“Bóc trần” chiêu bài lừa vay tiền qua công ty tài chính

Nguyễn Việt 12/08/2018 18:36

Thông qua Facebook, điện thoại, đối tượng lừa đảo tự nhận là nhân viên công ty tài chính để "dụ dỗ", làm giả hợp đồng giải ngân nhằm chiếm đoạt tiền của người có nhu cầu vay.

Mới đây Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD) đã lên tiếng cảnh báo về các chiêu lừa gạt người bằng cách giả danh nhân viên của các công ty tài chính (CTTC) để chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Các CTTC cũng cho hay đến thời điểm hiện tại đã nhận được hàng trăm đơn tố cáo của khách hàng đối với các đối tượng lừa đảo tại Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội, Đắk Nông, Đắk Lắk, Tây Ninh, Vĩnh Long, TP HCM...

Không tiếp nhận tư vấn qua mạng, điện thoại

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, “chiêu” của đối tượng lừa đảo là liên hệ với NTD qua Facebook, điện thoại, tự nhận là nhân viên CTTC và tư vấn làm hồ sơ vay tiền. Họ đưa ra nhiều chương trình cho vay với các thông tin ưu đãi dành cho khách hàng.

Đồng thời họ làm giả hợp đồng giải ngân kiêm khế ước nhận nợ với con dấu giả, làm giả bảng ước tính số tiền phải trả hằng tháng để tạo lòng tin cho khách hàng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí họ còn làm giả thẻ nhân viên công ty để chiếm lòng tin của khách hàng.

Sau khi người tiêu dùng nộp phí xử lý hồ sơ theo hướng dẫn thì các đối tượng lừa đảo này đã biến mất. Họ không thể liên lạc được với các đối tượng trên, khi đối chứng với công ty thì phát hiện đã bị lừa đảo.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, “chiêu” của đối tượng lừa đảo là liên hệ với NTD qua Facebook, điện thoại, tự nhận là nhân viên CTTC và tư vấn làm hồ sơ vay tiền...
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ NTD, “chiêu” của đối tượng là liên hệ với NTD qua Facebook, điện thoại, tự nhận là nhân viên các công ty tài chính và tư vấn làm hồ sơ vay tiền.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay thời gian qua, đơn vị nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại từ người tiêu dùng lẫn các công ty tài chính về việc một số đối tượng mạo danh là công ty tài chính nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của những người có nhu cầu vay nhanh.

"Trong những trường hợp này, các công ty tài chính sẽ không có cơ sở để hỗ trợ người tiêu dùng", Cục Cạnh tranh cho biết.

Vì vậy, đơn vị này khuyến cáo nếu khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng thì không nên tiếp nhận tư vấn vay qua mạng xã hội và các thuê bao di động. Do hoạt động lừa đảo ngày càng tinh vi nên người dân không nên cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng mạng xã hội bởi các đối tượng có thể khai thác, lợi dụng các thông tin này để lừa đảo.

“Người tiêu dùng nên tìm hiểu kỹ công ty có yêu cầu cung cấp giấy tờ bản gốc hay không. Trong trường hợp công ty không yêu cầu, mà người tự nhận là nhân viên lại cần để lưu giữ thì người tiêu dùng phải đề cao cảnh giác, kiểm tra lại thông tin”, thông báo của Cục Cạnh tranh nhấn mạnh.

Cảnh giác với số tiền “từ trên trời rơi xuống”

Cục Cạnh tranh còn khuyến cáo nếu người tiêu dùng có nhu cầu vay thì chỉ nên thực hiện giao dịch tại các điểm giới thiệu dịch vụ của công ty, không nên giao dịch tại nhà để tránh bị lừa đảo.

Ở khía cạnh khác, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận xét, bọn tội phạm thường tung ra một số thủ đoạn đánh vào lòng tham của nạn nhân. Đầu tiên chúng sẽ đề nghị chủ tài khoản nhận một khoản tiền “từ trên trời rơi xuống” để làm từ thiện, hoặc nhận thưởng chương trình khuyến mãi... rồi đề nghị cung cấp số tài khoản để chuyển tiền.

Bước thứ hai, chủ tài khoản sẽ nhận được email hay tin nhắn đường dẫn xác nhận của một đơn vị nào đó để nhận được số tiền lớn này. Sau khi đăng nhập đường link, thông tin tài khoản sẽ bị mất toàn bộ, kể cả OTP (nhập mật khẩu 1 lần) được xem là bước bảo vệ tài khoản cuối cùng trong khâu an ninh cũng bị lấy cắp.

Chuyên gia tài chính Lâm Minh Chánh cũng chia sẻ, hình thức lừa đảo xưa như trái đất là xin số tài khoản để “biếu không” tiền từ thiện nhưng vẫn có người dính khi để lòng tham dẫn dắt.

Ông Ngô Tuấn Anh - Phó chủ tịch phụ trách an ninh mạng Bkav khuyến cáo, Khách hàng cẩn trọng khi bấm vào các đường link nhận được qua email, chat; đặc biệt các trang web quan trọng sẽ có chữ "s" trong cụm https. Trong trường hợp cảm thấy nghi ngờ cần xác thực qua 1 kênh an toàn khác như gặp trực tiếp hoặc gọi điện trước khi tiến hành giao dịch.

“Khách hàng cần cài phần mềm an ninh thường trực để bảo vệ tài khoản, mật khẩu của mình tránh bị đánh cắp bởi phần mềm độc hại. Thông báo ngay cho ngân hàng để khóa tài khoản khi cảm thấy có hiện tượng bất thường hoặc nghi ngờ”, ông Ngô Tuấn Anh nói.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Copy Link
Mới nhất
x
“Bóc trần” chiêu bài lừa vay tiền qua công ty tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO