Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ

Thành Duy 22/07/2020 12:54

(Baonghean.vn) - Sáng 22/7, tại TP. Vinh (Nghệ An), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị tăng cường công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng, chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ.

Các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh Bắc Trung bộ. Ảnh: Thành Duy

BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TÁC ĐỘNG RẤT GAY GẮT

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, tác động của biến đổi khí hậu diễn ra rất gay gắt, thậm chí những hiện tượng dị thường là hậu quả của biến đổi khí hậu xảy ra còn nhanh hơn cả những kịch bản mới nhất mà quốc tế và Việt Nam dự báo.

Đặc biệt, diễn biến thời tiết năm nay hết sức bất thường nên càng cần phải nêu cao cảnh giác. Bộ NN&PTNT đã và sẽ tổ chức các hội nghị với các khu vực trọng điểm trong cả nước để bàn giải pháp ứng phó với thiên tai, trong đó hội nghị hôm nay tổ chức tại khu vực Bắc Trung bộ.

Theo Bộ trưởng, đây là khu vực có đặc thù là mật độ sông, suối dày đặc, nhiều hồ nhất cả nước, trong đó có nhiều hồ nhỏ; địa hình rất dốc, chia cắt; các đồng bằng nhỏ rất manh mún; mùa mưa tập trung vào những tháng cuối năm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Vì vậy, đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị, các đại biểu tập trung thảo luận bàn giải pháp ứng phó để chống hạn cho diện tích cây trồng, trong đó có khoảng 26.000 ha lúa đang bị hạn mà một nửa có nguy cơ mất trắng nếu khoảng một tuần nữa không có mưa; đồng thời bàn công tác chống lũ; xây dựng giải pháp căn cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An cho biết một số nét về tình hình của tỉnh.

Trong quá trình hoạch định, triển khai phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An xác định lĩnh vực Nông nghiệp là một thế mạnh, mũi trọng điểm trong phát triển kinh tế.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu chào mừng Hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020 mặc dù đại dịch Covid-19 ảnh hưởng vô cùng lớn nhưng nông nghiệp của tỉnh vẫn có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng 4,98%, cao hơn so với năm ngoái. Chính nông nghiệp đã là trụ đỡ cho nền kinh tế Nghệ An.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, diễn biến của thời tiết rất phức tạp, khó lường, ảnh hưởng không chỉ đến sản xuất nông nghiệp mà còn đe dọa đến an toàn, tính mạng của người dân.

hạn
Hạn hán khốc liệt tại Nghệ An. Xác cá khô quắt trên ruộng. Ảnh tư liệu Quang An

Riêng trên địa bàn tỉnh, hiện nay tổng diện tích các loại cây trồng bị hạn, thiếu nước là 13.591 ha, trong đó diện tích lúa 10.583 ha, trong đó khoảng 4.500 ha lúa bị hạn nặng.

Để đối phó có hiệu quả với sự biến động của thời tiết, chủ động phòng, chống thiên tai, ngay từ đầu năm, Nghệ An đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc theo phương châm: “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó lấy phòng là chính".

Các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý bày tỏ cảm ơn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ NN&PTNT cùng một số bộ ngành đã tổ chức và tham dự Hội nghị bàn về công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phòng chống thiên tai cho khu vực Bắc Trung bộ.

Điều này thể hiện sự ứng phó rất kịp thời, rất sâu sát, quyết liệt của Bộ NN&PTNT; đồng thời tạo thêm tâm thế cho các địa phương chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai.

"BIẾN NGUY THÀNH CƠ"

Hội nghị đã nghe báo cáo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia; Tổng Cục thủy lợi; Cục Trồng trọt; Tổng Cục phòng chống thiên tai và đại diện lãnh đạo các tỉnh... phát biểu về tình hình khí tượng thủy văn, giải pháp ứng phó, công tác vận hành hồ chứa nước thủy điện và đảm bảo an toàn hạ du;...

Dự Hội nghị, đại diện cho tỉnh Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã có tham luận về công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, hiện nay để chống hạn, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện phối hợp với các nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê điều tiết liên hồ chứa theo quy định vận hành hồ chứa để cấp nước cho hạ du, đảm bảo nhu cầu phục vụ sản xuất, dân sinh; chỉ đạo tưới tiết kiệm nước, tập trung chỉ đạo tưới luân phiên; lắp đặt các trạm bơm nhỏ, dã chiến; xây dựng đập mềm, đập tạm; thực hiện công tác tuyên truyền…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng đã trình bày giải pháp chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống thiên tai với 13 giải pháp cụ thể phù hợp đặc điểm, tình hình, đời sống dân cư, sản xuất cho 3 vùng là: ven biển; trung du, đồng bằng và vùng miền núi cao.

Sau khi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng, chống thiên tai, Nghệ An cũng kiến nghị một số nội dung như: đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất với Chính phủ để tiếp tục có kinh phí hỗ trợ chống hạn như các năm trước đây.

Đồng chí Mai Văn Minh - Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Thành Duy

Về lâu dài hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình chống hạn và hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các hồ chứa nước thủy lợi đã hư hỏng, xuống cấp;…

Nghệ An cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ có quy chế phối hợp với Chính phủ Lào về việc cung cấp thông tin mưa lũ giữa Lào và Việt Nam, trong đó có các tỉnh của Lào có đường biên giới chung với Nghệ An.

Kết luận, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Tổng Cục Thủy lợi tiếp thu các ý kiến thảo luận để hoàn thiện báo cáo kết quả Hội nghị trình Bộ trưởng ký ban hành để gửi các tỉnh trong khu vực nghiên cứu, vận dụng vào công tác phòng chống thiên tai.

Đi vào cụ thể, đối với công tác phòng chống hạn, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh nguyên nhân hạn hán là do không có mưa trong thời gian dài, dòng chảy bị suy kiệt từ 20 -30%, nắng nóng, các hồ rất khó khăn về nước.

Để xử lý vấn đề này, người đứng đầu ngành Nông nghiệp yêu cầu toàn vùng nghiên cứu kỹ để điều tiết hiệu quả dung tích nước đang còn trong các hồ chứa; tập trung bơm cưỡng bức với tất cả các loại công suất để hỗ trợ cho được 26.000 ha lúa bị hạn; áp dụng quy trình tưới luân phiên.

Riêng vụ hè thu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị quán triệt phương châm "xanh nhà hơn già đồng". Bên cạnh đó, toàn vùng còn 46.600 hộ thiếu nước nên cần thực hiện các giải pháp cung cấp nước để không hộ nào thiếu nước sinh hoạt.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế công trình đầu mối đập Bara Đô Lương, Nghệ An vào chiều 21/7. Ảnh: Thành Duy
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cùng đoàn công tác đã khảo sát thực tế công trình đầu mối đập Bara Đô Lương, Nghệ An vào chiều 21/7. Ảnh: Thành Duy

Về lâu dài, nhận định diễn biến thời tiết còn phức tạp, Bộ trưởng lưu ý các tỉnh trong khu vực cần rà soát tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng thích ứng, không để nguy cơ rủi ro; rất chú ý đến vùng sinh thủy rừng vì đây là vùng sinh nước, ngậm nước, giữ nước.

Bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Xuân Cường đề nghị rà soát lại toàn bộ các thiết chế hạ tầng lớn, nhất là các hồ chứa nước; đánh giá, tính toán lại phương án trị thủy các dòng sông một cách hiệu quả hơn;…

Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng lưu ý các tỉnh cần chủ động ứng phó với tình hình lũ. Tinh thần là phải rà soát toàn bộ, phương án, kế hoạch ứng phó thực sự sát thực tiễn.

Nhấn mạnh, các vấn đề ứng phó với thiên tai trong khu vực Bắc Trung bộ đã được nhận diện, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu sau Hội nghị, các tỉnh tập trung tổ chức thực hiện hiệu quả, “biến nguy thành cơ”, hạn chế thấp nhất các thiệt hại. Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị bàn giải pháp phòng chống thiên tai tại khu vực Bắc Trung bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO