Bổ sung nhiều ngành nghề được coi là độc hại, nguy hiểm
Bộ LĐ-TB&XH vừa hoàn thành dự thảo Thông tư ban hành Danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/7/2016.
So với các danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được quy định trước đây thì Thông tư này bổ sung thêm một số ngành, nghề mới như pha chế, xử lý dung dịch khoan trên công trình khai thác dầu khí vùng sa mạc, vùng đầm lầy hay trên giàn tự nâng và tàu khoan…
Trong đó, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí, đã bổ sung thêm nhiều nghề và công việc được coi là đặc biệt độc hại như pha chế, xử lý dung dịch khoan; quản lý, giao nhận vật tư, hóa chất, vật liệu nổ, chất phóng xạ trên công trình khai thác dầu khí…
Dự thảo Thông tư cũng xác định những người làm công tác lưu trữ hồ sơ tài liệu tại kho lưu trữ; tiếp xúc trực tiếp tài liệu bị nhiễm nấm mốc, vi sinh vật, các loại hóa chất bảo quản tài liệu, thuốc khử trùng, bụi; thuyền viên làm việc trên tàu tìm kiếm cứu nạn, trục vớt tài sản chìm đắm, cứu hộ; khai thác viên các đài thông tin duyên hải (công việc căng thẳng thần kinh, chịu tác động của tiếng ồn)… là những nghề đặc biệt nguy hiểm, độc hại do công việc rất nặng nhọc, nguy hiểm, căng thẳng thần kinh, chịu tác động nhiều về tâm lý.
Một số quyền lợi dành cho người lao động làm việc thuộc Danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm này: Được làm việc không quá 06 giờ/ngày; được nghỉ phép 14 ngày/năm đối với lao động thuộc nhóm ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và 16 ngày/năm đối với lao động thuộc nhóm ngành, nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; người chưa thành niên, người khuyết tật không đựơc làm những công việc thuộc danh mục này…
Theo LĐTĐ