Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Hình thành thế hệ nông dân mới thích ứng với cơ chế thị trường
(Baonghean.vn) - Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đề nghị, tỉnh cần phát huy hiệu quả các chính sách, công tác dân tộc trong tình hình mới.
Chiều 19/4, đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VII) về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
Cùng tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Lê Quang Mạnh – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư; Nguyễn Lam - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương cùng các đại diện một số cơ quan, ban, ngành Trung ương.
Tiếp đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cần thực hiện tốt các dự án, đề án trọng điểm
Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An về tình hình triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW trên địa bàn tỉnh, đoàn công tác yêu cầu tỉnh cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số, các chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Về diện tích đất canh tác nông nghiệp hiện còn ít, địa hình dốc gây khó khăn cho bà con trong xây dựng các mô hình kinh tế, vậy đâu là giải pháp lâu dài để tăng diện tích rừng sản xuất để phát triển kinh tế lâm nghiệp cho địa phương.
Tình trạng di cư tự do gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác ổn định trật tự xã hội trên địa bàn vùng cao, đòi hỏi cần có những chính sách giải quyết dứt điểm.
Tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 16.490,25 km2, dân số 3 triệu người. Trong đó diện tích vùng dân tộc miền núi là 13.745 km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Ảnh: Tư liệu |
Giải đáp những vấn đề của đoàn công tác nêu ra, đại diện các ban, ngành của tỉnh cho biết, để giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ đất sản xuất cho 1.275 hộ, với kinh phí là 7.560 triệu đồng. Triển khai thực hiện được 09/12 dự án định canh định cư, cấp đất ở và sản xuất tập trung trên địa bàn 06 huyện, cho 393 hộ với tổng kinh phí 64.610 triệu đồng.
Trong công tác xóa đói giảm nghèo, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phù hợp như: Quyết định số 3161/QĐ – UB ban hành chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc; Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây; Đề án phát triển tộc người Ơ Đu và Đan Lai... Đồng thời, thu hút nhiều dự án lớn đầu tư vào vùng miền núi của tỉnh nhằm giải quyết nguồn lao động tại chỗ.
Để giải quyết tình trạnh di cư bất hợp pháp, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho bà con các dân tộc vùng biên giới với nhiều hình thức; triển khai nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ người hồi cư.
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh giải đáp những vấn đề mà đoàn công tác nêu ra trong buổi làm việc. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Đại diện lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng có những kiến nghị tới đoàn công tác. Trong đó, kiến nghị Trung ương hỗ trợ tỉnh nguồn kinh phí để thực hiện các dự án, đề án trọng điểm: Dự án ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư thủy điện Bản Vẽ và thủy điện Hủa Na theo Quyết định số 64/2014/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn 27 xã khu vực biên giới nhằm phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định số 61/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ...
Đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào miền núi
Tại các buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của địa phương trong việc triển khai, đưa Nghị quyết vào cuộc sống một cách chủ động, sáng tạo, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Nhiều tiêu chí quan trọng về thu nhập, tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số trong bộ máy chính quyền được đảm bảo; trật tự xã hội, an ninh quốc phòng được đảm bảo; hạ tầng cơ sở được đầu tư bài bản. So với một số địa phương mà đoàn đã kiểm tra thì miền Tây Nghệ An là một trong những vùng có nhiều mô hình kinh tế xóa đói, giảm nghèo xây dựng có hiệu quả.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Nghệ An đạt được sau triển khai Nghị quyết 24-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Tuy nhiên, đồng chí Đỗ Văn Chiến lưu ý tỉnh Nghệ An thời gian tới cần quan tâm tới công tác phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình thoát nghèo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời triển khai các chương trình chuyển giao kỹ thuật, bồi dưỡng nâng cao tay nghề, hình thành thế hệ nông dân mới thích ứng với cơ chế thị trường trong vùng dân tộc thiểu số.
Thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu rộng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đồng bào phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với những đề xuất kiến nghị của tỉnh, Đoàn công tác sẽ ghi nhận và báo cáo với Ban Bí thư để có các chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp giúp địa phương hoàn thành các mục tiêu đã đề ra.
Nhờ triển khai hiệu quả Nghị quyết 24-NQ/TW và Chỉ thị số 45-CT/TW, tỉnh Nghệ An đạt được nhiều tiêu chí quan trọng:
Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 11 huyện miền núi giảm từ 28,65% (năm 2003), xuống còn 15% (năm 2018); thu nhập bình quân đầu người ở các huyện miền núi tăng từ 4 triệu đồng (năm 2003) lên 29 triệu đồng (năm 2018).
Nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội, được đầu tư xây dựng, 98,7% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã; 99% số xã có điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 100% số xã có trường học, 99% số xã có trạm y tế; 100% xã hoàn thành tiêu chí về quốc phòng và an ninh.