Biết

“Chú ơi, con người biết làm điều gì đầu tiên ạ?”. “Biết khóc!”, chiều qua tôi đã phải giật mình trả lời trước câu hỏi hóc búa của một đứa trẻ lên 5 nhà hàng xóm. “Thế ai dạy cho em bé khóc ạ?”. Lần này thì tôi toát mồ hôi thật sự. Ừ nhỉ, ai dạy mà biết? Ai biết mà dạy? Hình như theo kinh nghiệm cổ truyền cũng như khuyến cáo của y học thì chỉ báo an toàn của một con người bình thường khi sinh ra là biết khóc. Thậm chí một nghiên cứu khẳng định, để có thể biết khóc đứa trẻ đã phải dành nhiều thời gian “luyện tập” điều kỳ diệu ấy từ khi còn trong bụng mẹ. Đây là hành vi đầu tiên, cũng là hành vi quan trọng nhất của một đứa trẻ lọt lòng – biết khóc. Nhưng tại sao đứa trẻ lại thể biết khóc ngay từ khi lọt lòng thì có lẽ xin nhờ bạn đọc trả lời giùm.

Tiếng khóc chào đời là bản thông báo số một được trịnh trọng phát đi bằng âm thanh của chủ thể nhằm khảng khái bá cáo với nhân loại rằng một sinh linh mới vừa gia nhập thành công vào thế giới tươi đẹp này. Một tiếng khóc không đi cùng nỗi đau, sau tiếng khóc ấy tất nhiên là sự vỡ òa hạnh phúc của đấng sinh thành. Ngược lại, một đứa trẻ sinh ra không biết khóc thì gần như chắc chắn là đứa trẻ đó bất bình thường, nếu thiếu sự can thiệp kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm. Đứa trẻ sinh ra biết khóc, đó là lẽ tự nhiên, không ai dạy cả. Tạo hóa đã hào phóng và công phu cấy sẵn cho con người lúc sơ sinh những năng lực tự nhiên căn bản nhất để đón nhận và chinh phục cuộc sống. Người Việt Nam có một phong tục rất hay và cũng rất độc đáo đó là “Cúng Mụ Bà” khi em bé chẵn tháng. Theo quan niệm thì mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sự chở che của 12 bà Mụ trên trời. Đây là những vị nữ thần luôn bên cạnh đứa bé để chở che, để bảo vệ và để dạy cho đứa trẻ “biết” mọi thứ. Tất nhiên “Mụ” là sản phẩm của tín ngưỡng, khoa học có thể không thừa nhận nhưng xã hội cũng không việc gì phải phủ nhận. Cúng “Mụ” suy cho cùng là lời tri ân gửi đến tạo hóa bởi đã “dạy” cho đứa trẻ biết bao nhiêu là thứ.

Sau khi thả những tiếng khóc đầu tiên vào vạn dặm thì hành trình chinh phục khó khăn kế tiếp của đứa trẻ là biết bú! Không hề dễ dàng, đó là những danh mục “công việc” đầu tiên của một sinh linh trong hành trình “hòa nhập không hòa tan” vào thế giới. Một tháng rồi hai tháng, một năm rồi hai năm, đứa trẻ cứ thế khám phá và trưởng thành. Biết cười, biết lẫy, biết bò, biết nói, biết đi. Lớn lên tý nữa thì biết đọc, biết viết, biết thổi bong bóng xà phòng… cho đến khi biết làm đẹp, biết sợ, biết yêu, biết ghét, biết cho đi, và biết tha thứ, biết từ bỏ…

Có những thứ người ta tự biết, thường thì khả năng ấy gắn liền với hệ thống các phản xạ sinh học vô điều kiện. Ngoài những món quà nhận từ thượng đế, để biết những thứ trên đời này con người đều phải học, phải tìm hiểu, phải nghiên cứu. Để biết, đòi hỏi con người phải có nhu cầu và năng lực tiếp thu. Nhận thức là một quá trình lĩnh hội thế giới bên ngoài thông qua các cửa ngõ và phương thức giao tiếp khác nhau. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” (ngạn ngữ). Thế đấy, để “khôn” người ta phải “học”, để học người ta phải “đi”. Trí khôn hay nói cách khác là năng lực nhận biết và xử lý cuộc sống không dành cho kẻ lười biếng. Biết là một động từ không chỉ phản ánh dung lượng thông tin được nhận diện, mà nó còn hàm chứa năng lực phân tích, văn hóa ứng xử, xu hướng và cách thức giải quyết đối với mỗi một thông tin. Có những người biết mọi thứ nhưng không bao giờ thành công vì thiếu… biết điều! Có những người giàu có, mưu mô, ăn trên ngồi trốc nhưng không được xã hội trọng vọng vì không biết… ngượng. Có những doanh nghiệp ăn nên làm ra một thời gian rồi chết yểu vì không biết “sống”! Có cả những vụ án oan chỉ vì khổ chủ không hề biết cãi! Thành công tùy thuộc không nhỏ vào năng lực nhận biết nhưng phải là “biết địch biết ta” cơ.

Trong xã hội hiện đại kẻ nào nắm được thông tin kẻ đó chiếm ưu thế, nhưng kẻ chiến thắng cuối cùng bao giờ cũng là kẻ đã từng biết nếm mùi thất bại. Ở một số trường hợp biết cũng phản ánh tiêu chuẩn trình độ, năng lực chuyên môn của cá nhân. Ví dụ như một thầy giáo không thể không biết chữ, một bác sĩ mổ không thể không biết cầm dao, một người lính ra chiến trường không thể không biết dùng súng và tất nhiên một cục trưởng cục phòng chống tội phạm công nghệ cao không thể không biết sử dụng máy vi tính! Giờ thì cái gọi là năng lực ấy đôi khi bị mặt trái cuộc sống khắc nghiệt làm cho dị dạng méo mó đi. Thật nực cười khi một học sinh đi học giờ còn phải biết cách tránh đòn và thành thạo trong việc bạt tai bạn, thậm chí biết liếm ghế, một người đi xe máy trên đường phố yêu cầu phải biết bơi và một viên chức đến cơ quan không chỉ biết việc còn phải biết làm ngơ!

Người xưa có câu:

“Họa hổ họa bì nan họa cốt

Tri nhân tri diện bất tri tâm”

Nghĩa là vẽ con hổ chỉ vẽ được cái da bên ngoài chứ rất khó vẽ xương, nhìn người chỉ thấy được khuôn mặt nhưng không thấy được tấm lòng. Cái chúng ta biết và cái chúng ta muốn biết là một đại lượng bất tương xứng. Bởi vậy chinh phục thông tin là một cuộc chiến sống còn trên mọi mặt trận. Tuy nhiên, ở đời có những kẻ tưởng như không biết nhưng lại rất biết. Cũng có những kẻ, tưởng như biết rất rõ nhưng thực ra lại chẳng biết gì. Và thảm họa của xã hội là “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” – kẻ biết thì không nói và kẻ nói thì không biết! Còn nhớ vụ “đánh vần hình tam giác” cách đây không lâu, người ta hùa sức gào thét, chửi mù chửi mịt nhưng rất tiếc chính họ cũng chả biết mình đang chửi cái gì! Những người chưa được xóa “nạn mù chửi” ấy chỉ biết… cà khịa!

Ngày 21 tháng 11 năm 2018 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có một phát biểu nóng ran mặt báo. Với vai trò người chủ trì “Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty”, Thủ tướng thẳng thắn phát biểu: “Tôi muốn nói là có ông không chỉ 1 sân sau mà còn 2-3 sân sau, thậm chí là 12-13, 13-14 sân sau. Có ông có đầy đủ bao nhiêu sân sau buôn bán nguyên vật liệu. Tôi khẳng định không phải là Thủ tướng không biết đâu”. Bàn dân thiên hạ thở phào, Thủ tướng biết, mà Thủ Tướng đã biết thì có mà chạy đàng trời. Vậy là rõ, “sân sau” – một thuật ngữ đầy tính phòng the của vùng “kinh tế quan chức” được người đứng đầu chính phủ “vật ngửa” ra giữa hội nghị. Vâng, Thủ tướng biết, và chắc Thủ tướng cũng thừa sức để biết phải làm như thế nào để “quy hoạch” lại những cái “sân sau” về đúng thiết kế đã phê duyệt.

Viết lan man đến đây tự nhiên lại nghĩ về phiên tòa nọ, nơi các luật sư và viện kiểm soát đang tranh luận với nhau rằng cái công ty vi phạm pháp luật kia là “công ty nghiệp vụ” hay “công ty bình phong”. Trong lúc những rối rắm về khái niệm hàn lâm chưa ngã ngũ thì dân đã biết tỏng vụ này ai đang “bình phong” cho ai. Đừng tưởng dân không biết dùng máy tính, đừng đùa, dân biết hết! Đừng dại mà lừa dân kẻo đến lúc nào đó dân lại xử cho… biết mặt.