'Bơm nước nhiễm mặn vào ruộng nhưng không ai chịu trách nhiệm với dân'

07/04/2017 11:02

(Baonghean.vn)- Góp ý dự thảo luật thủy lợi, lãnh đạo huyện Nghi Lộc cho rằng đã xảy ra tình trạng bơm nước nhiễm mặn vào ruộng nhưng không ai chịu trách nhiệm với dân, vì vậy phải quy trách nhiệm quản lý chất lượng.

Ông Trần Văn Mão - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, chủ trì cuộc làm việc, nhấn mạnh, tành phố Vinh cần tăng cường đối thoại với công dân
Sáng 7/4, ông Trần Văn Mão - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị góp ý dự thảo Luật thủy lợi do Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức. Ảnh: Mai Hoa.

Luật Thủy lợi có 9 chương, 70 điều, quy định về hoạt động thủy lợi; quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thủy lợi, quản lý nhà nước về thủy lợi...

Cơ bản đồng tình với bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo luật, tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng góp ý điều chỉnh, bổ sung nhiều điều cũng như từ ngữ để đảm bảo chính xác.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc, cho rằng, hiện tại sản xuất của nông dân gặp rất nhiều khó khăn, bởi vậy cần tiếp tục duy trì chính sách cấp bù thủy lợi phí, chứ không nên quy định thu khoản này của nông dân.

Cũng cần quy định trách nhiệm quản lý chất lượng nguồn nước đối với tổ chức phục vụ, bởi thực tế có đợt bơm nước nhiễm mặn vào đồng ruộng mà không ai chịu trách nhiệm trước thiệt hại của người dân. Đồng thời có quy định tổ chức có trách nhiệm kiểm tra, giám sát điều tiết nước hồ chức của hệ thống thủy điện, đảm bảo điều tiết nước cho vùng hạ lưu trong mùa hạn hán.

Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đề nghị tiếp tục duy trì chính sách cấp bù thủy lợi phí cho nông dân
Ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc đề nghị tiếp tục duy trì chính sách cấp bù thủy lợi phí cho nông dân. Ảnh: Mai Hoa

Góp ý vào điều 9 về các hành vi bị nghiêm cấm, ông Nguyễn Quang Hòa – Phó Chủ tịch Hội Thủy lợi tỉnh đề nghị cần bổ sung thêm điều khoản nghiêm cấm, đó là cấm hoạt động làm nhà ở trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Hùng – Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Nam cho rằng hiện tại mức độ lấn chiếm các công trình thủy lợi rất nhiều, ảnh hưởng đến hoạt động phục vụ thủy lợi, bởi vậy cần quy định việc xử lý vi phạm lấn chiếm, tránh tình trạng khi nâng cấp các hệ thống thủy lợi lại phải đền bù cho việc sai phạm.

Cần ưu tiên tập trung hệ thống kênh tưới đến đồng ruộng
Cần ưu tiên tập trung hệ thống kênh tưới đến đồng ruộng. Ảnh Mai Hoa

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng góp ý về quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; hoạt động dịch vụ thủy lợi; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong hoạt động thủy lợi; quy trình vận hành hệ thống thủy lợi, xả lũ các hồ đập, hồ chứa thủy điện; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, bao gồm UBND các cấp; quy định và phân định rõ trách nhiệm cơ quan quản lý hoạt động thủy lợi và thủy điện...

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ nghiên cứu, xem xét và tổng hợp để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi đưa ra thảo luận tại Quốc hội vào kỳ họp thứ 3 tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN

'Bơm nước nhiễm mặn vào ruộng nhưng không ai chịu trách nhiệm với dân'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO