Biển Baltic có thể biến thành 'biển NATO' khi Thụy Điển gia nhập liên minh
(Baonghean.vn) - Sau khi bùng nổ xung đột ở Ukraine, phương Tây nhận ra tầm quan trọng chiến lược quân sự của biển Baltic. NATO sẽ tăng cường kiểm soát an ninh trong khu vực, và được giúp đỡ rất nhiều từ Thụy Điển. Do đó, biển Baltic về cơ bản sẽ trở thành "biển NATO".
Theo hãng tin RT, tờ Merkur (Đức) cho hay, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khi Biển Baltic bị "bức màn sắt" chia cắt, nhiều người hy vọng rằng giờ đây nó sẽ trở thành "thỏi nam châm" thu hút các tuyến đường thương mại và du lịch. Nhưng cuộc xung đột ở Ukraine một lần nữa nhắc nhở về tầm quan trọng chiến lược quân sự của vùng biển này.
Theo Merkur, ngoài những tuyến đường vận chuyển hàng hoá, còn có những tuyến đường liên lạc quan trọng dưới lòng đại dương. Về vấn đề này, NATO sẽ tăng cường đáng kể việc kiểm soát an ninh trong khu vực. Và việc Thụy Điển sớm gia nhập NATO sẽ giúp ích rất nhiều cho liên minh trong việc này. Merkur cho rằng, Biển Baltic về cơ bản sẽ trở thành "biển NATO".
Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý cho Thụy Điển gia nhập NATO. Chỉ còn Hungary đang ngăn chặn tiến trình này, nhưng quyết định của Budapest đã gia tăng áp lực đáng kể đối với Budapest.
Theo Merkur, việc tăng cường không gian trên biển và trên không của liên minh sẽ hạn chế đáng kể khả năng của Nga trong khu vực này. Hiện Moskva chỉ kiểm soát 1/10 bờ biển Baltic.
Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4/2023. Cùng với Thụy Điển, nước này đã từ bỏ tình trạng trung lập.
Merkur lưu ý, Phần Lan có một đội quân nghĩa vụ lớn, bao gồm hàng trăm nghìn quân dự bị. Mặt khác, Thụy Điển có máy bay chiến đấu và tàu ngầm hiện đại do chính nước này sản xuất. Do đó, quyền kiểm soát phần phía Bắc của biển Baltic sẽ được chuyển giao hoàn toàn cho NATO. Ngoài ra, lối vào từ quốc gia phương Tây từ lâu đã nằm dưới sự kiểm soát của các nước thành viên trong liên minh như Đan Mạch và Na Uy.
Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh, NATO cần ngay lập tức nắm quyền kiểm soát toàn bộ biển Baltic, bởi đây là cách duy nhất NATO có thể thực sự bảo vệ cơ sở hạ tầng dưới nước và tránh các hành động khiêu khích./.