Biến văn hoá thành 'sức mạnh mềm', góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị
(Baonghean.vn) - Để phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển của mảnh đất và con người xứ Nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần có nhiều hơn đề án cụ thể cho ngành văn hoá, cho chiến lược xây dựng con người Nghệ An.
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị vào sáng 16/9, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã trình bày tham luận về các giải pháp nhằm khơi dậy và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển, truyền thống cách mạng và văn hoá xứ Nghệ để văn hoá trở thành động lực, nguồn lực nội sinh cho phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, một trong những quan điểm trong Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị xác định: “Lấy con người làm trung tâm, văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển…".
Nghệ An là vùng đất có lịch sử lâu đời, là nơi hội tụ, giao thoa, tiếp biến nhiều dòng chảy văn hoá, tạo nên một vùng văn hoá xứ Nghệ đặc trưng, tiêu biểu và đa sắc màu với sự chung sống của nhiều cộng đồng, nhiều dân tộc anh em, luôn được bồi đắp. Nhiều học giả đã đúc kết về phẩm chất con người xứ Nghệ đó là: “Sự lý tưởng trong tâm hồn, sự trung kiên trong bản chất, sự khắc khổ trong sinh hoạt và sự cứng rắn trong giao lưu”.
Đó là tinh thần đoàn kết, là ý chí tự lực, tự cường, chủ động sáng tạo, không bao giờ ỷ lại và luôn luôn vươn lên, phát huy sức mạnh của con người xứ Nghệ. Khí chất, bản lĩnh, khát vọng đó vươn lên ở trong truyền thống hiếu học, làm nên những danh gia khoa bảng. Điều quan trọng, trong các bước ngoặt của lịch sử, bằng yếu tố văn hoá và sức mạnh của văn hoá, đất và người Nghệ An đã làm nên những sứ mệnh của mình.
Nghệ An sở hữu một hệ thống di tích lịch sử và di sản văn hóa tiêu biểu, phong phú và đa dạng, phản ánh một vùng đất có bề dày lịch sử và chiều sâu văn hóa. Về hệ thống di sản, Nghệ An có khoảng 550 di sản văn hoá phi vật thể đủ các loại hình. Trong số đó, nổi bật nhất phải kể đến dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Về hệ thống di tích, Nghệ An có hơn 2.600 di tích lịch sử - danh thắng trên địa bàn toàn tỉnh đã kiểm kê được 2.602 di tích - danh thắng, trong đó tính đến tháng 12/2022 có 467 di tích, danh thắng được xếp hạng, gồm có 6 di tích Quốc gia đặc biệt, 143 di tích Quốc gia và 330 di tích cấp tỉnh.
Cùng với quá trình phát triển, những giá trị lịch sử văn hóa đó ngày được bồi đắp, bảo tồn và phát huy, góp phần hình thành nên vùng văn hóa xứ Nghệ đặc trưng, trở thành nguồn nội lực, khát vọng vươn lên phát triển vùng đất nước với truyền thống tự lực, tự cường.
Để phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực tự cường, khát vọng phát triển của mảnh đất và con người xứ Nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần có nhiều hơn đề án cụ thể cho ngành văn hoá, cho chiến lược xây dựng con người.
Sau hội nghị, Tỉnh uỷ Nghệ An cần nghiên cứu, chỉ đạo các cơ quan hữu quan xây dựng đề án khoa học nhận diện về phát huy phẩm chất, bản lĩnh, ý chí và những giá trị riêng có của con người Nghệ An. Những phẩm chất tốt đẹp cần phải được khẳng định, điều này cũng thể hiện tư tưởng, dân là gốc, dân là chủ thể để xây dựng văn hoá, trong đó nhân dân là chủ thể sáng tạo.
Để bảo tồn, phát huy tốt hơn các giá trị di tích và di sản, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, cần chú ý nhiều hơn đến vấn đề nghệ nhân. Có những chính sách thoả đáng hơn bởi nghệ nhân là những người đưa hồn, giữ lửa, bồi đắp, vun đắp văn hoá. Mặt khác, cần có sự đầu tư tương xứng hơn, có trọng tâm, trọng điểm cho lĩnh vực văn hoá, trước mắt để Nghệ An có thể trở thành một trung tâm di tích, văn hoá của khu vực thì cần có một thiết chế văn hoá cho khu vực.
Trong vấn đề bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản, cần biến các di tích, di sản này trở thành tài sản giá trị, trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, gắn với du lịch văn hoá, coi đây là công nghiệp văn hoá. Xây dựng môi trường văn hoá tại các công sở, doanh nghiệp, tại mỗi miền quê của Nghệ An để hình thành cốt cách, con người với những giá trị nhân văn, nhân nghĩa; như vậy sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ chấn hưng văn hoá, đưa văn hoá trở thành sức mạnh mềm để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.