Bốc thăm không phải là sáng tạo!
(Baonghean.vn) - Bốc thăm là một hình thức để chọn ngẫu nhiên, không được thiên tư, thiên vị: Bốc thăm chia bảng thể thao, bốc thăm để chia phần, bốc thăm trúng thưởng trong các trò chơi, xổ số,...
Bắt thăm có những chuyện cười ra nước mắt: Thời bao cấp, có lần cứ bốn người được mua một tấm vải ximili may quần. Thời đó quý, hiếm lắm, ai cũng muốn mua. Người ta cử một người ngoài nhóm làm thăm cho khách quan. Trong một nhóm nọ, một anh láu cá đã thông đồng với người làm thăm, làm riêng cho lão một thăm “có” thủ sẵn trong tay, còn bốn thăm kia đều thăm “không”. Ba người kia, ai cũng hồi hộp, thấp thỏm, bốc xong thì lo mở thăm của mình. “Lão láu cá” cũng vờ theo dõi, hỏi từng người. Cuối cùng, người “thờ ơ nhất” đã ẵm tấm vải! Ở đội sản xuất nọ, có người tham lam, thường hăng hái làm thăm, rải thăm. Hôm ấy, bà cũng làm ra vẻ khách quan lắm, xăng xái làm thăm, rải thăm. Khi mở thăm, bà hý hửng được đống rơm to nhất. Mọi người được phen “hả dạ”, dưới đống rơm là hai cái trục đã được mấy anh “nghịch ngầm” gác sẵn!
Quảng cáo bốc thăm trúng thưởng để kích thích khách hàng mua sản phẩm. Ảnh minh họa Internet |
Gần đây, có chuyện ở Hà Nội đã phải bắt thăm cho con vào học trường mầm non công lập – một chuyện hy hữu, bất đắc dĩ nhưng vẫn được xã hội cảm thông khi trường công “quá tải”; các cháu còn lại dù sao vẫn còn có trường tư thục để học. Lại vừa có việc bốc thăm để xác minh tính trung thực của bản kê khai tài sản của cán bộ, làm cho nhân dân không khỏi “xôn xao”!
Còn nhớ, trên diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã dùng “phương pháp loại trừ” để “khoanh vùng”, tìm người tham nhũng rất thuyết phục: Trước hết, họ phải là đảng viên, kế đến là đảng viên nhưng có chức quyền, địa vị, phụ trách lĩnh vực “nhạy cảm”,... Tất nhiên không phải ai có chức quyền, địa vị, ở lĩnh vực “nhạy cảm” cũng tham nhũng cả. Muốn biết ai tham nhũng, cần phải nhờ thanh tra, kiểm tra, giám sát,...
Người không tham nhũng là những người đàng hoàng, tử tế. Họ làm việc theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, làm việc với cái tâm, cái tài, với tinh thần trách nhiệm để phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Họ không những sẵn sàng mà còn có nhu cầu tự nguyện công khai, minh bạch thu nhập, tài sản của mình. Họ có lòng tự trọng rất cao, không muốn bị nhân dân hiểu nhầm đã cán bộ có chức quyền là tham nhũng. Giá mà ai cũng nêu cao tinh thần trung thực của một cán bộ, đảng viên chân chính, kê khai tài sản chính xác, sẵn sàng tự nguyện được kiểm tra, coi đó là một sự xác tín sự trung thực của mình, không cần phải thụ động, nơm nớp sự may rủi qua bắt thăm thì tốt biết chừng nào!
Ngược lại, một số cán bộ, đảng viên lợi dụng chức quyền, lĩnh vực công tác của mình để tham lam, trục lợi. Có những người khi kê khai thì không có vấn đề gì, nhưng khi bị vướng đến tham nhũng thì phát hiện có rất nhiều tài sản kếch xù. Đáng quan tâm là họ có trăm phương, ngàn kế để “ngụy trang” vốn tài sản này: Hoặc biện bác là do nuôi lợn, buôn bán chổi đót, chạy xe ôm,... Họ hợp pháp hóa nhà, đất bằng tên của vợ, chồng, con cái, với giá trị đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, chưa kể đất đai, nhà cửa, các loại tài sản khác. Họ có những ông bố, bà mẹ U80 vẫn làm chủ những ngôi “biệt phủ”. Họ có những đứa con vừa du học, vừa có số cổ phiếu mà doanh nghiệp cũng khó theo nổi,... Những thực tế này không phải không ai biết. Lãnh đạo góp ý, họ quy kết là “gây mất đoàn kết nội bộ”, cấp dưới nêu ra thì họ trù dập, dân thì họ “ở xa”, kêu không thấu, mà cũng “thổi lửa bỏng mồm”,...
Nếu cán bộ, đảng viên, công chức đều sống đàng hoàng, tử tế, không cần phải bắt thăm để xác minh tài sản. Chưa làm được một lúc thì có thể lần lượt xác minh theo chức danh, trong đó lãnh đạo làm trước, cấp dưới làm sau, ngành này làm trước, ngành kia làm sau, chắc chắn ai cũng phải tuân theo, mà lòng dân rất thuận?
Tranh minh họa Internet. |
Được biết, ở các nước tiên tiến, việc quản lý thu nhập, tài sản của công chức, kể cả lãnh đạo cao cấp rất rõ ràng, công khai, minh bạch. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp vẫn sở hữu những tài sản khiêm tốn. Thủ tướng Cameron của Anh vẫn ở nhà thuê, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật vẫn xếp hàng như dân thường nơi công cộng, Tổng thống Obama của Mỹ về hưu vẫn viết sách, diễn thuyết để có thêm thu nhập,... Nhưng họ hòa đồng, họ được nhân dân quý trọng.
Dân trí ngày càng nâng cao. Đời sống mỗi người dân đã được cải thiện thì đời sống người cán bộ cũng được nâng cao. Họ không còn tư tưởng cào bằng, thu nhập, tài sản phải xấp xỉ nhau, ai cũng giống ai. Nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, giỏi giang không chỉ thu nhập từ đồng lương mà còn có thể có những nguồn thu nhập chính đáng khác.
Công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực những năm gần đây đã có những kết quả rất đáng mừng, Nhân dân rất đồng tình ủng hộ. Việc kê khai, xác minh thu nhập, tài sản của cán bộ, đảng viên là rất cần thiết. Cần được xác định đây là một việc thường xuyên, bình thường và cần thực hiện một cách tự nguyện, dân chủ, công khai, nghiêm túc.