Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai hiệu quả hoạt động giúp dân ở khu vực biên giới
(Baonghean.vn) - Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Nghệ An đã có nhiều hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực cho nhân dân trên địa bàn đóng quân; góp phần xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân; từ đó bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Chắp cánh ước mơ cho học sinh nghèo
Cháu Ngân Văn Trọng là một học sinh nghèo ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Gia đình cháu rất khó khăn, mẹ thường xuyên đau ốm, hai chị gái đi làm ăn xa. Mọi công việc đều đặt trên đôi vai của bố. Cuộc sống vất vả nên có lúc Trọng đã tính đến việc nghỉ học để lao động, giúp đỡ gia đình…
Biết được hoàn cảnh của gia đình cháu Trọng, với mong muốn giúp cháu có điều kiện tiếp tục đến trường học tập như các bạn đồng trang lứa, Đồn Biên phòng Môn Sơn đã nhận đỡ đầu cháu Trọng theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”.
Theo đó, cháu Ngân Văn Trọng đã được Đồn Biên phòng Môn Sơn bố trí nơi ăn, ở, sinh hoạt phù hợp; hỗ trợ sách, vở, kinh phí học tập; đồng thời, phân công cán bộ trực tiếp giúp đỡ, kèm cặp, hướng dẫn em học tập hàng ngày…
Ông Ngân Văn Kinh – bố của cháu Trọng rất xúc động khi nhận được sự hỗ trợ này: “Với điều kiện hoàn cảnh khó khăn của gia đình tôi thì không thể tiếp tục cho con tôi đi học được nữa. May nhờ các anh Đồn Biên phòng Môn Sơn đến tuyên truyền, nhận con tôi làm con nuôi biên phòng nên cháu tiếp tục được học lên. Gia đình tôi rất cảm ơn!”
Ở Nghệ An, các “ông bố” biên phòng tận tâm, tận lực nuôi dạy các cháu học sinh nghèo đã trở thành một hình ảnh đẹp, quen thuộc với bà con nhân dân khu vực biên giới. Được biết, toàn tỉnh hiện có 18 học sinh mồ côi đã được các đồn biên phòng nhận làm con nuôi đưa về ăn ở, học tập tại đồn; có 96 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được các đồn biên phòng hỗ trợ, giúp đỡ theo Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng".
Ngoài Chương trình "Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn biên phòng", các đơn vị Biên phòng Nghệ An hiện đang thực hiện Dự án “Cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường” (theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 12/NQ-CP). Theo đó, còn có thêm 185 em học sinh dân tộc thiểu số trong độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 12 đang sinh sống ở khu vực biên giới, có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc, tạo điều kiện để đến trường.
Thầy giáo Võ Đức Trọng - Trường Trung học cơ sở Môn Sơn cho biết: Bên cạnh việc chăm lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho các cháu, các anh bộ đội biên phòng còn phối hợp với các địa phương, nhà trường nắm bắt tình hình cuộc sống, hoàn cảnh gia đình và kết quả học tập của các cháu để có cách giúp đỡ, hỗ trợ phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể, giúp các em phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.
Giúp đồng bào bằng mô hình cụ thể
Cùng với việc chắp cánh cho học sinh nghèo, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã tổ chức, phối hợp triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ người dân khu vực biên giới phát triển kinh tế hiệu quả.
Điển hình như Đồn Biên phòng Tam Hợp đã cử cán bộ đến từng gia đình trong khu vực đóng quân để tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con phát triển sản xuất. Gia đình ông Vừ Giống Chùa, ở bản Huồi Sơn là một trong số đó. Gia đình ông Chùa đã được Đồn Biên phòng Tam Hợp hỗ trợ kinh phí ban đầu 2 triệu đồng mua phân bón; được tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và giúp ngày công triển khai trồng cây bo bo dưới tán rừng.
Sau 1 năm trồng và chăm sóc với diện tích 1 ha cây bo bo, gia đình ông Chùa đã thu về 400 kg hạt (theo giá thị trường mỗi kg bo bo khô có giá 20.000 đồng).
Chia sẻ niềm vui về giống cây trồng mới triển khai mà cho hiệu quả tốt, ông Vừ Giống Chùa cho biết: “Đồn biên phòng đã giúp gia đình trồng cây bo bo để phát triển kinh tế, nhờ đó, gia đình đã có thu nhập để sửa nhà. Ngoài giúp trồng bo bo, bộ đội biên phòng còn hướng dẫn, giúp đỡ gia đình trồng lúa nước. Mỗi khi gia đình có việc cần nhân lực thì các chiến sĩ đều đến giúp”.
Trung tá Ngô Văn Thiện - Chính trị viên Đồn Biên phòng Tam Hợp cho hay: “Đến nay, đã có 3 hộ gia đình trên địa bàn triển khai trồng thành công giống cây bo bo. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp nhân rộng mô hình để giúp người dân phát triển kinh tế ngay tại địa phương. Cùng với đó, sẽ tiếp tục triển khai các mô hình giúp dân có hiệu quả lâu nay như mô hình sẻ chia 50/50, mô hình đồng hành cùng nông dân vượt khó, đồng hành cùng phụ nữ biên cương, ánh sáng vùng biên”.
Trên tuyến biên giới của tỉnh, tuỳ điều kiện, phong tục, tập quán của từng địa phương, người dân mà các đồn Biên phòng đã có những cách làm, mô hình phù hợp để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế. Để triển khai hiệu quả hoạt động giúp dân, các đơn vị biên phòng đã lựa chọn các đồng chí có kinh nghiệm thực tiễn, am hiểu phong tục, tập quán của đồng bào nhằm phát huy khả năng trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện, giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo.
Song hành hỗ trợ phát triển kinh tế, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cũng đẩy mạnh các hoạt động thiện nguyện giúp dân. Một trong số đó là xây dựng “Ngôi nhà thiện nguyện” với các vật dụng như quần áo, đồ dùng, sách vở và nhiều nhu yếu phẩm cần thiết cho sinh hoạt… khi bà con cần thì đến để lấy miễn phí. Ra đời từ sáng kiến của các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, “Ngôi nhà thiện nguyện” được xây dựng trên phương châm “Ai cần đến lấy, ai có sẻ chia”, đến nay, đã nhận được sự chung tay, chia sẻ của nhiều nhà hảo tâm.
Từ mô hình “Ngôi nhà thiện nguyện” đầu tiên xây dựng vào năm 2021 ở Đồn Biên phòng Mỹ Lý, xã Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn, đến nay, trên tuyến biên giới Nghệ An, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xây dựng thêm được 4 ngôi nhà khác ở các xã biên giới đặc biệt khó khăn như: Keng Đu, Na Ngoi (Kỳ Sơn); Tam Hợp (Tương Dương); Châu Khê (Con Cuông)... trở thành nơi gắn kết yêu thương của cộng đồng.
Có thể khẳng định, những việc làm của người lính quân hàm xanh đã góp phần lan toả giá trị nhân văn, nhân thêm niềm tin cuộc sống… để đồng bào các dân tộc thêm gắn kết cùng lực lượng biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới.
Ngoài việc hỗ trợ người dân, Bộ đội Biên Phòng Nghệ An cũng tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn đóng quân. Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang duy trì 5 cán bộ tham gia Ban Chấp hành đảng bộ huyện; 2 cán bộ tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện; 23 cán bộ tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã; 27 cán bộ tăng cường xã biên giới; giới thiệu 81 đảng viên bộ đội biên phòng chuyển sinh hoạt tạm thời về các chi bộ thôn, bản; phân công 522 đảng viên phụ trách giúp đỡ 2.387 hộ gia đình ở khu vực biên giới.
Trong năm 2023, các đảng viên biên phòng đã tham mưu, phối hợp cùng cấp uỷ, chính quyền các địa phương củng cố, kiện toàn 149 chi bộ, 104 tổ chức chính trị, xã hội và tham mưu địa phương kết nạp 81 đảng viên mới.