Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Các tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử nước ngoài đã nộp thuế hàng ngàn tỷ đồng

Châu Lan 12/11/2023 11:08

(Baonghean.vn) - Báo Nghệ An phỏng vấn đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính về những giải pháp Bộ Tài chính đã triển khai và kết quả trong phòng chống thất thu thuế điện tử hiện nay.

PV: Thưa Bộ trưởng, hoạt động thương mại điện tử thời gian qua đang là xu hướng kinh doanh phổ biến trên thế giới và tiềm ẩn những nguy cơ thất thu thuế. Xin đồng chí cho biết Bộ Tài chính đã triển khai phòng, chống hoạt động này như thế nào và kết quả đạt được ra sao?

Đồng chí Hồ Đức Phớc: Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.

Chủ thể của hoạt động thương mại điện tử gồm: Các thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập website thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người sở hữu website thương mại điện tử bán hàng); Các thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; Các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng website của thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ của mình (người bán); Các thương nhân, tổ chức, cá nhân mua hàng hóa hoặc dịch vụ trên website thương mại điện tử bán hàng và website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (khách hàng); Các thương nhân, tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ logistics và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử, ngoài ra còn có các thương nhân, tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị điện tử có nối mạng khác để tiến hành hoạt động thương mại.

ảnh phoc.jpeg
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ảnh: P.V

Với xu thế phổ biến của hoạt động thương mại điện tử, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp phòng chống thất thu thuế. Chính sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới nêu trên của thương mại điện tử (TMĐT) trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý nhà nước.

Về công tác tuyên truyền, Bộ chỉ đạotriển khai công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế qua các phương tiện thông tin đại chúng; Phát động cuộc thi viết về thuế đối với thương mại điện tử; tổ chức các Hội thảo về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.

Về hiện đại hóa công tác quản lý thuế: Bộ Tài chính đã khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai, nộp thuế tại Việt Nam; đã vận hành Cổng thông tin TMĐT để tiếp nhận thông tin các tổ chức, cá nhân kinh doanh từ các sàn giao dịch TMĐT; đã triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) hỗ trợ người nộp thuế là cá nhân tra cứu nghĩa vụ và nộp thuế điện tử.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành như Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước thông qua các thỏa thuận phối hợp công tác, chương trình phối hợp công tác để kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với mục tiêu làm giàu cơ sở dữ liệu cho công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác quản lý thuế nói riêng đối với hoạt động thương mại điện tử.

Bộ đã triển khai công tác kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với một số người nộp thuế là chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT, các đơn vị là trung gian thanh toán, các công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam và một số nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.

Với những chỉ đạo trên, tính đến hết tháng 10/2023, số thu từ thương mại điện tử có xu hướng tăng dần qua các năm: Năm 2021 thu được 261 tỷ đồng, năm 2022 đạt 716 tỷ đồng bằng 274% năm 2021, 10 tháng đầu năm 2023 đạt 459 tỷ đồng.

Đến nay đã có 73 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng TTĐT đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Litva; Thụy Sĩ, Australia, Anh, Bồ Đào Nha. Trong đó bao gồm các công ty công nghệ đa quốc gia, thương mại điện tử hàng đầu trên toàn thế giới có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Meta, Google, Apple, Microsoft, Amazon, TikTok, Samsung... đã đăng ký thuế và kê khai, nộp thuế hàng nghìn tỷ đồng. Tổng số thuế các nhà cung cấp nước ngoài đã nộp là 11.498 tỷ đồng trong đó: Năm 2022 đạt 3.478 tỷ đồng; Năm 2023 là 8.020 tỷ đồng.

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Bắc Nghệ II xử lý công việc 2 ảnh Quang An.jpeg
Chi cục Thuế Bắc Vinh thực hiện các nhiệm vụ về thu ngân sách trên địa bàn. Ảnh: Quang An

PV: Thưa Bộ trưởng, hiện nay những khó khăn trong công tác quản lý hoạt động này như thế nào?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Vẫn còn những khó khăn trong lĩnh vực quản lý này. Thứ nhất, khó khăn trong việc quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế do trong điều kiện nền kinh tế số, người mua người bán có thể kết nối trên phạm vi toàn cầu vào bất cứ thời điểm nào với cơ chế hoàn toàn tự động mà không cần có sự tiếp xúc trực tiếp, không cần có địa điểm kinh doanh cố định; phương thức mua bán, giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện trực tuyến, phần mềm điện tử kết nối mạng Internet toàn cầu.

Thứ hai, khó khăn trong việc xác định được căn cứ tính thuế. Một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên một sàn giao dịch thương mại điện tử, và cùng lúc trên nhiều sàn giao dịch TMĐT, cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội, cho nên rất khó quản lý doanh thu kinh doanh của những đối tượng này.

Thứ ba, trong nền kinh tế số rất khó phân biệt một số loại thu nhập, đặc biệt là bản quyền, phí dịch vụ hay doanh thu hàng hóa thông thường để làm căn cứ tính thuế, nghĩa vụ khai thuế. Thứ tư, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế số thì ngoài hình thức thanh toán bằng tiền mặt còn có các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt rất đa dạng như: thanh toán qua ngân hàng, thanh toán điện tử, thanh toán ngang hàng (P2P), tiền điện tử. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước triển khai các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị 18 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh kết nối dữ liệu giữa các Bộ, ngành phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ.

PV: Được biết Bộ Tài chính đã sớm triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trên các nền tảng số. Xin Bộ trưởng cho biết những lợi ích, hiệu quả mà Cổng thông tin mang lại. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả quản lý, chống thất thu thuế đối với hoạt động kinh doanh xuyên biên giới dựa trên nền tảng số?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Những kết quả thu thuế đã nêu ở trên, đã khẳng định những nỗ lực của Bộ Tài chính trong lãnh đạo chỉ đạo công tác chống thất thu thuế thương mại điện tử. Việc thu thuế thành công đối với các nhà cung cấp nước ngoài đã khẳng định chủ quyền về kinh tế, khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Công tác quản lý thuế kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam, không chỉ riêng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế mà đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo. Điều này cũng cho thấy chính sách thuế, quản lý thuế của Việt Nam đang đã và đang phù hợp với các thông lệ quốc tế, đảm bảo được sự công bằng, minh bạch cho các tập đoàn, công ty trên toàn thế giới khi kinh doanh tại Việt Nam.

Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát đôn đốc các nhà cung cấp nước ngoài có phát sinh thu nhập tại Việt Nam phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử; yêu cầu các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp thông tin giao dịch tại Việt Nam, xây dựng cơ sở dữ liệu đối với các nhà cung cấp nước ngoài, từ đó đối chiếu xác định tính chính xác trong việc kê khai doanh thu của các nhà cung cấp nước ngoài.

bna- tuyên truyền thuế sử dụng đất phi nn.jpeg
Ngành thuế Nghệ An tuyên truyền đến người dân các chính sách thuế mới. Ảnh: P.V

Thứ hai,Bộ chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ngành trong việc hoàn thiện,sửa đổi chính sách, pháp luật thuế liên quan đến TMĐT, cắt giảm thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối kê khai, tăng cường triển khai các giải pháp thu thuế tại nguồn, chống thất thu thuế, thực hiện nghiêm các chế tài xử lý vi phạm về thuế, hải quan. Chỉ đạo Tổng cục Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế đối với TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số để áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế trên cơ sở dữ liệu lớn; thời hạn hoàn thành chậm nhất trong năm 2023. Đồng thời, phối hợp trao đổi thông tin thuế quốc tế với các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

Thứ ba, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá và đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với yêu cầu thực tiễn quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phù hợp với các thông lệ quốc tế để nhà cung cấp nước ngoài tuân thủ đúng nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước Việt Nam.

Về xây dựng chính sách pháp luật, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Thông tư số 80/2021/TT-BTC, Thông tư số 40/2021/TT-BTC, Thông tư số 100/2021/TT-BTC, Nghị định 91/2022/NĐ-CP, trong đó quy định nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; quy định về trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong việc cung cấp thông tin của các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên sàn cho cơ quan thuế; trách nhiệm của công ty đối tác tại Việt Nam của các NCCNN trong việc khai thay, nộp thay cho các cá nhân nhận thu nhập tại Việt Nam; Quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có liên quan.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Thực hiện
Copy Link
Mới nhất
x
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Các tập đoàn kinh doanh thương mại điện tử nước ngoài đã nộp thuế hàng ngàn tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO