Bỏ 'đặc quyền' của chứng chỉ IELTS là hợp lý!
(Baonghean.vn) - Mấy ngày nay, một số học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thường nhắc đến việc Bộ giáo dục và Đào tạo có văn bản chính thức yêu cầu ngành Giáo dục các địa phương bỏ quy định đưa chứng chỉ IELTS vào danh mục điều kiện ưu tiên cộng điểm hoặc tuyển thẳng vào lớp 10.
Có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Một phía thì cho đó là chủ trương hợp lý, phía khác than phiền vì cảm thấy bối rối, và tiếc nuối, khi đã đầu tư một số tiền rất lớn cho con cái mình kiếm bằng được cái chứng chỉ. Tốn kém tiền bạc đã đành, nhưng còn tốn kém cả thời gian nữa. Bao nhiêu thời gian lấy từ các môn khác dành cho tiếng Anh nay bỗng trở nên hoài phí. Bây giờ vắt chân lên cổ liệu có còn chạy đua được với quãng thời gian nước rút còn lại... Vậy câu chuyện ở đây là thế nào?
Trước hết xin nói ngay rằng, con tôi năm nay cũng chuẩn bị thi vào lớp 10 trung học phổ thông, một kỳ thi được dự báo là hết sức khốc liệt, khốc liệt hơn hẳn so với, dù chỉ là ngay năm trước thôi bởi sự tăng đột biến của số lượng thí sinh dự thi. (Điều này hiển nhiên nhìn vào bảng phổ cập giáo dục thì ai cũng có thể đoán được từ cả chục năm trước). Nhưng chúng tôi vẫn không vì tính chất khốc liệt của “cuộc chiến” này mà dồn lực cho con học IELTS (dĩ nhiên, nói thật là một phần cũng do tài chính không được dư giả). Con chúng tôi có thể học lực trung bình, nhưng mong muốn lớn nhất của chúng tôi là cháu học đều các môn, tránh đi vào vết xe đổ của sự học lệch như chính thế hệ chúng tôi. Tất nhiên, câu chuyện không phải chỉ như thế. Có mấy điểm sau đây tôi đã đặt ra để con tham khảo trước khi đi đến lựa chọn cuối cùng.
Trước hết, không thể vì không lựa chọn mà phủ nhận triệt để vai trò của ngoại ngữ. Ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh, hay thậm chí, nhất là tiếng Anh, có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống hiện tại, khi mà thuật ngữ “công dân toàn cầu” đã trở nên phổ biến trong đời sống, và quan trọng trong mục tiêu chương trình giáo dục. Và cũng quan trọng không kém: Biết thêm một ngoại ngữ là sống thêm được một đời sống văn hóa. Ngoại ngữ có thể góp phần giúp con người sống nhân văn hơn nếu người ta phát huy được các giá trị văn hóa mà anh đã thu nhận và “tiêu hóa” được. Tất nhiên cần lưu ý, việc nhắc đến ngoại ngữ là nghĩ ngay đến tiếng Anh, thậm chí đồng nhất với tiếng Anh là một lỗi có tính hệ thống, dù quan niệm sính Anh ngữ của một bộ phận không nhỏ người dân hay là quan điểm của cả hệ thống giáo dục.
Tuy nhiên, tôi không ủng hộ việc sử dụng chứng chỉ IELTS như là một tấm "giấy thông hành" để học sinh được vào thẳng các trường trung học phổ thông, thậm chí chỉ là để cộng điểm ưu tiên. Nghĩa là tôi ủng hộ việc từ bỏ chính sách này, bởi mấy lý do sau đây.
Thứ nhất, xét về thời hạn hiệu lực của chứng chỉ IELTS, dẫu sao nó cũng chỉ có hiệu lực trong 2 năm. Không thể lấy một sản phẩm chỉ được thừa nhận trong hai năm để quyết định một sinh mệnh văn hóa – giáo dục (riêng học trung học phổ thông là 3 năm, đại học là 4 đến 7 năm). Nếu tuyển thẳng, hoặc cộng điểm như lâu nay một số nơi vẫn làm, liệu khi chứng chỉ ấy hết thời hạn, cơ sở giáo dục, đào tạo có buộc người học phải tiếp tục thi để lấy chứng chỉ, “bảo hành” cho thời gian còn lại không? Nếu người học không đáp ứng yêu cầu này, có thể buộc họ thôi học không?
Thứ hai, bản thân ngoại ngữ là một môn học, là điều kiện quan trọng để tồn tại, ít nhất là mỗi ngoại ngữ sẽ mang đến một trải nghiệm văn hóa, và điều đó sẽ khiến con người nhân văn hơn, linh hoạt hơn bằng những kinh nghiệm giao tiếp, ứng xử so với việc anh chỉ được rèn luyện trong duy nhất một môi trường ngôn ngữ. Nhìn chung bất cứ ai có điều kiện cũng nên tự trang bị thêm ngoại ngữ cho mình, càng nhiều càng tốt. Nếu chỉ có một ngoại ngữ, liệu có nhất thiết chỉ là tiếng Anh, trong khi tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nhật đều chứa trong mình nó những nhân tố văn hóa sâu sắc, có giá trị, để chúng ta hiểu thêm chính chúng ta, qua những nhận thức về sự tương đồng hoặc tương phản.
Ngoại ngữ, nhất là chỉ giới hạn trong ngôn ngữ tiếng Anh, không phản ánh trí tuệ nói chung của người học. Đành rằng nó chứng tỏ năng lực, nhưng nó chỉ là một trong rất nhiều năng lực người học cần phải có. Nhất là, nó không thể hiện, không đáp ứng được nhiều lắm yêu cầu về phẩm chất đã được đặt ra một cách rất cơ bản trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, ưu tiên IELTS thực chất ở một mặt nào đó là tạo nên sự phân biệt đối xử giữa người học ở đô thị với miền núi và nông thôn, giữa người giàu và người nghèo… Tôi đã chứng kiến nhiều gia đình ở các địa phương xa trung tâm, nơi không có các lò lớn, không có giáo viên đủ “tầm” để luyện IELTS, đã phải chiều chiều chở con đi cả năm sáu chục cây số, đến thành phố để học cho được chứng chỉ này, trong đó có những gia đình di chuyển bằng xe máy, rất tốn kém và nguy hiểm. Và ngay ở thành phố, không phải ai cũng có điều kiện để cho con ôn luyện IELTS, bởi không phải gia đình nào cũng khá giả. Tóm lại, việc ưu tiên IELTS, nếu nghĩ một cách thấu đáo, chẳng khác gì tạo một sân chơi độc quyền cho những người học có điều kiện.
Nhân tiện nói thêm: Việc một số trường đại học yêu cầu sinh viên đại học, học viên cao học, ứng viên giảng viên chính… phải có chứng chỉ B1, B2 tiếng Anh cũng cần cân nhắc, và tốt nhất là có thể bãi bỏ… Vì những chứng chỉ ấy cũng chỉ có giá trị trong hai năm, và chúng cũng không chứng minh năng lực chuyên môn. Ví dụ, có những sinh viên sư phạm rất giỏi tiếng Anh nhưng năng lực chuyên môn vẫn không bằng nhiều sinh viên khác, và sau khi ra trường, chưa hẳn đã là người có khả năng hành nghề một cách thành thục, chưa nói là xuất sắc. Vì thực tế, khi ra trường, sinh viên ấy sẽ dạy Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn… đâu có dạy tiếng Anh?
Và, điều cuối cùng tôi muốn nói chính là tính bao quát và nhất quán trong các chủ trương, chính sách của ngành. Vì tính nhất quán, ổn định của chủ trương, chính sách là một trong những yếu tố chứng tỏ năng lực tổ chức, quản trị và tầm vóc tư duy chiến lược, triết lí của ngành.