố có thể phát huy để giúp đỡ người nghèo.

Về tôn giáo, tôi đề nghị các đồng chí tuyệt đối không được phân biệt lương, giáo trong ứng xử; vì điểm khác biệt chủ yếu ở đức tin. Nếu một người có đức tin vào một tôn giáo nào đó, nhưng không hành xử sai lệch so với chuẩn mực văn hóa hay không vi phạm pháp luật thì chúng ta cần tôn trọng. Tôn trọng tôn giáo, đồng cảm với những người có đức tin vào tôn giáo, thì mới nhận được sự đồng cảm, ủng hộ của họ. Với những vấn đề người dân chưa rõ, chưa hiểu đúng, chúng ta phải rất kiên trì, kiên nhẫn giải thích. Đối với hành vi vi phạm pháp luật thì phải xử lý kiên quyết theo pháp luật. Hành xử có nguyên tắc thì mới xử lý tốt các vấn đề phức tạp.

Đại diện lãnh đạo xã đặt câu hỏi với Thường trực Tỉnh ủy tại cuộc gặp mặt diễn ra sáng ngày 26/5. Ảnh: Thành Cường

Đảng, Nhà nước ta có chủ trương xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Chính vì vậy chúng ta rất coi trọng vai trò của nhân dân trong bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nói như vậy các đồng chí cán bộ chủ chốt các xã, phường, thị trấn đã thấy được vai trò rất quan trọng của mình.

Công tác quốc phòng, an ninh trên địa bàn là công việc quan trọng, cốt yếu của các đồng chí. Chính vì vậy các đồng chí phải rất quan tâm, xây dựng cơ sở trong nhân dân để nắm bắt tình hình, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân để giải quyết những vấn đề phức tạp trên địa bàn.

Phải có quan điểm tốt, được tập huấn thường xuyên, gắn bó chặt chẽ với nhân dân thì cấp xã mới thực hiện được tốt phương châm 4 tại chỗ. Lực lượng vũ trang làm nòng cốt, nhưng phải dựa vào quần chúng mới có thể giải quyết được các vấn đề về an ninh, trật tự trên địa bàn. Các địa bàn biên giới rộng lớn của chúng ta, rừng, tài nguyên rộng lớn của chúng ta được cơ bản bảo vệ tốt cũng là nhờ sự ủng hộ của nhân dân.

Đi tiếp xúc cử tri, chúng tôi thường nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh của cử tri liên quan tới các vấn đề ở cơ sở. Nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, nhưng chưa được quan tâm giải quyết kịp thời. Vậy nguyên nhân là gì? Cán bộ cấp xã không đủ năng lực hay không quan tâm giải quyết?

Tôi đề nghị cán bộ xã rất chú ý đến vấn đề này: Ở cơ sở các đồng chí phải giải quyết rất nhiều việc cụ thể hàng ngày, trong đó cũng có những vấn đề phức tạp, khó khăn đòi hỏi chúng ta phải giữ nguyên tắc, nghiên cứu kỹ, giải quyết đúng pháp luật, nhưng hợp lý, hợp tình. Vì sao nhiều người dân nhờ luật sư viết được những văn bản kiến nghị, khiếu nại, tố cáo rất chặt chẽ mà chúng ta có chính quyền, đầy đủ phương tiện mà không thể phát huy các cán bộ trong hệ thống, hay là không dựa vào nhân sỹ, trí thức, quần chúng nhân dân để giải quyết? Đó là những điều phải suy nghĩ.

Lãnh đạo phường Bến Thủy (TP. Vinh) trao đổi với nhân dân về thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Ảnh: Thành Duy

Hai vấn đề lớn đang nổi lên trên nhiều địa bàn là quản lý đất đai và lạm thu các loại đóng góp của nhân dân. Đối với vấn đề thứ nhất, đề nghị các đồng chí làm đúng theo pháp luật, tránh như một số nơi vi phạm đến mức phải kỷ luật, thậm chí truy tố, xử lý hình sự. Đất đai là nguồn tài nguyên quý, cần khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, có lợi cho dân, cho Nhà nước và cho doanh nghiệp. Hài hòa được lợi ích của ba thành phần này sẽ tạo ra động lực cho phát triển kinh tế.

Đối với vấn đề thứ hai, cần thực hiện đúng theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh; công khai, minh bạch trong thu chi. Phải tránh việc thu phí các hộ neo đơn, không có khả năng lao động, không có thu nhập, những gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn; không nên cào bằng trong huy động, nên bàn bạc, tranh thủ ý kiến của nhân dân, tạo sự đồng thuận thật sự trong nhân dân để đưa ra những quyết sách chính xác, đúng đắn nhất và nhất là đúng pháp luật.

……..

Nguyễn Đắc Vinh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh

______________

* Đầu đề do Báo Nghệ An đặt.