“Bố Chiêm”

01/07/2013 21:07

Từ những cầu thủ đã giải nghệ cho đến các em nhỏ vừa chân ướt chân ráo bước vào “ngôi nhà” Sông Lam Nghệ An (SLNA), tất cả đều thân mật gọi ông bằng bố. Đó là tình cảm, sự ghi nhận với một lãnh đạo, một người thầy đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình vì sự phát triển của CLB. Đó là Giám đốc điều hành CLB SLNA - ông Hồ Văn Chiêm, người duy nhất gắn bó với đội bóng từ ngày ra đời cho đến nay.

(Baonghean) - Từ những cầu thủ đã giải nghệ cho đến các em nhỏ vừa chân ướt chân ráo bước vào “ngôi nhà” Sông Lam Nghệ An (SLNA), tất cả đều thân mật gọi ông bằng bố. Đó là tình cảm, sự ghi nhận với một lãnh đạo, một người thầy đã hy sinh cả hạnh phúc gia đình vì sự phát triển của CLB. Đó là Giám đốc điều hành CLB SLNA - ông Hồ Văn Chiêm, người duy nhất gắn bó với đội bóng từ ngày ra đời cho đến nay.

Cơ duyên với bóng đá

Năm 1967, tạm biệt gia đình và quê hương, chàng trai trẻ xứ Nghệ khăn gói ra Bắc theo học Trường Nghiệp vụ Kỹ thuật Thể thao Trung ương. 3 năm là học viên lớp Điền kinh của trường, Hồ Văn Chiêm từng thi đấu và giành nhiều thành tích cao ở các giải trẻ quốc gia. Đến năm 1970, hưởng ứng phong trào “xếp bút nghiên” lên đường nhập ngũ, Hồ Văn Chiêm xung phong vào chiến trường khốc liệt Quảng Trị để chiến đấu.

Vào chiến trường, ngoài nhiệm vụ đánh giặc, Hồ Văn Chiêm còn là người nổi bật nhất trong các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao nên lần lượt được cử làm đội trưởng rồi trung đoàn phó, trung đoàn trưởng. Sau đó, ông được giao quản lý luôn đội bóng đá của sư đoàn và chỉ chuyên tâm vào nhiệm vụ nói trên. Từ một VĐV điền kinh, Hồ Văn Chiêm trở thành cầu thủ bóng đá nổi tiếng ở chiến trường kiêm luôn vị trí HLV.



Ông Hồ Văn Chiêm

Hòa bình lập lại, Hồ Văn Chiêm được chuyển vào Quân đoàn 2 làm trợ lý cho lãnh đạo. Ông là người có năng lực, rất tích cực trong các phong trào của đơn vị nhưng thời điểm ấy, bởi hoàn cảnh gia đình cũng như mong muốn được đóng góp cho quê hương, ông xin về công tác ở Quân khu 4. Về Nghệ Tĩnh trong hoàn cảnh mọi phong trào đều phải làm mới sau chiến tranh nên Hồ Văn Chiêm lại phải tất bật với công việc chuyên môn. Năm 1980, Hồ Văn Chiêm được giao nhiệm vụ huấn luyện, quản lý đội bóng đá của Tỉnh đội.

Với sự giúp sức đắc lực của Hồ Văn Chiêm, đội bóng đá Tỉnh đội Nghệ Tĩnh ngày càng phát triển và đến năm 1982, được chuyển giao cho Ty Thể thao Nghệ Tĩnh (nay là Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch) nhằm mục đích nâng tầm, cạnh tranh ở các giải quốc gia. Sau rất nhiều nỗ lực, năm 1984, SLNA được lên hạng A1 toàn quốc.

Thăng trầm cùng đội bóng quê hương

Trong số những “cây đại thụ” của bóng đá Nghệ An, ông Chiêm là người duy nhất gắn bó với CLB từ ngày thành lập đến nay. Người Nghệ tri ân Hồ Văn Chiêm không đơn thuần chỉ bởi thâm niên gắn bó mà còn bởi tâm huyết, sự hy sinh rất lớn của ông dành cho CLB. Không ngẫu nhiên mà ở những thời kỳ khó khăn nhất của đội bóng, dư luận luôn phải nhắc đến vai trò của Hồ Văn Chiêm như một người vĩ đại, chèo lái SLNA vượt qua thách thức.

Cũng hiếm thấy một lãnh đạo nào quan tâm, gần gũi với học trò như ông Chiêm. Hơn 30 năm gắn bó với CLB, từ khi bóng đá ở Nghệ An đang thuộc diện bao cấp, cho đến khi đã chuyển sang chuyên nghiệp, ông Chiêm vẫn luôn như một người thầy, người cha, lo lắng từng li từng tí một cho các cầu thủ. Từ bữa ăn cho đến cách ăn mặc, sinh hoạt của các cầu thủ, ông đều quan tâm chỉ bảo ân cần. Nhưng cuộc đời đôi khi nghiệt ngã, bởi chỉ riêng vài ba trường hợp cá biệt thôi, dư luận lại lôi ông ra để chất vấn, chỉ trích.

Ông Chiêm vẫn chấp nhận như đó là cái nghiệp. Nhớ lại thời kỳ khó khăn nhất của đội bóng từ sau năm 2004, ông Chiêm tâm sự: “Đội bóng yếu bởi nạn “chảy máu tài năng”, trong khi nhiều đội bóng đá chuyển sang doanh nghiệp, có sự đầu tư lớn nên SLNA đã khó lại càng khó. Tuy nhiên, giữa muôn vàn thử thách đó, anh em đồng lòng và nỗ lực để có được những điều phi thường…”.



Một trận đấu tại “chảo lửa” thành Vinh. Ảnh: Đ.C

Giờ thì đội bóng đã có bước phát triển mới, nhưng để ghi nhận tài năng, sự cống hiến của Hồ Văn Chiêm, lãnh đạo Ngân hàng Bắc Á vẫn bố trí ông làm giám đốc điều hành kèm theo nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Trên chiếc xe máy cũ tồi tàn, ông vẫn ngày ngày từ nhà đến CLB SLNA và sống với những đam mê. Đội bóng thành công, chỉ cầu thủ được nhắc đến và tôn vinh, nhưng khi có chuyện, ông Chiêm lại đứng ra giải quyết hết, từ đội 1 cho đến các lớp trẻ. Ông Chiêm chấp nhận hết, bởi ông quan niệm: “Bóng đá nó thế, không thể khác được”.

“Vì đam mê công việc, tôi thừa nhận rằng, mình có những thiếu sót với gia đình và gặp phải không ít nỗi buồn. Nhưng biết làm sao, được cái này thì mất cái kia, quy luật mà! Vợ tôi nói rằng, anh hãy làm những việc gì mà anh yêu thích, có sự đam mê và có ích cho mọi người là được. Tôi tính nhiều lần nghỉ việc để chăm lo cho gia đình, nhưng vợ tôi can, vì biết rằng, đời tôi không bóng đá thì chẳng thể sống nổi…” - ông Chiêm tâm sự.


Bài, ảnh: Vĩnh Liêm

Mới nhất
x
“Bố Chiêm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO