Nga hỗ trợ 43 triệu USD cho Cuba; Triều Tiên vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh với Mỹ
(Baonghean.vn) - Triều Tiên vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh thứ 2 với Mỹ; Nga thông qua khoản vay 43 triệu USD hỗ trợ Cuba hiện đại hóa quân đội; Thống đốc Mỹ rút binh sĩ khỏi biên giới với Mexico; Slovakia không công nhận tổng thống tự phong của Venezuela... là những tin tức nổi bật của thế giới 24h qua.
Nga thông qua khoản vay 43 triệu USD hỗ trợ Cuba hiện đại hóa quân đội
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel. Nguồn: Reuters |
Nga đã thông qua một khoản vay trị giá 38 triệu euro (hơn 43 triệu USD) hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng của Cuba. Báo Kommersant của Nga ngày 6/2 dẫn thông báo của người đứng đầu Cơ quan Liên bang Nga phụ trách hợp tác kỹ thuật quân sự Dmitry Shugayev cho biết, Moskva đã đưa ra quyết định cấp khoản vay nói trên cho La Habana, theo nội dung thỏa thuận được công bố lần đầu sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng bộ trưởng Cuba Miguel Diaz-Canel tại Moskva hồi tháng 11/2018.
Trước đó, báo Kommersant từng đưa tin Moskva có kế hoạch hỗ trợ Cuba một khoản vay nhằm hiện đại hóa trang thiết bị quân sự cho quân đội nước này như xe tăng, các thiết bị bọc thép và máy bay trực thăng.
Thống đốc Mỹ rút binh sĩ khỏi biên giới với Mexico
Binh lính Mỹ diễn tập ở biên giới với Mexico tại bang New Mexico. Ảnh: Reuters |
Bà Michelle Lujan Grisham, Thống đốc bang New Mexico, đã ra lệnh rút 118 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đóng tại biên giới phía nam với Mexico, AFP đưa tin. "Tôi bác bỏ quan điểm rằng có cuộc khủng hoảng lớn về an ninh quốc gia ở biên giới phía nam, ở đó có một số cộng đồng an toàn nhất nước Mỹ", bà Grisham nói. Số lính được rút đi hầu hết là người của bang New Mexico và lính từ Arkansas, Kansas, Kentucky, New Hampshire, South Carolina và Wisconsin. Bà Grisham cho hay một số binh lính vẫn ở lại để hỗ trợ nhân đạo cho cộng đồng ở khu vực, "hỗ trợ những người hàng xóm và những người yếu thế ở biên giới".
Thống đốc cho hay bang chỉ điều lực lượng của mình khi cần thiết, khi sự hiện của họ có thể tạo nên sự khác biệt thực sự trong bảo đảm an ninh chung và giảm quan ngại về nhân đạo ở biên giới phía nam. "New Mexico sẽ không tham gia vào trò chơi đố chữ gây hoang mang ở biên giới của Tổng thống, bằng cách lạm dụng lính vệ binh mẫn cán của chúng tôi", Grisham nói.
Triều Tiên vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh thứ 2 với MỹNhà lãnh đạo Triều Tiên đọc thông điệp Năm mới 2019. Ảnh: AP/TTXVN
Theo Yonhap, ngày 7/2, các phương tiện truyền thông Triều Tiên vẫn im lặng về hội nghị thượng đỉnh thứ 2 giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, bất chấp việc nhà lãnh đạo Mỹ công bố thời gian và địa điểm tổ chức sự kiện này.
Trong Thông điệp Liên bang hôm 5/2, Tổng thống Trump cho biết hội nghị thượng đỉnh thứ 2 với nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 27 - 28/2. Trong khi đó, các phương tiện truyền thông nhà nước Triều Tiên, trong đó có tờ báo chính Rodong Sinmun và hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên, lại không đưa bất kỳ thông tin nào liên quan sự kiện trọng đại này. Triều Tiên cũng giữ im lặng trước thông tin Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun đến Bình Nhưỡng.
Slovakia không công nhận tổng thống tự phong của Venezuela
"Tổng thống tự phong" Venezuela Juan Guaido. Ảnh: Reuters. |
Slovakia ngày 6/2 từ chối công nhận lãnh đạo đối lập Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Cùng với Italy, Slovakia đã đi ngược lại chủ trương của khoảng 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Anh, Đức, Pháp và Tây Ban Nha, cùng Mỹ, Reuters đưa tin.
Bộ Ngoại giao Slovakia tuần trước cho biết, họ công nhận Chủ tịch Quốc hội Venezuela Guaido là đại diện hợp pháp duy nhất cho người dân nước này và kêu gọi Venezuela tổ chức một cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Miroslav Lajcak đã không thể nhận được ủng hộ từ hai trong ba đảng liên minh về quyết định trên. Lãnh đạo đảng cánh tả Smer Robert Fico cho hay ông nhận định tình hình ở Venezuela hiện nay là một nỗ lực nhằm phá hủy chính phủ đương nhiệm. "Slovakia nên hành động theo luật pháp quốc tế", ông nói. Đảng liên minh Dân tộc Slovak (SNS) cũng cho rằng Slovakia nên giữ vị thế trung lập trong khi đảng Hungarian Most-Hid ủng hộ lập trường của EU.
Tổng thống Trump ấn định ngày quét sạch IS tại Syria
Tổng thống Trump phát biểu tại Washington D.C ngày 6/2. Ảnh: Reuters |
Phát biểu trong diễn đàn quốc tế về cuộc chiến chống IS ở thủ đô Washington D.C ngày 6/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, quân đội Mỹ và đồng minh đã "giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ tại Iraq và Syria khỏi tay IS". “Thông báo chính thức về việc chúng ta có được 100% lãnh thổ (từ IS) nên được đưa ra vào tuần sau. Tôi muốn chờ đến lúc chính thức. Tôi không muốn nói quá sớm”, AFP dẫn lời Tổng thống Trump.
Theo chủ nhân Nhà Trắng, IS chỉ còn lại “tàn dư” nhưng có thể vẫn rất nguy hiểm. Nhà lãnh đạo cam kết Mỹ sẽ làm mọi điều để tiệt trừ thành viên cuối cùng của IS, đồng thời kêu gọi các nước khác chung sức, bao gồm đóng góp thêm tài chính.
Thái Lan: Hàng nghìn ứng cử viên đăng ký tham gia tranh cửẢnh chỉ có tính minh họa. Nguồn: Mainichi
Tính từ ngày bắt đầu tiến trình đăng ký ứng cử viên (4/2) đến cuối ngày 6/2, 66 đảng chính trị tại Thái Lan đã đăng ký 7.409 ứng cử viên Hạ nghị sỹ tham gia tranh cử theo danh sách đảng và theo đơn vị bầu cử trong cuộc tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào ngày 24/3 tới đây.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) Jarungvith Phumma cho biết, các chính đảng được khuyến nghị trình danh sách ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng lên EC chậm nhất là vào ngày 7/2, một ngày trước khi hết hạn (8/2). 8 đảng chính trị nữa cũng đã trình danh sách ứng cử viên tranh cử theo danh sách đảng, nâng tổng số ứng cử viên tranh cử theo hình thức này lên 579, với 10 đảng đã đăng ký. Cho đến nay, đã có 7 đảng trình danh sách ứng cử viên thủ tướng lên EC.