Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự Lễ khai bút đầu xuân tại chùa Đại Tuệ
(Baonghean.vn) - Sáng 29/1 (mồng 5 Tết), đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự Lễ hội Khai bút cầu trí tuệ năm Canh Tý 2020 tại chùa Đại Tuệ, huyện Nam Đàn.
Cùng dự có các đồng chí: Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kha Văn Tám - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Phạm Trọng Hoàng - Chánh Văn phòng Tỉnh ủy; lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh. Ảnh: Thành Duy |
Về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam có Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Ủy viên Thư ký Hội đồng trị sự Trung ương, Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng ban tổ chức.
Lễ hội Khai xuân Khai bút cầu Trí tuệ được tổ chức tại chùa Đại Tuệ trên núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An từ năm 2012 đến nay và ngày càng có sức lan tỏa, thu hút đến quảng đại quần chúng nhân dân và du khách trong và ngoài tỉnh tham gia, tạo nên một hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa vào đầu xuân.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý đánh trống khai hội. Ảnh: Thành Cường |
Phát biểu khai mạc, Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An, Trưởng ban tổ chức cho biết, nét độc đáo của lễ hội khai bút đầu xuân cầu trí tuệ cũng như khi thiết kế câu đối đại tự trên chùa Đại Tuệ là những người viết (tặng chữ) và người nhận (xin chữ) chỉ sử dụng chữ quốc ngữ.
Qua hình ảnh tượng trưng này, Ban tổ chức mong muốn xây dựng nên một bản sắc đặc biệt của Phật giáo Việt Nam; của quốc hồn, quốc túy Việt Nam và của chùa Đại Tuệ.
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa đến Ban tổ chức lễ hội. Ảnh: Thành Cường |
“Với tâm nguyện thiết tha là mong sao ánh từ quang của Đức Phật được lan tỏa nơi nơi, sự thức tỉnh trong tâm mỗi người được thắp sáng, thân khẩu ý của mỗi người được dẫn dắt bởi trí tuệ, con em chúng ta chịu khó học hành vì sự cường thịnh của dân tộc, vì bản sắc văn hóa Việt ngàn đời được lưu dấu”, Thượng tọa Thích Thọ Lạc nói lên mục đích của lễ khai bút khi kết thúc diễn văn khai mạc.
Dự lễ khai bút cầu trí tuệ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý tặng lẵng hoa đến Ban tổ chức, đánh trống khai hội và tham gia khai bút đầu xuân.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Đàm - Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam khai bút đầu xuân. Ảnh: Thành Cường |
Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khai bút đầu xuân. Ảnh: Thành Cường |
Đánh giá cao các hoạt động văn hóa tâm linh tổ chức nhân dịp khai xuân Canh Tý tại chùa Đại Tuệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh: Lễ hội khai bút cầu trí tuệ là nét đẹp văn hóa dân tộc, là hoạt động có ý nghĩa linh thiêng khởi đầu một năm mới mang đậm dấu ấn truyền thống quê hương.
Dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An nói chung, chùa Đại Tuệ nói riêng đã trao tặng một căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Nam Anh, huyện Nam Đàn.
Thượng tọa Thích Thọ Lạc - Trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An tặng chữ cho Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thành Duy |
Chùa Đại Tuệ hay còn có tên gọi khác là Chùa Cao, là ngôi cổ tự nằm trên đỉnh cao nhất của dãy núi Đại Huệ, thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
Chùa được khởi dựng từ thời Vua Mai Hắc Đế. Đến thế kỷ XV, chùa được Vua Hồ Quý Ly phục dựng để thờ Phật Mẫu Đại Tuệ - Vị Phật tượng trưng cho Trí Tuệ Bát Nhã, làm kim chỉ nam chỉ lối soi đường cho các hành giả đạt được đạo quả thành Phật.
Đông đảo nhân dân đến xin chữ tại lễ khai hội. Ảnh: Thành Cường |
Chùa nằm trên độ cao 500m so với mực nước biển, nơi cao nhất của chùa là đỉnh Thăng Thiên nhìn xa như ngọn bút lông thiên tạo. Đặc biệt dù ở nơi cao nhất dãy Đại Huệ nhưng quanh năm giếng cổ của chùa luôn đầy nước trong vắt như một nghiên mực, còn đỉnh Đại Huệ như cây bút lông.