Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp phải chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, thương hiệu phải được xây dựng từ 'nhân hiệu'
(Baonghean.vn) - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, ngành Nông nghiệp thời gian tới phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng, với những tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ "nhân hiệu".
Sáng 24/7, đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An.
Tiếp và làm việc với đoàn, về phía tỉnh Nghệ An có các đồng chí Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh: Nguyễn Như Khôi - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh...
Đồng chí Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến thăm và làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá nhất từ trước đến nay
Nghệ An là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn nhất cả nước với 16.486,5 km2, dân số trên 3,4 triệu người, đứng thứ 4 cả nước. Hoạt động nông nghiệp và phát triển nông thôn được thực hiện trên địa bàn rộng lớn với hơn 1,485 triệu ha đất nông nghiệp, chiến 90,11% tổng diện tích đất tự nhiên; dân số với 2.843.592 người sống ở nông thôn, chiếm 84,5% dân số toàn tỉnh.
Năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng ngành Nông nghiệp Nghệ An vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng, là bệ đỡ của nền kinh tế. Thể hiện là trong năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp đạt mức tăng trưởng khá nhất từ trước đến nay với 38.409 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành đạt 5,59%, vượt kế hoạch đề ra.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Đệ báo cáo tóm tắt kết quả phát triển ngành Nông nghiệp thời gian qua. Ảnh: Phạm Bằng |
6 tháng đầu năm 2022, tình hình thời tiết không thuận lợi, một số dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng đến việc đầu tư sản xuất của người dân. Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh vẫn đạt nhiều kết quả nổi bật. Thể hiện là tổng sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản đạt 11.138 tỷ đồng, tăng 4,14%.
Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh huy động, lồng ghép nguồn vốn đạt 12.445 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh có 299/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 72,75%; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số tiêu chí bình quân các xã đạt 16,80 tiêu chí/xã; 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.
Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Công Thắng trình bày Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Phạm Bằng |
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai thực hiện có hiệu quả. Đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có 249 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Toàn tỉnh có 637 hợp tác xã nông nghiệp, có 580 trang trại đạt tiêu chí.
Tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy hải sản năm 2021 đạt trên 382 triệu USD, đạt 152,8%. Năm 2021, tỉnh đã thu hút được 17 dự án nông nghiệp với quy mô trên 345 ha, tổng mức đầu tư 3.245,24 tỷ đồng.
Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ, làm lãnh đạo phải biết ước mơ, phải có những giấc mơ, có trí tưởng tượng, từ đó thôi thúc chúng ta phải giải quyết những việc đó. Cùng đó, chúng ta phải đặt câu hỏi và tự trả lời, tại sao chúng ta làm việc đó, làm việc vì ai ?
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ định hướng phát triển ngành Nông nghiệp trong thời gian tới. Ảnh: Phạm Bằng |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta phải làm việc vì người nông dân bằng tâm thức, trách nhiệm, bổn phận, điều kiện của chính bản thân. Mỗi cán bộ trong ngành phải luôn đau đáu, trăn trở, làm sao giải quyết được "nỗi đau" của bà con nông dân, giải quyết các "điểm nghẽn" của ngành Nông nghiệp bằng những hành động thực tế.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cũng đã lắng nghe, trực tiếp trả lời, giải đáp những ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nhà khoa học liên quan đến nâng cao giá trị đất lâm nghiệp, hệ thống thuỷ lợi, giá trị của doanh nghiệp nông nghiệp.
Trong đó, Bộ trưởng khẳng định, quan điểm tiếp cận rừng đa dụng và bền vững phải gồm 5 giá trị: nguyên liệu gỗ, bảo tồn thiên nhiên hoang dã, hấp thụ khí carbon, cảnh quan thiên nhiên, những sản phẩm khác ngoài gỗ.
Bà Chu Thị Thành - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thiên Minh Đức đặt câu hỏi đến Bộ trưởng Lê Minh Hoan. Ảnh: Phạm Bằng |
"Đất đai ngày càng teo tóp, hạn hẹp, vậy thì 5 năm nữa ngành Nông nghiệp tăng trưởng thì dựa vào cái gì ?" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề và cho rằng, phải tăng trưởng dựa trên nâng cao giá trị, thông qua chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị. Bởi bất kỳ một nông sản nào đó cũng vừa là thực phẩm, vừa là mỹ phẩm và vừa là dược phẩm.
"Tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng, muốn thành công thì phải bán chính bản thân mình thông qua những cảm xúc, tâm huyết, niềm tin, trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và thương hiệu phải được xây dựng từ nhân hiệu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Trong kinh tế nông nghiệp, phải tính toán, giải quyết được các yếu tố về chi phí sản xuất, chất lượng nông sản, thị trường tiêu thụ, giá trị tăng thêm, xây dựng chuỗi ngành hàng và kết nối cung - cầu... thì mới thành công.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy kinh tế nông nghiệp là tư duy bán hàng, nghĩ cho người mua chứ không phải nghĩ cho người bán. Ảnh: Phạm Bằng |
"Tư duy kinh tế là bài toán trừ giữa giá bán và chi phí bỏ ra, là nghĩ cho người mua chứ không phải nghĩ cho người bán", đồng chí Lê Minh Hoan nói và cho rằng, ngành nông nghiệp của tỉnh Nghệ An phải truyền đi thông điệp sản xuất nông nghiệp nhân văn, bền vững, cùng tạo ra giá trị và thụ hưởng giá trị./.