Nhạc sĩ Minh Vy và mối lương duyên với câu ví, giặm

Thanh Nga 16/09/2023 17:36

(Baonghean.vn) - Là người con sinh ra ở đất Sài thành, nhưng không hiểu sao người nhạc sĩ tài danh ấy lại có cảm xúc và tình yêu khá đặc biệt với mảnh đất và con người xứ Nghệ.

Thế nên, những ca khúc của anh khi viết về vùng đất nắng gió luôn có một dấu ấn riêng, một cách tiếp cận riêng, khiến người nghe, người hát luôn cảm giác vừa thân thương, gần gũi nhưng cũng rất khác biệt, độc đáo.

“Anh Hai” Sài thành

nhạc sỹ Minh Vy.jpeg
Nhạc sĩ Minh Vy. Ảnh: NVCC

Minh Vy nói anh là người đậm chất Nam Bộ, bởi anh sinh ra ở Sài Gòn, ba mẹ vô cùng yêu dân ca Nam Bộ, yêu đờn ca tài tử. Từ nhỏ, anh đã được cho theo học đàn hát và thường xuyên dẫn đi xem kịch hát, cải lương... “Tuổi thơ tôi là những ngày tháng ba mẹ dẫn đi xem hát, xem kịch, xem cải lương, đi mà chả hiểu gì, cũng chả thấy hay” - Minh Vy kể. Ba anh là kỹ sư, song lại mong mỏi con trai theo con đường âm nhạc, trong lúc bấy giờ Minh Vy thực tâm không yêu thích, khiến anh nảy sinh tư tưởng chống đối, chỉ mong sao trốn việc học đàn.

Nhạc sỹ Minh Vy và Cẩm Ly trong một chương trình truyền hình thực tế.jpeg
Minh Vy và vợ là ca sĩ Cẩm Ly. Ảnh: NVCC

“Ba tôi bảo gia đình có khó khăn đến mấy thì con cái cũng phải được học hành đầy đủ, nhất là những thứ trước đây ba rất thích nhưng không có điều kiện. Lúc đó, tôi còn nhỏ chưa hiểu được tâm ý của ba, mà chỉ biết học là do bị ép buộc, không thích cũng phải học, nên đã có lúc chán nản đến mức chỉ mong đến ngày đi chích ngừa bệnh để có cớ được nghỉ ở nhà” - Minh Vy kể. Dẫu vậy, dần dà, chính sự nghiêm khắc của người ba đã tác động lên tâm hồn cậu bé Vy thuở đó. Anh dần vào khuôn khổ học hát, học diễn, học đàn, dù cái gọi là năng khiếu với anh không nhiều.

Ở bậc Trung học phổ thông, Minh Vy đã nổi danh toàn trường và nhanh chóng được xem là “cánh chim đầu đàn” trong phong trào văn nghệ. Chính điều đó đã giúp anh được giao lưu, học hỏi và khám phá muôn màu cuộc sống. Cậu bé lớp 11 có cơ hội tìm được những người cùng sở thích, đam mê âm nhạc. Nhóm nhạc mang tên “Biển lặng” ra đời và nhanh chóng nổi đình, nổi đám. Trong nhóm, Minh Vy đảm nhận đồng thời hai vai trò, vừa đánh keyboard, vừa là ca sĩ. Anh cũng là đầu tàu của nhóm và tỉ mỉ chăm sóc cho đứa con tinh thần của mình bằng tất cả tình yêu và sự cống hiến. Sau đó, anh nảy ra ý định sẽ ghi âm, thu lại các nhạc phẩm mà anh và các bạn đã thể hiện. May mắn thay, dưới sự hỗ trợ của ba anh, vốn là dân chuyên kỹ thuật, anh đã hoàn thành được những tác phẩm thu âm đầu tiên của mình.

 nhạc sỹ Minh Vy và gia đình nhỏ ca sỹ Cẩm Ly và con gái.jpeg
Vợ chồng nhạc sĩ Minh Vy và thí sinh Giọng hát Việt nhí. Ảnh: NVCC

Thuở đó, dù chỉ mới học cấp 3 nhưng kỹ thuật thu âm của Minh Vy chẳng kém cạnh so với những người có bề dày kinh nghiệm là bao. Có ba đồng hành, phòng thu của Minh Vy dần hình thành ngay chính trong ngôi nhà của anh. Đó chính là tiền đề của phòng thu Kim Lợi (Kim Lợi studio) nổi danh sau này, nơi đã cho ra đời những nhạc phẩm gắn liền với tên tuổi của Đình Văn, Tài Linh, Sĩ Ben, Thạch Thảo, Ngọc Hải…

Mong muốn Kim Lợi studio là điểm đến hấp dẫn, Minh Vy luôn chủ động kiếm tìm các tài năng trẻ. Cũng chính nhờ cơ duyên này, anh đã gặp bà xã Cẩm Ly - người mà anh nguyện hy sinh cả cuộc đời để cô được tỏa sáng.

Nói về điều này, nhạc sĩ Minh Vy bày tỏ: “Tôi thích nói về cuộc đời và số phận của một con người bởi chữ duyên. Chữ duyên cho tôi đến với âm nhạc, cho tôi sống được với nghề, đam mê dấn thân và lấy nó làm lẽ sống. Chữ duyên cũng khiến tôi và Cẩm Ly gặp nhau, nên chồng vợ và trở thành cặp đôi được điểm mặt nhớ tên trong làng nhạc”. Đối với nhạc sĩ Minh Vy, sự nghiệp của Cẩm Ly cũng chính là sự nghiệp, đam mê, lý tưởng của anh.

Bởi chữ duyên đó mà một ông bầu, một nhà sản xuất âm nhạc đa tài những năm 90 của thế kỷ trước đã trở thành tỷ phú. Ít ai biết dẫn đầu trào lưu âm nhạc Mưa Bụi một thời chính là Minh Vy. Ngày nay, nhạc sĩ Minh Vy cũng được tin tưởng giao đảm nhận vai trò giám khảo trong nhiều gameshow, chương trình ca nhạc hấp dẫn như: “Vợ chồng mình đi hát”, “Vòng sơ khảo tài năng Hoa hậu Việt Nam 2018”, “Ca sĩ thần tượng”, “Tuyệt đỉnh song ca cặp đôi vàng”, “Tuyệt đỉnh Bolero”... Anh cũng là người nhạc sĩ “Anh Hai Sài Gòn” chính hiệu khi luôn sẵn lòng giúp đỡ những ca sĩ mới bước vào nghề, những đồng nghiệp trong showbiz. Với anh, âm nhạc chỉ thật sự tỏa sáng và thăng hoa khi lan tỏa những ý nghĩa tích cực nhất cho cộng đồng.

Lương duyên với xứ Nghệ

gia đình nhạc sỹ Minh Vy.jpeg
Gia đình nhạc sĩ Minh Vy. Ảnh: NVCC

Cũng bởi đã ngấm âm nhạc quê hương từ thuở bé, nên Minh Vy muốn thử sức mình ở nhiều dòng dân gian suốt 3 miền đất nước để làm mới những ca khúc của mình. Vì thế, trong một lần được tiếp xúc với các ca sĩ, thí sinh những cuộc thi âm nhạc là người xứ Nghệ, anh lấy làm lạ là những ca sĩ này có thể nói thông thạo tiếng của cả 3 miền. Điều này khiến anh suy nghĩ, văn hóa của xứ Nghệ chắc hẳn cũng đặc biệt lắm! Ấy vậy, nên anh đã nảy ra ý định viết những ca khúc đẫm chất Nghệ để mời các thí sinh này hát.

Nghĩ là làm, anh bắt tay vào tìm tòi nghiên cứu chất liệu ví, giặm, các tứ điệu dân ca trong các ca khúc mang âm hưởng dân gian xứ Nghệ. Thế là, những câu đợi, câu chờ, những câu ví giận, thương được anh “ngấm” bằng cách riêng của mình. Càng nghiên cứu chất liệu Dân ca xứ Nghệ, anh càng muốn những đứa con tinh thần của mình phải thật đặc biệt, thật riêng không trộn lẫn với những sáng tác của các nhạc sĩ chuyên viết về xứ Nghệ.

Anh khai thác ý tứ ở các ca từ, ở cách nhả chữ của người Nghệ, anh cũng chú ý tới cả cách tỏ bày nỗi niềm giận thương, cách gửi gắm tình yêu quê hương xứ sở trong tình yêu lứa đôi của các tác phẩm đẫm chất Dân ca Nghệ Tĩnh. Thế là, những “Sao anh chẳng về”, “Nhớ quê”, “Đón mẹ”… được ra đời bằng những xúc cảm rất riêng của anh. “Qua quan sát, tôi thấy người Nghệ có những nét tính cách rất riêng, rất chịu thương, chịu khó, thẳng thắn, bộc trực và cũng rất hào sảng. Khi đã yêu thì đắm say, nồng nàn. Và vì vậy, trong tác phẩm của tôi, người Nghệ nếu thưởng thức sẽ bắt gặp mình trong đó” - Minh Vy chia sẻ. Anh cũng nói rằng, khi viết bài hát “Sao anh chẳng về”, anh không muốn đưa vào tác phẩm những địa danh đã có trong các tác phẩm khác, cũng không đưa rõ những từ địa phương như “mô, tê, răng, rứa”... mà khi cất lên, người nghe vẫn cảm giác rằng, anh viết cho họ, về con người họ và về những trắc ẩn đang chất chứa trong tâm hồn những người Nghệ.

“Tôi viết xong ca khúc “Sao anh chẳng về” mà không tự tin lắm đâu, nhưng khi đưa cho ca sĩ Hoàng Như Quỳnh và Phương Thủy người Nghệ An hát thì thấy các bạn hỏi tôi: Anh về Nghệ An bao giờ thế, anh ở đấy có lâu không? Thế nên, tôi biết mình đã viết thành công một ca khúc dành cho người Nghệ” - Minh Vy kể.

Đối với Minh Vy, không có mảng sáng tác vùng, miền nào là dễ, tất cả đều phải được người viết trau dồi, nghiên cứu và cảm thụ một cách nghiêm túc. Và mỗi câu chuyện trong các tác phẩm âm nhạc đều phải có được sự rung động một cách chân thành. Tác phẩm chỉ đồng điệu với người nghe khi nó có cùng tần số với họ, nghĩa là phải kể được câu chuyện của người nghe, người hát, nếu họ rung động thì nhạc sĩ đó đã thành công.

Trong chuyến công tác tại Nghệ An vừa qua, Minh Vy nói anh sẽ có thêm nhiều ca khúc mới khi anh “bắt” được một tứ nhạc khi qua cầu Bến Thủy và lên núi Quyết. Anh nói rằng, lần này ca khúc sẽ có những câu chuyện thật hay, thật cảm xúc, vì anh đã đến được nơi mà trước đây anh chỉ tìm gặp nó trong thơ ca, trong âm nhạc và cả trong những câu chuyện văn học...

Mới nhất

x
Nhạc sĩ Minh Vy và mối lương duyên với câu ví, giặm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO