Bỏ hoang ruộng vụ hè thu có xu hướng gia tăng ở Nghệ An

Xuân Hoàng - Văn Hải

Theo dõi Báo Nghệ An trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(Baonghean.vn) - Năm nay tình trạng nông dân Nghệ An bỏ hoang ruộng vụ hè thu có xu hướng gia tăng. Một số diện tích từng là "bờ xôi ruộng mật" nay vẫn bị bỏ không suốt 7 tháng liền, gây lãng phí nguồn tài nguyên. 

Thực trạng

Chuyện người nông dân bỏ ruộng trong vụ hè thu có nhiều nguyên nhân, nhưng vẫn chung một mấu chốt đó là làm ruộng thu nhập quá thấp, có nơi do điều kiện tự nhiên nên bấp bênh thậm chí thua lỗ. Cơ bản bà con bỏ ruộng không phải vì chán nghề, mà vì nghề không đáp ứng nhu cầu cuộc sống dù có khi còn khiêm tốn của mình.

Những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên địa bàn huyện Yên Thành bỏ hoang trong vụ hè thu này. Ảnh: Xuân Hoàng
Những cánh đồng thẳng cánh cò bay trên địa bàn huyện Yên Thành bỏ hoang trong vụ hè thu này. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại các huyện được mệnh danh là “vựa lúa” của Nghệ An như: Yên Thành, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu… không chỉ các cánh đồng ở vùng bán sơn địa điều kiện tưới tiêu khó khăn, hay vùng sâu trũng thường ngập lụt; mà cả diện tích đất lúa, vốn chủ động được nước tưới nhưng người dân vẫn bỏ hoang, không sản xuất trong vụ hè thu. Hầu như mỗi năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa xuân để đủ lương thực cho cả năm.

Tại huyện Quỳnh Lưu, dịp này đi các xã Quỳnh Giang, Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lâm, Ngọc Sơn… chứng kiến nhiều cánh đồng không được triển khai sản xuất gối vụ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu, vài năm lại đây, mỗi năm toàn huyện có gần 700ha đất lúa hè thu bị bỏ hoang, trong đó có cả địa bàn các xã tưới tiêu thuận lợi.

Thực trạng tại nhiều nơi, nhà gieo cấy, nhà bỏ hoang, khó khăn trong công tác bảo vệ, thủy lợi và hệ lụy là tồn dư của sâu bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng
Thực trạng tại nhiều nơi, nhà gieo cấy, nhà bỏ hoang, khó khăn trong công tác bảo vệ, thủy lợi và hệ lụy là tồn dư của sâu bệnh. Ảnh: Xuân Hoàng

Ở huyện Yên Thành, tình trạng ruộng bỏ hoang vụ hè thu không ít. Ông Cung Đình Chính ở xóm Đồng Bàn, xã Lăng Thành cho hay: Làm ruộng bây giờ nhàn, gần như 100% từ khâu làm đất đến thu hoạch là thuê máy móc, nên dù vợ con đi làm ăn xa thì một mình ở nhà cũng có thể làm được. Nhưng tính toán cho thấy, do tiền công và phân bón đều tăng, trong khi sản xuất hè thu đạt năng suất thấp, nên làm sẽ không có lãi, thậm chí lỗ.

Sản xuất 1 sào lúa hè thu, chi phí thuê công cày, cấy, vật tư, giống, thuốc BVTV… hết khoảng 1,3 triệu đồng. Nếu thuận lợi nhất thu về 2,5 tạ lúa/sào, với giá thị trường hiện nay gần 700.000 đồng/tạ, thu về chỉ 1,7 triệu đồng, còn lãi 400.000 đồng. Tuy nhiên, nếu gặp rủi ro do thiên tai, sâu bệnh… ảnh hưởng đến năng suất là lỗ vốn. Thế nên gia đình có 5 sào đất ngay trước cửa nhà, khá thuận lợi để gieo cấy 2 vụ/năm, nhưng vụ hè thu năm sau cân nhắc đã bỏ hoang.

Ông Cung Đình Chính - xóm Đồng bàn, xã Lăng Thành, huyện Yên Thành

Không chỉ cánh đồng Đồng Bàn, mà nhiều cánh đồng ở cạnh kênh Vách Bắc và phía dưới sông Đào của xã Lăng Thành đều có bỏ hoang. Ông Nguyễn Hồ Sơn - Chủ tịch UBND xã Lăng Thành cho biết, toàn xã có tới hơn 100ha đất bị bỏ hoang trong vụ hè thu này, mặc dù trước thời vụ gieo cấy địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động bà con làm ruộng, nhưng bà con vẫn không làm.

Diện tích bỏ hoang nhiều nhất ở Yên Thành phải kể đến xã Đô Thành. Toàn xã có 538ha đất sản xuất lúa, nhưng vụ hè thu này chỉ gieo cấy được 90ha, còn lại 448ha bỏ hoang.

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho hay: Tình trạng nông dân trên địa bàn xã bỏ hoang trong vụ hè thu diễn ra từ nhiều năm trước và năm nay là nhiều nhất.

Giá phân bón tăng quá cao là nguyên nhân chính dẫn đến nông dân không mặn mà với sản xuất lúa hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng
Giá phân bón tăng quá cao là nguyên nhân chính dẫn đến nông dân không mặn mà với sản xuất lúa hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng

Biết bỏ ruộng hoang là lãng phí, nhưng do làm vụ hè thu gặp nhiều rủi ro, trong khi người dân trên địa bàn xã có nhiều nghề kiếm ra tiền hàng ngày, nên bà con bỏ sản xuất mùa vụ”.

Ông Luyện Xuân Huệ - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành

Tại một số xã ven thành phố Vinh và huyện Hưng Nguyên, tình hình cũng tương tự khi hầu hết bà con nông dân chỉ sản xuất vụ xuân, còn vụ hè thu, thậm chí là vụ đông đều để hoang.

Ông Dương Văn Thám - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa (TP. Vinh) chia sẻ: Toàn xã có khoảng 900ha đất nông nghiệp nhưng đã thu hồi gần 1 nửa. Ngoài gần 200 diện tích đã thu hồi làm hồ điều hòa, đường giao thông trước đó, từ năm 2021 lại đây, TP. Vinh tiếp tục thu hồi 182,8ha phục vụ cho dự án đầu tư. Điều đáng nói là trên 400ha lúa còn lại, người dân hầu như chỉ làm vụ xuân, còn lại gần như 100% diện tích vụ hè thu bỏ hoang.

Nghệ An có 84.000ha đất sản xuất 2 vụ lúa/năm. Theo số liệu của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh chỉ gieo trồng 60.850ha. Đơn cử như tại huyện Yên Thành có 12.000ha có thể gieo cấy hè thu, nhưng vụ hè thu này kế hoạch của huyện đưa vào gieo cấy 11.500ha, còn lại 500ha thuộc vùng sâu trũng, huyện không khuyến khích gieo cấy. Như vậy, vụ hè thu này trên địa bàn Yên Thành có khoảng gần 1.000ha bỏ hoang. Các huyện khác như Diễn Châu chỉ sản xuất được 6.000ha/kế hoạch 8.000ha; Quỳnh Lưu sản xuất 5.754ha/kế hoạch 6.700ha…

Với thực tế như đã nói trên, đặt ra vấn đề là ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp cần làm gì để người nông dân quay lại gắn bó với đồng ruộng?

Giải pháp nào

Thống kê sơ bộ, vụ hè thu năm 2022 này, toàn tỉnh có tới hàng nghìn ha diện tích đất bị bỏ hoang không cấy. Việc nông dân bỏ ruộng, “cách mùa vụ” ngày càng gia tăng đòi hỏi các ngành chức năng và địa phương các cấp phải trăn trở để tham mưu, đề xuất các giải pháp và vào cuộc thực hiện để khắc phục tình trạng này.

Nhiều nơi trên địa bàn xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), nông dân tận dụng thời gian dài ruộng đồng bỏ hoang để nuôi thả vịt. Ảnh: Văn Hải
Nhiều nơi trên địa bàn xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), nông dân tận dụng thời gian dài ruộng đồng bỏ hoang để nuôi thả vịt. Ảnh: Văn Hải

Bên cạnh đó, đa số bà con nông dân cho rằng, giải pháp cốt yếu nhất là hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp cần làm tốt vai trò của mình, nhằm cung ứng các loại dịch vụ đầu vào cho nông dân và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Một vấn đề nữa, hiện nay ruộng vẫn còn manh mún và chưa đa dạng cây trồng, do vậy giải pháp khép kín cây trồng vụ hè thu là cần tiếp tục dồn điền đổi thửa, từ đó chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo từng vùng cho phù hợp, tạo hàng hóa tập trung và không nhất thiết phải làm lúa, để thuận lợi cho liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.

Trên thực tế, đã có một số hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp làm tốt khâu dịch vụ, tạo niềm tin với bà con nông dân. Ví như Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thọ Thành (Yên Thành) luôn lấy lợi ích chung lên hàng đầu, nên hoạt động có chiều sâu, được bà con nông dân tin tưởng.

“Vấn đề quan trọng là hợp tác xã làm tốt vai trò của mình, phải lấy nông dân làm trọng. Khi bà con thấy có lợi nhuận thực sự từ sản xuất lúa thì họ sẽ quay lại với đồng ruộng”, ông Hồ Sỹ Quảng chia sẻ.

Ông Hồ Sỹ Quảng - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Trước thực trạng bà con nông dân bỏ hoang vụ hè thu, hợp tác xã vận động bà con tạo điều kiện cho một số hộ nhận làm, kết quả đã có 100ha đưa vào gieo cấy hè thu theo hình thức liên kết với doanh nghiệp. Để làm được điều đó, hợp tác xã liên kết với Công ty Trách nhiệm hữu hạn gạo Khang Long (Thái Bình) đồng hành cùng bà con bằng cách thu mua toàn bộ lúa tươi tại ruộng cho bà con. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã cung ứng các loại dịch vụ: Làm đất gieo cấy bằng mạ khay, bảo vệ thực vật… đến thu hoạch với mức giá tối thiểu, nên giảm được chi phí cho bà con.

Hiện nay phần lớn gieo cấy lúa là sử dụng nhân công, chi phí cao, do vậy cần tăng cường cơ giới hóa vào khâu gieo cấy bằng mạ khay để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Xuân Hoàng

Hiện nay phần lớn gieo cấy lúa là sử dụng nhân công, chi phí cao, do vậy cần tăng cường cơ giới hóa vào khâu gieo cấy bằng mạ khay để giảm chi phí đầu vào. Ảnh: Xuân Hoàng

Một chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp, ông Doãn Trí Tuệ cho rằng, trong bối cảnh giá đầu vào tăng cao như hiện nay, cần có 3 giải pháp căn cơ để bà con nông dân quay lại với đồng ruộng: Thứ nhất, cần có sự liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, có thể là sản xuất lúa giống, lúa thương phẩm chất lượng cao để giải quyết đầu ra ổn định và lâu dài. Thứ hai, đã đến lúc Nghệ An không nên chạy theo về năng suất và sản lượng, bởi lúa gạo chất lượng thấp khó tiêu thụ và giá bán thấp, dẫn đến nông dân thua lỗ. Thay vào đó là hướng đến sản xuất các loại lúa có chất cao: TS25, TS24, hương thơm, bắc thơm… được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao trên thị trường. Thứ ba, trong bối cảnh giá vật tư, giống… tăng cao như hiện nay, phía Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân để khuyến khích, động viên bà con bám ruộng.

Trong một lần trao đổi với phóng viên chúng tôi về xây dựng liên kết để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Văn Đệ - Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từng chia sẻ: Để nông nghiệp phát triển bền vững và nông dân làm nông nghiệp có lãi, cần tăng cường liên kết, theo đó, nông dân sẽ cho các doanh nghiệp thuê lại đất để đi vào sản xuất lớn, trong đó nông dân vừa góp tài sản là quyền sử dụng đất, đồng thời là lao động cho doanh nghiệp, hợp tác xã; các doanh nghiệp cung cấp vật tư, phân bón và hỗ trợ về kỹ thuật, liên kết để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Bên cạnh đó, một giải pháp đang được tỉnh, các ngành và người dân quan tâm là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng diện tích canh tác nông nghiệp công nghệ cao đã đạt gần 25.000ha, chiếm gần 9% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh; toàn tỉnh đã có 26 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tuy nhiên, để các mô hình này phát triển bền vững, mấu chốt vẫn là phải tăng cường liên kết, tích tụ ruộng đất, trong đó nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc cho doanh nghiệp, hộ có điều kiện thuê lại đất để sản xuất.

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp liên kết với nhà nông để sản xuất cây dược liệu. Trong ảnh: Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát liên kết với nhiều hộ dân trong vùng để sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Hoàng
Những năm qua, nhiều doanh nghiệp liên kết với nhà nông để sản xuất cây dược liệu. Trong ảnh: Công ty cổ phần Dược liệu Pù Mát liên kết với nhiều hộ dân trong vùng để sản xuất cây dược liệu cho hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Hoàng

tin mới

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

Nghệ An kiểm tra thực tế công tác chỉ đạo chống khai thác hải sản trái phép tại Quỳnh Lưu và Hoàng Mai

(Baonghean.vn) -Thực hiện Kế hoạch mở đợt kiểm tra cao điểm về hoạt động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU), chiều 28/3, đoàn công tác Ban chỉ đạo IUU của tỉnh tiến hành kiểm tra tại địa bàn Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai.

Tỷ lệ che phủ rừng Nghệ An đạt 58,33%. Ảnh: tư liệu

Tỷ lệ che phủ rừng của Nghệ An đạt gần 60%

(Baonghean.vn) -Năm 2023, ngành lâm nghiệp Nghệ An gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, ngành lâm nghiệp đã đạt được nhiều kết quả khả quan, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

Nghệ An: Kết quả giải ngân đầu tư công quý I/2024 cao hơn cùng kỳ

(Baonghean.vn) - Tỷ lệ giải ngân đầu tư công quý I/2024 của Nghệ An cao hơn so với cùng kỳ, đạt trên 12%. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Tổ công tác của UBND tỉnh sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với chủ đầu tư các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp để đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

Kho Bạc Nhà nước Nghệ An tập trung giải ngân vốn đầu tư công

(Baonghean.vn) - Năm 2024 là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng để hoàn thành các mục tiêu của năm 2025 và các kế hoạch trung hạn đã được đề ra, nên ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã tích cực triển khai các phương án nhằm nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư.

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

Nhà sáng lập Ecopark chính thức ra mắt trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An

(Baonghean.vn) - Với những con phố có các thương hiệu giáo dục trong nước, quốc tế, hệ thống trường học, thư viện,… cùng công viên chủ đề lần đầu tiên tại Nghệ An rộng 15.000m2, The Campus được nhà sáng lập Ecopark phát triển để trở thành trung tâm giáo dục, giải trí, sáng tạo lớn nhất Nghệ An.

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

Giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại

(Baonghean.vn) -Theo thống kê, chỉ trong 1 tuần (18/3-24/3), giá vàng trong nước đã giảm đến trên 1 triệu đồng/lượng. Đóng cửa phiên giao dịch trong tuần, hôm nay (24/3), giá vàng tăng nhẹ, cùng với nhiều yếu tố đã đẩy giao dịch vàng ở Nghệ An sôi động trở lại.