Bộ Giáo dục - Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29
(Baonghean.vn) - Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW đã tạo điều kiện cho toàn ngành giáo dục phát huy thế mạnh, đặc biệt là sự đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm, và sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Sáng 14/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tại điểm cầu Nghệ An có các đồng chí: Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thái Văn Thành - Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, các trường đại học, cao đẳng đóng trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã đánh dấu bước phát triển mới về tư duy chiến lược của Đảng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết cũng thể hiện tầm nhìn, quyết tâm và định hướng chiến lược với giáo dục, cũng như tầm nhìn phát triển bền vững đất nước trước mắt, cũng như lâu dài.
Sau 10 năm triển khai, hệ thống giáo dục quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo; quy mô giáo dục, mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới chuyển từ nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục phổ thông đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung, hình thức, góp phần xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Thực hiện Nghị quyết 29, ngành cũng đã đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất và hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.
Tại hội nghị, tham luận phát biểu của các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Hà Nội, Kom Tum đã đồng ý với báo cáo tổng kết. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng đã chỉ ra những khó khăn, bất cập, tồn tại, tập trung vào các nội dung như: vấn đề tuyển dụng viên chức, bổ nhiệm viên chức quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo còn gặp nhiều khó khăn, cần xem xét ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ cho các trường có mô hình bán trú dân nuôi, nội trú, trường có đông học sinh dân tộc thiểu số vùng khó khăn; có chính sách hỗ trợ đối với học viên học trung cấp nghề tham gia học chương trình Giáo dục thường xuyên cấp THPT nhằm góp phần thực hiện phân luồng sau tốt nghiệp THCS…
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả toàn ngành giáo dục đã đạt được sau 10 năm thực hiện đổi mới. Trong những năm tới, đồng chí cũng đã chỉ ra nhiều nhiệm vụ quan trọng đó là cần sớm giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, xóa phòng học tạm… Tiếp tục đổi mới công tác thi kiểm tra đánh giá, đổi mới phương pháp dạy học.
Với giáo dục đại học cần được đầu tư bài bản, có chiến lượng, mở rộng số lượng phải gắn với nâng cao chất lượng, hoàn thiện thể chế về tự chủ đại học, tăng cường nghiên cứu trong các trường đại học….Với giáo dục nghề nghiệp, phải xác định rõ nhóm ngành nghề đào tạo, có chính sách để doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, chính sách đầu tư, nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ những khó khăn của toàn ngành trong 10 năm thực Nghị quyết số 29. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực của chính quyền các địa phương trong quá trình thực hiện.
Người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết, hiện nay nhiều nội dung trong Nghị quyết số 29 vẫn đang tiếp tục thực hiện. Với đối tượng giáo dục trực tiếp là con người, việc đánh giá đang cần phải một quá trình. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu toàn ngành cần phải kiên trì với định hướng đổi mới để có tác dụng lâu dài.
Trong bối cảnh mới với nhiều thách thức mới thì việc đổi mới giáo dục cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề về nhận thức, về hành động, về thể chế, về nguồn lực.
Sau hội nghị này, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo báo cáo để trình Bộ Chính trị và đề ra các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo./.