Bộ trưởng Bộ Công an: Sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Phạm Bằng 10/08/2022 12:31

(Baonghean.vn) - Trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, tình trạng tán phát tin giả, sai sự thật, lộ lọt thông tin cá nhân trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Dự kiến năm 2024, Bộ Công an sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Sáng 10/8, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Công an. Phiên chất vấn được tổ chức trực tiếp tại phòng họp Diên Hồng và kết nối trực tuyến tới 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội trực tiếp điều hành phiên chất vấn.

Đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; Bộ trưởng các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Thể thao - Văn hoá và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình những vấn đề liên quan.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Thái Thị An Chung - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì. Tham dự có đồng chí Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Công an tỉnh.

Toàn cảnh hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Điểm cầu Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng

Tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân, tội phạm trên không gian mạng đáng báo động

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, hiện nay tình trạng thông tin cá nhân đang được rao bán trên các hội, nhóm trên nền tảng mạng xã hội diễn biến phức tạp. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp mà Bộ sẽ triển khai trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này. Cùng vấn đề, nhiều đại biểu cũng đặt câu hỏi, tại sao chúng ta chưa xem xét, trình ngay Luật Bảo vệ bí mật cá nhân, thay vào đó chỉ ban hành Nghị định “không đầu”?, có đáp ứng nhu cầu thực tiễn hay không?.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát chủ đề chất vấn để đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề và tranh luận thẳng thắn, trách nhiệm, mang tính xây dựng cao. Ảnh: Quochoi.vn

Liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp để tăng cường đấu tranh, ngăn chặn và xử lý hiệu quả tội phạm tung thông tin xấu, độc hại, xuyên tạc, mạo danh các cơ quan nhà nước, các cá nhân lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị Bộ trưởng nêu các giải pháp phòng chống, ngăn chặn tội phạm đánh bạc, tổ chức đánh bạc, cá cược trên mạng và đến khi nào nước ta thực hiện Nghị định 17 về cá cược.

Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho cho biết, thời gian qua, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên Internet, mạng xã hội đáng báo động và diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ Công an đã đấu tranh, xử lý, xử phạt nghiêm minh với những hành vi cố tình đưa thông tin bịa đặt, sai sự thật lên mạng xã hội, hành vi xuyên tạc đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, phá hoại quan hệ quốc tế của đất nước; đồng thời tuyên truyền cảnh báo định hướng dư luận. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn, gỡ bỏ, triệt phá, vô hiệu hóa thông tin xấu độc, tin giả, tin sai sự thật. Chủ động, kịp thời cung cấp thông tin chính thống một cách đầy đủ, toàn diện.

Về vấn đề lộ, lọt, rao bán thông tin cá nhân trên mạng xã hội, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác nắm tình hình, chủ động phát hiện những sơ hở thiếu sót. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức về cung cấp, quản lý hồ sơ cá nhân, dữ liệu cá nhân và người dân; phấn đấu đến năm 2024 sẽ nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; coi đây là giải pháp then chốt để phòng ngừa, đấu tranh với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay.

Về giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm trên không gian mạng, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an đã triển khai nhiều kế hoạch, các giải pháp đấu tranh trấn áp tội phạm, tổ chức đánh bạc trên không gian đạt được nhiều kết quả. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã khởi tố trên 100 vụ án, gần 600 bị can trong các vụ án đánh bạc.

Đại tướng Tô Lâm - Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Thời gian tới, Bộ Công an sẽ triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tổ chức trên không gian mạng; tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình các trang mạng, tổ chức đánh bạc tại Việt Nam, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là đối tượng cầm đầu. Bộ Công an sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành chức năng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh mạng, đặc biệt là thanh toán trực tuyến.

Bộ trưởng Tô Lâm cũng cho rằng, hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh mạng chưa hoàn thiện. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, tổ chức chính trị xã hội chưa đi vào thực chất, có tình trạng khoán trắng nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho các cơ quan chuyên trách. Công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm về an ninh mạng hiện nay còn chưa kịp thời. Bộ Công an cũng tập trung các giải pháp giải quyết các tồn tại này.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình thêm vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình thêm về vấn đề bóc gỡ thông tin sai sự thật trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thông tin xấu độc hiện nay chủ yếu xuất hiện trên các nền tảng xuyên biên giới. Trong quý III/2022, một số nghị định sẽ được sửa đổi và ban hành, tạo hành lang pháp lý rất quan trọng để quản lý các nền tảng xuyên biên giới thực thi pháp luật tại Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa vào vận hành Trung tâm an toàn không gian mạng quốc gia để phát hiện sớm các thông tin xấu độc, sai sự thật. Khả năng xử lý của Trung tâm này đã tăng từ 100 triệu tin/ngày lên thành 300 triệu tin/ngày. Từ năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã thành lập Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam để tiếp nhận các phản ánh của người dân về tin giả để xử lý. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, việc bóc gỡ các thông tin sai sự thật trên không gian mạng là việc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương và mọi người dân.

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình về vướng mắc trong thực hiện quy định trong kinh doanh cá cược bóng đá quốc tế; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm báo cáo rõ hơn về vấn đề thực hiện Luật Thể thao, trong đó có đề xuất thí điểm nội dung cá cược bóng đá quốc tế, đua ngựa, đua chó.

Tạo thuận lợi nhất cho người dân

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương) nêu rõ, hiện nay thực tế ở nhiều địa phương, dữ liệu thông tin chưa đồng bộ nên rất khó khăn trong khâu triển khai. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên. Đại biểu Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) thì đề nghị Bộ Công an cho biết giải pháp xử lý tình trạng sai sót trong cấp thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử?.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình câu hỏi các đại biểu, liên quan đến vấn đề cơ sở pháp lý việc ban hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, vừa qua, Bộ đã giải quyết các khâu căn cứ trên Luật Căn cước công dân. Tuy nhiên, có hai khâu liên quan đến Bộ Tư pháp theo Luật Hộ tịch, đó là khâu khai sinh và khai tử. Hiện nay, việc kết nối các cơ sở dữ liệu còn một số vướng mắc ở luật Hộ tịch, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết Bộ sẽ tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng để giảm bớt thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân.

Bên cạnh đó, Bộ Công an đang triển khai tích hợp các thông tin của các ngành lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, thẻ căn cước công dân. Các loại căn cước công dân có gắn chip điện tử có thể tích hợp được thông tin của hơn 30 loại giấy tờ khác nhau như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, sổ hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng… Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới, khi hệ thống dữ liệu quốc gia đồng bộ với các bộ, ngành khác, giao dịch của người dân đi làm các thủ tục hành chính khác sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Về sai sót thông tin trong căn cước công dân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, có những trường hợp người khai lần đầu không đưa ra thông tin chính xác, hoặc cán bộ thực hiện thiếu trách nhiệm, song số lượng này không nhiều. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ tích cực phối hợp, hoàn thiện, cấp đủ giấy tờ cho công dân, trên cơ sở đó, các cơ quan khác căn cứ vào dữ liệu chính xác đó để tiến hành công việc của mình. Đây cũng là việc rất công phu, đòi hỏi công sức và thời gian.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long làm rõ thêm các vấn đề trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan. Tính đến thời điểm hiện này, cả Trung ương và địa phương đã tiến hành rà soát trên 3.000 văn bản; dự kiến sửa đổi, bổ sung 200 văn bản liên quan đến công tác này.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, thực tế có những thông tin không khớp khi so sánh thông tin của tỉnh với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để xử lý việc này, căn cứ trên quy định của pháp luật hiện hành, trước hết là Điều 4 Luật Hộ tịch và Điều 9 Luật Căn cước công dân, Bộ Tư pháp và Bộ Công an cần kịp thời phối hợp chặt chẽ để giải quyết những tồn tại, hạn chế này.

Về vấn đề cấp và sử dụng hộ chiếu phổ thông mẫu mới, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, mẫu hộ chiếu mới được cấp theo đúng luật quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc một số nước từ chối cấp thị thực vào hộ chiếu mẫu mới của Việt Nam chỉ là vấn đề mang tính kỹ thuật.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công an đã thống nhất với Bộ Ngoại giao trước mắt tiến hành bị chú “nơi sinh” vào hộ chiếu mẫu mới nếu cá nhân có yêu cầu để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam khi ra nước ngoài học tập, lao động, du lịch, làm việc, về lâu dài sẽ tiến hành sửa đổi mẫu hộ chiếu.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Yến Nhi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) về "tín dụng đen", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định 3 năm qua, lực lượng công an phối với các lực lượng có liên quan xử lý, giải quyết trấn áp mạnh mẽ và đã kiềm chế và đẩy lùi được loại tội phạm này, không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như trước. Tuy nhiên, tình hình vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là cho vay qua Internet. Gần đây, ngành Công an triệt phá băng nhóm hoạt động với quy mô lớn, hoạt động ở nhiều tỉnh thành, có cả người nước ngoài tham gia điều hành với quy mô rất lớn, số tiền lên tới nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng nêu các giải pháp trong thời gian tới, trong đó tiếp tục duy trì khí thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", không được chủ quan chùng xuống. Một trong những biện pháp căn cơ hiện nay sử dụng căn cước công dân để thực hiện cho vay, giải quyết những vấn đề về tín chấp, thế chấp tài sản, theo đó các tổ chức ngân hàng, tài chính có thể xác định ngay được người vay rất chính xác.

Giải trình thêm vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ quy định pháp lý về việc tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn với các quy định rõ ràng về điều kiện vay vốn, khách hàng nêu rõ khoản vay và khả năng trả nợ, đồng thời thỏa thuận thời hạn trả nợ. Thực tế sẽ có trường hợp khách hàng không trả được nợ thì có thể yêu cầu gia hạn nợ, có đơn đề nghị và chứng minh khả năng trả nợ theo thời hạn mới.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nêu các giải pháp ngăn chặn tình trạng "tín dụng đen". Ảnh: Quochoi.vn

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện nay mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng là rất đa dạng, cùng với đó là các công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô. Do đó, khi có nhu cầu vay vốn người dân nên tiếp cận các kênh chính thức. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền về vay vốn, tiếp cận tín dụng để người dân có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức.

Báo cáo thêm về một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai các văn bản của Đảng, Quốc hội đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội, trật tự kỷ cương. Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác phòng ngừa tội phạm một ở một số địa phương còn để xảy ra một số vụ phạm tội có tính chất nghiêm trọng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Quochoi.vn

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin Truyền thông và các nhà cung cấp dịch vụ mạng triển khai các giải pháp kỹ thuật theo quy định để ngăn chặn, loại bỏ các thông tin xấu cũng như ngăn chặn các hành vi đánh bạc. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho vay kinh doanh tài chính. Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về ma túy, tín dụng đen, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung.

Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội. Triển khai ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý số thuê bao tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế việc người dân phải tìm đến tín dụng đen.

Bộ trưởng Bộ Công an: Sẽ tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO