Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong phát triển rừng
(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, phát triển hệ sinh thái rừng, kinh tế rừng cần phải thay đổi cách tiếp cận từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị.
Sáng 29/7, tại huyện Con Cuông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tọa đàm "Bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng Việt Nam".
Dự buổi tọa đàm có đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về phía tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; Phùng Thành Vinh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm
Tại buổi tọa đàm, đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn đã chia sẻ kết quả và kinh nghiệm một số sáng kiến phát triển du lịch sinh thái và sinh kế vùng đệm các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên.
Bài học kinh nghiệm trong hỗ trợ thúc đẩy vai trò của cộng đồng địa phương phối hợp tham gia công tác bảo vệ rừng, thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin tại Vườn Quốc gia Pù Mát; lâm nghiệp du lịch.
Đồng thời, đề xuất giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng đặc dụng hiện có, bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho hộ gia đình sống tại vùng đệm, góp phần bảo vệ rừng, củng cố an ninh-quốc phòng vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới của quốc gia.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, đồng chí Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với gần 1,2 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh (diện tích quy hoạch rừng phòng hộ 365.400 ha, rừng đặc dụng 172.300 ha, rừng sản xuất trên 622.300 ha). Hiện toàn tỉnh có khoảng 1,0 triệu ha rừng (trong đó, rừng tự nhiên 789.000 ha và rừng trồng 211.000 ha), độ che phủ rừng năm 2022 là 58,36%. Tài nguyên đa dạng sinh học được phát hiện và ghi nhận khoảng 4.569 loài (3.627 loài thực vật bậc cao, 942 loài động vật có xương sống lớn, nhỏ).
Đặc biệt, Nghệ An có Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây, được UNESCO công nhận vào năm 2007. Đây là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á, với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, phạm vi thuộc địa giới hành chính của 9 huyện miền Tây tỉnh Nghệ An. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực này.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Thông, các vườn quốc gia với sự đa dạng và độc đáo về sinh thái tự nhiên là một vốn rất quý, nhưng cùng với sự phát triển của đời sống xã hội ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng tới mức hệ sinh thái tự nhiên có thể mất đi chức năng nuôi dưỡng điều hòa cân bằng sự sống của muôn loài, trong đó có con người, để rồi nhiều khi nó với loài người trở thành kẻ thù của nhau. Đó là vấn đề chúng ta không thể thờ ơ về sự sinh tồn không chỉ ở hiện tại mà còn vì cả các thế hệ mai sau.
Vùng đệm của các vườn quốc gia có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái quý giá. Vùng đệm cũng là vùng sinh thái của cộng đồng dân cư, người đã gắn bó chặt chẽ với thiên nhiên, rừng và đây cũng là nguồn sống của họ.
“Chúng ta đang có sự xung đột sâu sắc giữa các mục tiêu lớn. Đó là phát triển xã hội với bảo vệ tự nhiên; phải chăm lo đời sống của người dân trên địa bàn với việc đảm bảo ổn định lâu dài trong khu vực; trách nhiệm bảo vệ ngôi nhà chung là thiên nhiên với công bằng xã hội dân cư ở các vùng, miền khác nhau. Để duy trì cân bằng giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế là thách thức lớn rất khó khăn phải trải qua”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thông cũng đề xuất cần xây dựng những mô hình phát triển kinh tế mang tính bền vững, tập trung vào việc bảo vệ và khai thác có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề nghiệp cho cộng đồng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để tham gia và đóng góp tích cực vào việc bảo tồn môi trường.
Ngoài ra, việc tăng cường nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của bảo tồn thiên nhiên cũng là một mục tiêu quan trọng. Chúng ta tạo ra những chiến dịch giáo dục môi trường, kêu gọi mọi người tham gia vào việc bảo vệ thiên nhiên và đóng góp vào phát triển bền vững.
“Để đạt được những kết quả thiết thực, chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế. Việc tạo ra các đối tác chiến lược giúp chúng ta cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và phát triển những giải pháp đột phá trong việc bảo tồn thiên nhiên và phát triển bền vững cho vùng đệm các vườn quốc gia”- đồng chí Nguyễn Văn Thông nhấn mạnh.
Thay đổi cách tiếp cận
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến đóng góp của lãnh đạo tỉnh Nghệ An và các chuyên gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan lưu ý, muốn bảo tồn thiên nhiên và phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng của Việt Nam hiệu quả, trước nhất phải chú trọng đến phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm từ lâm sản ngoài gỗ gắn với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái dựa vào sinh kế của cộng đồng. Quan trọng hơn là phải kết hợp được việc bảo vệ rừng, tìm sinh kế với đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên và người dân địa phương sinh sống ở vùng đệm các khu rừng đặc dụng.
Theo Bộ trưởng, việc xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng, huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cũng cần được các địa phương quan tâm hơn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, lâu nay chúng ta tiếp cận rừng dưới góc độ lâm sinh, lâm nghiệp mà chưa tiếp cận theo giá trị đa dụng của hệ sinh thái. Đã đến lúc chúng ta nhìn rừng ở tính đa dụng, đa chức năng, đa văn hóa.
Rừng và môi trường là hệ sinh thái mở. Phát triển hệ sinh thái rừng, kinh tế rừng cần phải thay đổi cách tiếp cận từ tư duy quản lý sang tư duy quản trị. Chúng ta cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng.