Bộ phận chăn nuôi - thú y tại các huyện vừa sáp nhập đã 'rục rịch' chia tách
(Baonghean.vn) - Mặc dù mới sáp nhập để thành lập trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại các huyện chưa lâu, nhưng bộ phận phụ trách chăn nuôi – thú y đang đứng trước “nguy cơ” phải chia tách để nhập về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
Chồng chéo
Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết Trung ương 6, khoá XII; Nghị quyết Trung ương 19, khoá XII; Nghị định số 120/2020/NĐ-CP); tại các huyện, thành, thị trên địa bàn Nghệ An, từ năm 2020, các trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã được thành lập, trên cơ sở sáp nhập trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật; trạm khuyến nông và phát triển nông thôn; trạm chăn nuôi – thú y (một số địa phương còn nhập thêm ban phát triển nông thôn miền núi).
Vậy nhưng, khi quyết định chưa “ráo mực” thì đến ngày 22/3/2021, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 414/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030”; và ngày 23/7/2021 UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có Quyết định số 2559/QĐ-UBND về việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh.
Theo đề án này, thì bộ phận chăn nuôi, thú y tại trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện lại phải “trả về” cho Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh quản lý. Nếu điều này được thực hiện thì đồng nghĩa với việc các trung tâm dịch vụ nông nghiệp sẽ không đủ định mức 15 người làm việc theo Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Có mặt tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn, chúng tôi được biết, trung tâm này được thành lập theo Quyết định số 2954/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Nghệ An trên cơ sở hợp nhất 3 trạm của huyện: Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông và Phát triển nông thôn và Trạm Chăn nuôi – Thú y. Hiện trung tâm có 8 cán bộ, viên chức và hợp đồng, trong khi chỉ tiêu biên chế được giao là 9 người.
Ông Nguyễn Trọng Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Anh Sơn cho biết, sau khi sáp nhập, ngoài việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, thì đã góp phần giảm được đầu mối, tránh sự chồng chéo và tập trung được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện trong quá trình chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, giúp giảm áp lực nhân lực và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là vào các đợt cao điểm về dịch bệnh.
Ông Sơn cho rằng, nếu theo quy định của Nghị định 120 thì đơn vị phải có tối thiểu 15 người làm việc mới đủ điều kiện thành lập đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy nhưng, tại trung tâm, đầu năm 2023 có 3 người nghỉ hưu và chuyển công tác, vì vậy, hiện nay chỉ còn 7 viên chức và 1 lao động hợp đồng. Tháng 3/2023, trung tâm đã có tờ trình đề nghị UBND huyện tuyển dụng cho trung tâm thêm 2 biên chế, nhưng đến tại thời điểm này vẫn chưa được tuyển. Dù đã thiếu người, nhưng nếu thực hiện tách bộ phận chăn nuôi – thú y về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh theo Đề án đã duyệt thì trung tâm càng không đủ số lượng người làm việc.
Tại huyện Hưng Nguyên, cũng vào năm 2020, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện này đã được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 trạm thuộc ngành nông nghiệp. Hiện tại, đơn vị này có 16 biên chế (đã đủ theo quy định), trong đó, bộ phận thú y có 6 người; bảo vệ thực vật 6 người và khuyến nông 4 người. Nếu thực hiện chia tách bộ phận thú y (6 người từ Trạm Chăn nuôi – Thú y trước đây), về Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thì chắc chắn sẽ không đủ điều kiện về số người làm việc theo Nghị định 120.
Ông Nghiêm Xuân Bảo – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Hưng Nguyên cho biết: Rõ ràng sau khi sáp nhập, số lượng đầu mối giảm xuống và thuộc huyện quản lý thì đơn vị đã hoạt động hiệu quả hơn. Nếu tách tiếp bộ phận chăn nuôi – thú y thì việc thiếu người sẽ rất khó bù lại, bởi vì định mức biên chế rất khó khăn.
Cần xem xét kỹ càng
Được biết, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, còn có nhiều trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị định mức biên chế được giao chưa đủ theo quy định để được thành lập đơn vị sự nghiệp công lập (dù quyết định thành lập đã được UBND tỉnh ban hành); cụ thể: Thị xã Cửa Lò 10 người, thị xã Thái Hoà 10 người, thị xã Hoàng Mai 10 người, Tân Kỳ 11 người, Quỳ Châu 14 người, Quế Phong 13 người, Tương Dương 14 người. Các địa phương còn lại cũng chỉ trong khoảng từ 15 - 18 người, nếu tách ra thì các địa phương vốn đã thiếu lại càng thiếu và các địa phương đang đủ số người làm việc cũng sẽ bị thiếu hụt.
Ông Nguyễn Đức Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Anh Sơn cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn huyện không có đơn vị thuộc UBND huyện có vai trò hoạt động tương đồng với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp nên không đủ điều kiện để tổ chức lại theo Nghị định số 120. Điều này đồng nghĩa với việc trung tâm này có nguy cơ phải giải thể. Đó là chưa kể nếu tách bộ phận chăn nuôi – thú y thì lại càng thiếu người. Vì vậy, huyện cũng mong muốn tỉnh có giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, đảm bảo cho đơn vị hoạt động hiệu quả, phục vụ cho ngành Nông nghiệp trên địa bàn.
Ông Đặng Văn Minh – Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thì cho rằng: Quy định về việc trạm chăn nuôi – thú y thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã được nêu trong Luật Thú y cũng như Đề án của Chính phủ và của tỉnh. Đã có 2 phương án được đưa ra để thực hiện lộ trình này, đó là trả lại nguyên trạng trước khi sáp nhập hoặc sẽ thành lập trạm liên huyện.
Một số ý kiến cho rằng, việc tách bộ phận chăn nuôi – thú y ra khỏi trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện không những vừa khiến cho các đơn vị này thiếu người theo quy định, mà bộ phận chăn nuôi – thú y cũng chưa chắc đã đủ người để thành lập trạm mới (theo quy định phải đủ 7 người làm việc). Vì vậy, thay vì tách thì một số huyện có thể tuyển dụng thêm cán bộ có chuyên ngành chăn nuôi, thú y để hoạt động hiệu quả hơn; hoặc tăng cường công tác phối hợp, chỉ đạo trong việc phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, phải có một đánh giá cụ thể hiệu quả của các đơn vị sau sáp nhập, nếu hoạt động ổn định, hiệu quả thì không nhất thiết phải chia tách…
Có thể thấy rằng, vai trò của chăn nuôi – thú y trong ngành Nông nghiệp là vô cùng quan trọng. Việc sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị của ngành Nông nghiệp cũng vì mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động, bám sát sự chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương. Vì thế, việc tách hay nhập các đơn vị này cần phải được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Đây là điều rất đáng phải lưu tâm.