Bỏ chức danh chuyên trách thú y cấp xã: Lợi bất cập hại

Bài: Phú Hương - KT: Lâm Tùng 15/04/2021 15:37

(Baonghean.vn) - Thực trạng dịch bệnh gia súc, gia cầm tràn lan như hiện nay, tuy nhiên, ở cơ sở thiếu cán bộ thú y nên bộc lộ nhiều lúng túng, bị động.

Theo Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, từ đầu năm 2020 trên địa bàn tỉnh không còn chức danh người hoạt động không chuyên trách về thú y và bảo vệ thực vật tại cấp xã. Thực tế này đòi hỏi phải có những thay đổi.

Trước thông tin trên địa bàn xã đã có trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục (VDNC), bà Nguyễn Thị Đàm ở xóm Hoàng Vang, xã Tân Xuân (Tân Kỳ) vội vàng lên xã đăng ký mua vắc-xin về tiêm phòng cho 2 con bò của gia đình.

“Mới chỉ dám nuôi 2 con thôi, dù chuồng trại đã làm sạch sẽ và rộng rãi. Trước đây trâu, bò bị bệnh, báo là cán bộ đến kiểm tra ngay, nhưng bây giờ dịch bệnh thì nhiều loại mới, mà xã không có cán bộ thú y nữa, lỡ gia sức có bị bệnh cũng không biết kêu ai”, bà Đàm lo lắng.

Chú thích
Bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò xuất hiện ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Ảnh: Quang An

Hiện tại, trên địa bàn xã Tân Xuân đã xuất hiện cả bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và bệnh VDNC trên trâu, bò. Mặc dù xã đã ráo riết các biện pháp, thành lập các đoàn công tác đến tận từng hộ dân để khoanh vùng, dập dịch, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và kiểm soát. “Không còn cán bộ thú y, xã đành thuê người có chuyên môn về thú y trên địa bàn, nhưng hầu hết họ không muốn nhận vì e ngại vấn đề trách nhiệm sau khi tiêm phòng và nhiều người dân cũng không hợp tác với việc tiêm phòng.

“Giá thuê rất đắt, 500.000 đồng/người/ngày và mỗi tổ tiêm phải từ 2 - 3 người; không có nguồn chi, xã đành trích ngân sách chi thường xuyên và ngân sách dự phòng, trong khi xã Tân Xuân đang là xã nghèo; không những thế, việc thanh, quyết toán cũng rất khó khăn vì nguồn chi này không nằm trong danh mục nào. Dịch bệnh liên miên, tiền thuê thú y phòng, chống dịch còn cao hơn tiền trả phụ cấp cho cán bộ thú y xã là trên 1 triệu đồng/tháng và thú y viên là 200.000 đồng/tháng ”.

Ông Phan Vũ Hùng - Chủ tịch UBND xã

Không có chuyên môn về thú y, từ khi được phân công đảm nhiệm cả lĩnh vực này, bà Lê Thị Na - cán bộ nông nghiệp xã Ngọc Sơn (Thanh Chương) thường xuyên lâm vào tình cảnh lúng túng, nhất là trong các đợt dịch bệnh.

“Nếu trước đây, chỉ việc giao cán bộ thú y đi lấy mẫu, chẩn đoán bệnh, thì nay mỗi lần có dịch bệnh, UBND xã đều phải thuê, hợp đồng người có chuyên môn, tôi đi theo vừa chống dịch vừa học hỏi dần” - bà Na cho biết. Tuy nhiên, việc thuê người cũng rất khó khăn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát ở 28 xã trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Xuân Hoàng

Những lúc không thuê được người hoặc không đủ, bà đành trông chờ hoàn toàn vào sự hướng dẫn, hỗ trợ từ cấp huyện, trong khi quân số cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện không thể đủ để kịp thời đáp ứng nhu cầu này cho các xã, nhất là trong những dịp dịch bệnh lan rộng.

“Không còn thú y xã, khả năng đánh giá, nhận định tình hình, đặc biệt là triển khai tiêm phòng, chống dịch rất khó khăn. Cán bộ nông nghiệp của 39 xã, thị trên địa bàn hầu hết đều có chuyên môn về trồng trọt, không học qua chuyên ngành Thú y nên rất lúng túng trong kiểm soát dịch bệnh, phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục bùng phát, từ ngày 1/1 đến nay bệnh DTLCP xảy ra tại 1.693 hộ, thuộc 184 thôn, bản của 36 xã, lợn chết, tiêu hủy khoảng 300 tấn; bệnh VDNC trâu, bò xảy ra ở 30 xã, tại 161 hộ, thuộc 62 thôn, bản với 187 con bị bệnh, việc huy động lực lượng thú y để tham gia cùng chính quyền địa phương dập dịch rất khó khăn. Trong khi đó, đối với huyện Thanh Chương, nông nghiệp vẫn là “mặt trận” then chốt, chăn nuôi là một trong những nguồn thu chủ yếu của người dân”.

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương

Tiềm ẩn nhiều bất cập

Với địa bàn rộng, chăn nuôi phát triển, cùng với đó, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của Nghệ An cũng luôn diễn biến phức tạp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay,bệnh DTLCP đã xảy ra tại 1.762 hộ của 19 huyện, với tổng số lợn đã tiêu hủy lên đến gần 5.000 con, hiện trên địa bàn tỉnh đang có trên 100 ổ dịch; các ổ dịch phát sinh đều từ ổ dịch cũ năm 2019, 2020 và xảy ra rải rác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, dịch VDNC xuất hiện đầu tiên tại xã Văn Lợi (Quỳ Hợp) và xuất hiện trở lại từ ngày 10/2/2021, chỉ trong thời gian ngắn bệnh VDNC trâu, bò đã gây hại trên địa bàn 19 huyện, thành, thị, một số ổ dịch diễn biến phức tạp, có số trâu, bò mắc bệnh nhiều như xã Vĩnh Sơn (Anh Sơn); phường Quỳnh Xuân (TX. Hoàng Mai)…

Lực lượng chức năng xã TP. Vinh tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm trâu, bò có triệu chứng VDNC. Ảnh: Q.A

Theo ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thì Nghệ An là tỉnh có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng hình thức chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, nông hộ; lưu lượng vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm cao; trong khi đó, công tác kiểm soát chưa chặt chẽ. Nhiều loại mầm bệnh nguy hiểm như DTLCP, cúm gia cầm, lở mồm long móng, VDNC... lưu hành rộng rãi trong đàn vật nuôi và trong môi trường chăn nuôi. Trong khi đó, công tác tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm chưa được chú trọng, tỷ lệ tiêm phòng quá thấp. Ngoài ra, một số bệnh chưa có vắc-xin đặc hiệu, như bệnh DTLCP. Đặc biệt, do không còn thú y xã, nên công tác giám sát, báo cáo, xử lý ổ dịch tại nhiều địa phương còn chậm, dịch lây lan ra diện rộng mới được phát hiện, công tác chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Qua hơn 1 năm nghị quyết của HĐND tỉnh có hiệu lực, việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về BVTV, thú y tại cấp xã gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

Cán bộ thú y xã luôn là lực lượng đi đầu trong tiêm phòng và phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phú Hương
Cán bộ thú y xã luôn là lực lượng đi đầu trong tiêm phòng và phát triển chăn nuôi. Ảnh: Phú Hương

Không còn thú y xã đồng nghĩa với việc không có người nắm bắt, cập nhật tình hình sản xuất, điều tra, phát hiện dịch hại, dẫn đến công tác tham mưu phòng, chống dịch tại cơ sở không kịp thời, không sát thực tế, thiếu đồng bộ, hiệu quả không cao. Dịch bệnh chậm được phát hiện, không được bao vây, kiểm soát kịp thời nên luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bùng phát trên diện rộng.

Ông Đặng Văn Minh - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

“Năm 2019, thú y xã bám sát địa bàn, giám sát dịch bệnh đến từng hộ chăn nuôi, do vậy, vật nuôi có biểu hiện bệnh được phát hiện và xử lý ngay trong diện hẹp. Tuy nhiên, trong năm 2020 các ổ dịch thường phát hiện muộn do người chăn nuôi có gia súc, gia cầm ốm không báo lên chính quyền địa phương, khi cơ quan chức năng biết thì đã muộn, lây lan ra số lượng lớn; hoặc khi động vật chết, người dân vứt ra môi trường, báo chí phản ảnh thì cơ quan chức năng mới biết” - ông Đặng Văn Minh chia sẻ.

Không còn thú y xã, cũng làm mất đi ”cầu nối” giữa UBND xã và cơ quan chuyên môn cấp huyện, không còn mạng lưới cán bộ có chuyên môn để trực tiếp chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn phòng, chống dịch hại tại cơ sở.

Do thiếu nhân lực, nên công tác tiêm phòng đạt tỷ lệ thấp, thời gian tiêm phòng kéo dài làm ảnh hưởng tới tình hình dịch tễ, lịch tiêm phòng vụ sau; tỷ lệ tiêm phòng tất cả các loại vắc-xin chỉ đạt từ 62 - 90% so với cùng kỳ năm 2019, các huyện chủ yếu tiêm phòng nguồn vắc-xin được Nhà nước hỗ trợ nhưng triển khai cũng rất khó khăn, nhiều huyện, nhiều xã đang bỏ trắng không tiêm, hoặc triển khai đối phó. Năm 2020, trong đợt tiêm phòng vụ xuân có 84 phường, xã không tiêm phòng vắc-xin gia súc, 237 phường. xã không tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm; vụ thu 121 phường, xã không tiêm phòng gia súc, 418 phường, xã không tiêm phòng vắc-xin cúm gia cầm.

kiểm tra trang trại chăn nuôi tại Thanh Chương. Ảnh: Phú Hương
Đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại Quỳnh Lưu. Ảnh: Phú Hương

Bên cạnh đó, công tác giết mổ tại các cơ sở không được kiểm soát, việc nhập đàn gia súc, gia cầm vào địa phương không có người theo dõi, quản lý. Nghệ An đã xây dựng và duy trì được 46 cơ sở giết mổ tập trung và khoảng 70 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ.

Trước đây, việc kiểm soát giết mổ được giao cho thú y xã thực hiện, nhờ đó, kiểm soát được các bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm lây lan qua con đường giết mổ. Tuy nhiên, hiện nay việc hợp đồng lại với họ rất khó, kinh phí không đủ. Hầu hết các cơ sở hoạt động không có kiểm soát giết mổ của thú y, gây ảnh hưởng không nhỏ đến quản lý vệ sinh ATTP, nguy cơ mầm bệnh lây lan và bùng phát thành dịch rất lớn. Như tại huyện Yên Thành, trước đây có 15 cơ sở giết mổ gia súc nhưng hiện nay chỉ còn 6/15 cơ sở hoạt động, còn lại đóng cửa do không có thú y kiểm soát giết mổ.

Phun khử trùng tiêu độc là một biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm. Ảnh: Phú Hương
Phun khử trùng, tiêu độc là một biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: Phú Hương

Từ các nguyên nhân xảy ra dịch bệnh trong thời gian vừa qua, nhận định trong thời gian tới, nguy cơ bệnh VDNC, DTLCP, cúm gia cầm, lở mồm long móng và các dịch bệnh nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm có thể bùng phát ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội trên địa bàn.

______________________________

Việc tiếp tục bố trí chức danh thú y, BVTV có đầy đủ các cơ sở pháp lý. Tại Điều 6, Luật Thú y quy định: Căn cứ vào yêu cầu hoạt động thú y trên địa bàn và khả năng cân đối nguồn lực của địa phương, UBND, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị HĐND cùng cấp xem xét, quyết định bố trí nhân viên thú y xã, phường, thị trấn.

Tiêu chuẩn đối với của thú y cấp xã được quy định tại Thông tư số 29/2016/TT-BNNPTNT ngày 5/8/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Tính đến hết tháng 10/2020, Có 5/63 tỉnh, thành phố không có nhân viên thú y xã, trong đó có Nghệ An. Hiện nay, cả nước có 15.791 người làm công tác thú y thì trong đó có 9.756 nhân viên thú y cấp xã.

Cùng với đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đều có các chỉ đạo về việc củng cố lực lượng thú y các cấp phù hợp yêu cầu và đòi hỏi thực tế, nhằm đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản.

Trong trường hợp này, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi xin ý kiến HĐND tỉnh xem xét về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 22/2019/NQ-HĐND.

Ông Hoàng Quốc Hào - Giám đốc Sở Tư pháp

_________________________________

Xu thế hiện nay và những năm tiếp theo, dự báo tổng đàn ngành chăn nuôi tăng, hội nhập kinh tế quốc tế không ngừng được mở rộng; biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, kéo theo sức đề kháng vật nuôi giảm; nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra lớn. Trong khi đó, là ngành kinh tế rất quan trọng, nhưng tại Nghệ An, chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn đang chiếm trên 80%.

Trong điều kiện đó, rất cần thiết phải có lực lượng cán bộ thú y xã để hỗ trợ ngành chăn nuôi, đặc biệt là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đặc thù ngành Thú y là ngành kỹ thuật chuyên sâu, nếu không có người có chuyên môn thực hiện tại cơ sở thì không ai có thể làm thay được. Và khi không có sự giám sát, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, thì nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi rất lớn, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi, gây mất ATTP, thiệt hại về kinh tế của nhân dân và Nhà nước.

Do vậy UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh xem xét sửa đổi nghị quyết, bố trí chức danh không chuyên trách cấp xã phụ trách thú y trong thời gian tới.

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Mới nhất

x
Bỏ chức danh chuyên trách thú y cấp xã: Lợi bất cập hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO