Bộ Quốc phòng ban hành quy định về sản xuất UAV
Đại tướng Ngô Xuân Lịch vừa ký quyết định mới về sản xuất máy bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Quy định mới
Quyết định được Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch ký có nội dung quy định hướng dẫn về thủ tục cấp giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và các trang thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ;
Thủ tục cấp phép cho cơ sở thử nghiệm tàu bay; Thủ tục cấp đổi giấy phép cho các cơ sở thiết kế, sản xuất, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay, cánh quạt tàu bay và các trang thiết bị của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ.
Các cơ sở có trách nhiệm lập hồ sơ gửi đến Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu.
Trong trường hợp hồ sơ của doanh nghiệp không hợp lệ thì trong vòng 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cục Tác chiến phải có văn bản trả lời cho chủ cơ sở biết để hoàn thiện theo quy định.
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu có trách nhiệm chủ trì, phối hớp với các cơ quan, đơn vị liên quan thẩm định, tổng hợp báo cáo Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và cấp giấy phép cho doanh nghiệp; đồng thời thông báo bằng văn bản cho chính quyền địa phương, Ban Chỉ huy quận sự cấp huyện, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Quân khu. Trường hợp không có giấy phép, Cục Tác chiến phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
UAV do Việt Nam sản xuất. |
Bước tiến của Việt Nam
Hiện nay, Việt Nam đã đạt được bước tiến lớn trong việc sản xuất máy bay không người lái (UAV). Ngay từ những năm 1996, Quân chủng PK–KQ đã phát triển 2 mẫu UAV sơ khai mang tên M-96 và M-96D làm mục tiêu bay, từ đó đến nay việc chế tạo UAV của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn.
Có thể nói, trong năm 2013 việc nghiên cứu và phát triển UAV của Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công lớn, trong đó có sự ra đời của UAV VT – Patrol sản phẩm của Viettel. VT - Patrol với sải cánh 3,35m, chiều dài 2,31m, chiều cao 0,78m, được thiết kế bằng gỗ và vật liệu composite hàng không chất lượng cao, bền và nhẹ phù hợp với nhu cầu tác chiến quân sự Việt Nam.
VT - Patrol đã từng hoạt động dọc sườn núi trong thời tiết khắc nghiệt chỉ khoảng 10 độ C, có mây mù. VT - Patrol trinh sát bằng camera hồng ngoại full HD có thể nhận dạng và phân biệt mục tiêu người lính trong khoảng 600m. VT - Patrol có khả năng bay với vận tốc 110km/h, cự ly hoạt động 50km, trong khoảng 2 giờ đồng hồ.
Khi máy bay đạt độ cao trên 150m, mọi hoạt động của máy bay sẽ được chuyển sang chế độ bay tự động, được người trắc thủ vận hành tự động thông qua trạm điều khiển mặt đất. Bay theo hành trình, quỹ đạo đã được xây dựng trước, bay quanh mục tiêu, bay bắt bám mục tiêu đều có thể thực hiện được thông qua trạm điều khiển mặt đất.
Máy bay sẽ truyền thông tin, hình ảnh theo thời gian thực. Viettel đang ấp ủ có thể sẽ sản xuất ra những chiếc máy bay không người lái tầm trung với thời gian bay 15 -24 giờ phục vụ cho trinh sát cấp chiến dịch, chiến lược, xa hơn nữa là các thiết bị tối tân khác như tên lửa để tăng cường khả năng phòng vệ cho đất nước.
Hồi đầu tháng 5/2013, Liên hiệp Khoa học sản xuất công nghệ cao Viễn thông-Tin học (HTI), thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam đã tuyên bố thử nghiệm thành công UAV “made in Vietnam” do Viện này nghiên cứu và sản xuất.
UAV “made in Vietnam” được công bố lần này có 5 mẫu với các thông số kỹ thuật và tính năng khác nhau. Trong đó loại lớn nhất có thể bay với bán kính 100 km, trần bay là 3 km, tốc độ tối đa là 180 km/h, thời gian hoạt động trên không 6 giờ và có thể bay cả ban ngày và ban đêm.
Máy bay được trang bị camera máy ảnh tác nghiệp cả ban ngày và ban đêm, các trang thiết bị nghiên cứu khoa học chuyên dụng khác. Tầm bay của máy bay có thể mở rộng xa hơn khi sử dụng liên lạc vệ tinh dẫn đường hoặc các trạm điều khiển chuyển tiếp mặt đất.
Trước đó tại Hội nghị Quốc tế Mobile Vietnam 2012, Công ty Nghiên cứu và Phát triển Đông Giang đã giới thiệu sản phẩm trực thăng không người lái có tên Titan.
UAV Titan có tải trọng cất cánh tối đa 32kg, khả năng mang tải hữu ích tối đa (mang nhiều thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng) 12kg. UAV Titan thiết kế sử dụng động cơ xăng đốt trong (2 bình xăng đặt ở hai bên thân, mỗi bình 3 lít) cho phép đạt tốc độ tối đa 80km/h, tầm bay 10km, hoạt động liên tục trên không 2 tiếng.
UAV trang bị thiết bị điện tử hiện đại như hệ thống định vị toàn cầu GPS. UAV có thể cất cánh tự động, bay theo hành trình tự động, hạ cánh tự động.
Cũng trong năm 2013, FPT cũng cho ra đời chiếc UAV do mình tự nghiên cứu phát triển. Chiếc UAV này được xác định thuộc dòng VTOL UAV. Đây là dòng máy bay đang được phát trển mạnh tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời bắt đầu được phát triển tại Việt Nam.
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|