Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải yêu cầu thông xe kỹ thuật đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dịp 2/9
(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, trước ngày 2/9 phải hoàn thành các hạng mục tuyến đường chính và thông xe kỹ thuật tiểu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, đối với đường gom dân sinh phải hoàn thành trước ngày 30/9.
Sáng 28/7, đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do đồng chí Nguyễn Văn Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra, chỉ đạo hiện trường dự án đầu tư xây dựng Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An.
Cùng đi với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Hoàng Phú Hiền - Giám đốc Sở Giao thông vận tải.
Dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh Nghệ An có chiều dài khoảng 87,84 Km, thuộc 2 tiểu dự án: dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và dự án đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt. Dự án được triển khai từ tháng 6/2019, đi qua thị xã Hoàng Mai và 5 huyện: Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.
Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành và địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, tập trung ưu tiên thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Đến nay dự án đã giải phóng mặt bằng được khoảng 87,84/87,84Km, đạt 100%.
Tuy nhiên, hiện đang còn vướng mắc 1 vị trí đường điện cao thế 110Kv, 3 đường điện trung, hạ thế và một số đoạn đường gom dân sinh chưa hoàn thành và một số điểm đất nông nghiệp vướng mắc cục bộ.
Trong buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã đi kiểm tra tiến độ thi công tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án 6, đến ngày 27/7/2023, giá trị sản lượng của các nhà thầu đạt 93% giá trị các hợp đồng. Tiểu dự án dự kiến thông xe kỹ thuật trước ngày 2/9/2023.
Hiện nay, các nhà thầu đã cơ bản hoàn thành các lớp nền, móng mặt đường tuyến chính và đường gom dân sinh; Bê tông nhựa rỗng (lớp 1) được 46/50km tuyến chính (đạt 92%); Bê tông nhựa chặt C19 (lớp 2) được 43/50km tuyến chính (đạt 86%); Bê tông nhựa chặt C12,5 (lớp 3) được 28/50km tuyến chính (đạt 56%); Khối lượng Bê tông nhựa các lớp 370.000/450.000 Tấn (đạt 82%).
Bên cạnh đó, các nhà thầu đã lắp đặt tôn hộ lan đạt 50/100km (đạt 50%); Lắp đặt dải phân cách giữa đạt 16/47,7km (đạt 35%); Hàng rào thép các loại đạt 40/100km (đạt 40%). Các đường gom đã được địa phương bàn giao mặt bằng, nhà thầu đang thi công.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu, trước 2/9 phải hoàn thành các hạng mục tuyến đường chính, đối với đường gom dân sinh phải hoàn thành trước ngày 30/9.
Bộ trưởng đánh giá, trên toàn tuyến có những đoạn tuyến hoàn thành tốt, nhưng vẫn còn những đoạn tuyến "chưa được yên tâm lắm". Vì vậy, các nhà thầu phải thống nhất nguyên tắc tập trung, nỗ lực, khẩn trương thực hiện hoàn thành đảm bảo tiến độ, nhà thầu nào không đảm bảo thì phải thay thế ngay, không được để một đoạn ngắn mà ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
"Đối với những nhà thầu không hoàn thành đúng tiến độ thì chiếu theo hợp đồng để xử lý. Ngoài ra, những nhà thầu này sẽ không đủ điều kiện để tham gia các dự án về giao thông của Bộ Giao thông vận tải, kể cả những dự án đã ký hợp đồng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Ban quản lý dự án 6 lập kế hoạch từng ngày, giám sát, đôn đốc sát sao các nhà thầu thi công 3 ca, 4 kíp. Bên cạnh đó, Ban quản lý và các nhà thầu phối hợp tích cực để hoàn thành các công tác nội nghiệp; đơn vị tư vấn tích cực thẩm tra, ký và thanh toán để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu, đối với các đường gom dân sinh, các đơn vị phải quan tâm, nỗ lực tối đa, để không làm ảnh hưởng việc khai thác tuyến chính, không được để xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông. Tỉnh Nghệ An quan tâm, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng các điểm cục bộ, không để phát sinh những vướng mắc sau này.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn đã đi kiểm tra đoạn 5km đi từ nút giao cao tốc đến Quốc lộ 1 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7.
Dự án được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333 ngày 18/3/2022; đi qua 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương; có tổng chiều dài khoảng 27,5km với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng. Tính đến thời điểm báo cáo, giá trị sản lượng của các nhà thầu là 278,5 tỷ đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Trên dự án này, đoạn nối đường cao tốc xuống Quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Diễn Châu do còn vướng mặt bằng nên không thể thi công hoàn thành để thông xe trước ngày 2/9/2023. Vì vậy, Ban Quản lý dự án 4 đề xuất tháo gỡ 2 vị trí cấp bách trước để đảm bảo an toàn giao thông, tránh ùn tắc khi tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu được thông xe.
Cụ thể, tại vị trí cầu vượt đường sắt: Mở rộng đường gom phải tuyến đến hết phần giải phóng mặt bằng đến vị trí đường sắt (thêm 2,0m) và di dời gác chắn để mở rộng phần giao cắt đường sắt. Tại vị trí giao cắt Quốc lộ 7 và Quốc lộ 1 (đầu tuyến): Hiện nay đang bị vướng 125m của 15 hộ dân, thêm nữa phía phải tuyến đoạn Km0 - Km0+800 phải đào bỏ mặt đường cũ sâu 70cm khó đảm bảo an toàn giao thông để thi công khi thông tuyến cao tốc.
Nguyên nhân là do việc xác định nguồn gốc đất ở gặp vướng mắc. Mặt khác, công tác tái định cư của 15 hộ dân tại vị trí cầu vượt đường sắt chưa được thống nhất phương án.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho biết, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng, tháo gỡ các vướng mắc đối với dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7. Trong tuần tới, tỉnh sẽ tổ chức họp để nghe lại phương án giải phóng mặt bằng nhằm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.
Sau khi nghe báo cáo, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, có cơ chế để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, qua đó xử lý triệt để những vướng mắc này. Mặt khác, tỉnh cần quan tâm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng dự án.
Tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thống nhất với đề xuất của Ban quản lý dự án là mở rộng đường gom phải tuyến đến hết phần giải phóng mặt bằng đến vị trí đường sắt (thêm 2,0m) và di dời gác chắn để mở rộng phần giao cắt đường sắt.