Bốn lời khuyên cho vợ khi chồng nóng giận

28/12/2017 18:33

Có một điều khá phổ biến xảy ra trong mối quan hệ vợ chồng đó là khi chồng nổi nóng, không phải người vợ nào cũng biết cách im lặng. Còn nếu có im lặng thì việc một người vợ đang bình thường khi phải đối diện với sự nóng giận của chồng cũng dễ chuyển sang bất an, buồn phiền, hờn giận.

Đó thực chất là một sự “lây lan” về mặt cảm xúc, một sự mất tự chủ về cảm xúc, bị cảm xúc nóng giận của bạn đời đốt cháy tâm can của mình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Buồn chán vì chồng hay nóng giận

Anh Bình, chồng chị Ngân ở Đống Đa (Hà Nội) là người tốt bụng nhưng tính lại nóng như lửa. Gặp điều gì phải chờ đợi hay những việc trái tai, gai mắt là dường như anh Bình không thể chịu đựng nổi. Anh nóng với tất cả mọi người chứ không riêng gì với vợ mình.

Chị Ngân kể rằng, bình thường anh Bình là một người rất yêu chiều vợ, có trách nhiệm với gia đình và luôn tự hào về chị. “Thế nhưng, khi nóng thì anh ấy như biến thành một con người khác. Đang vui vẻ anh anh em em nhưng có điều gì đó xảy ra là anh ấy lập tức nhảy tưng tưng, mày tao chi tớ, con này con nọ khiến em nhiều phen bẽ mặt với bạn bè, người thân."

Một lần chị làm mất chìa khóa nhà. Chị biết đó là lỗi của chị nên xác định ngay từ đầu là sẽ đón nhận một cơn giận lôi đình của chồng. Quả đúng như vậy, sau một hồi loay hoay đi tìm chìa khóa dự phòng không thấy, anh Bình giận điên lên. Ba máu sáu cơn, chồng chị đi đi lại lại, mặt đỏ phừng phừng vừa đi mượn máy cưa về cưa khóa, vừa mắng chị là “đần độn”, là “óc chó”... khiến chị Ngân cảm thấy tổn thương vô cùng. Mặc dù xác định là chồng mình sẽ nổi giận nhưng khi chồng xúc phạm như vậy, chị Ngân vẫn cảm thấy bị sốc.

Tương tự, Hoài, 29 tuổi là nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) kể rằng, hồi còn yêu nhau, Toàn chồng Hoài không nói nặng với chị một lời. Thế nhưng chỉ sau vài tháng cưới, Hoài đã phải chứng kiến cơn thịnh nộ của chồng khiến chị sốc lên sốc xuống.

Hoài không chấp nhận được việc chồng mình bảo mình là “đồ ngu” nên đã làm mặt giận chồng hàng tháng trời. Nhưng càng giận chồng, Hoài càng cảm thấy không thể chịu đựng nổi. Nhất là khi Toàn không hề xin lỗi hay thái độ muốn giảng hòa cùng vợ.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc ứng xử hiệu quả khi đối diện với sự nóng giận của chồng, hoặc vợ luôn luôn là nhu cầu bức thiết trong mọi gia đình. Bởi vì đã là vợ chồng thì rất khó tránh khỏi mâu thuẫn, tranh cãi. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cách ứng xử đúng đắn khi đứng trước tình huống mà người bạn đời đang mất bình tĩnh, khi họ đang bị cơn giận “thống trị”.

Thực tế thì chúng ta dễ bị cơn giận của người bạn đời đốt cháy tâm can mình. Ví dụ, một người chồng nổi nóng cũng khiến cho người vợ giận hờn theo như những trường hợp mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Bị cơn giận của chồng “đốt cháy” mình

Theo nhà tâm lý Nguyễn An Chất, Công ty Tư vấn An Việt Sơn (Hà Nội), nóng giận hay giận hờn đều là hình thái cảm xúc của tâm sân hận. Việc một người vợ đang bình thường khi phải đối diện với sự nóng giận của chồng đã chuyển sang bất an, buồn phiền, hờn giận.

Đó thực chất là một sự “lây lan” về mặt cảm xúc, một sự mất tự chủ về cảm xúc, bị cảm xúc nóng giận của bạn đời đốt cháy tâm can. Do không làm chủ được cảm xúc của mình nên lúc này người vợ rất khó để thực hiện lời các tiền nhân dạy như “cơm sôi bớt lửa, chồng giận bớt lời”, hay lấy sự mềm mỏng “lạt mềm buộc chặt”...

Cũng bởi không làm chủ được cảm xúc nên các bà vợ vì thế thường có những ứng xử sai cách như cãi lại chồng, to tiếng lại cùng chồng, thi nhau ném đồ đạc cùng chồng, bỏ về nhà mẹ đẻ, khóc lóc giận hờn, chiến tranh lạnh... Tất cả những ứng xử như vậy thường làm cho mối quan hệ vợ chồng sau đó càng trở nên xa cách hơn, khó làm hòa hơn.

Bốn lời khuyên cho các bà vợ

Theo các chuyên gia, có những điều cấm kỵ mà người vợ nên tránh khi đối diện với “cơn giận” của chồng, đó cũng là nguyên tắc ứng xử mà những chị em có chồng dễ nóng giận có thể tham khảo:

1. Đừng lúc nào cũng lên gân với chồng và cố cãi để thắng

Đôi khi ranh giới của sự đúng - sai rất mong manh. Đứng trước một vấn đề nào đó, mỗi người đều có một cái lý lẽ riêng của mình. Và trong một số cuộc tranh luận, không có điều gì là đúng hay sai cả. Cái tôi của các anh chồng lúc nào cũng cao ngất, vì vậy, họ sẽ không cảm thấy vui vẻ là mấy khi phải chịu thua những lý lẽ của vợ.

Trong một số trường hợp, bạn hãy tìm cách tạm dừng cuộc cãi vã để cả hai có thêm thời gian suy nghĩ mọi việc thấu đáo hơn. Hãy nói lại vấn đề này khi vợ chồng trong trạng thái bình tĩnh nhất.

2. Thỏa thuận với nhau một ký hiệu "dừng" đặc biệt

Khi cuộc cãi vã lên đến đỉnh điểm, việc dừng đúng thời điểm rất quan trọng và hãy dùng những tín hiệu bí mật mà cả hai bạn đều âm thầm đồng ý. Tín hiệu đó sẽ chỉ cho nửa kia biết họ sắp vượt qua giới hạn chịu đựng của bạn.

3. Thỏa hiệp bằng một cái ôm yêu thương

Những sự tiếp xúc da thịt luôn mang lại hiệu quả rất tốt khi muốn làm dịu đi cơn nóng giận của một ai đó, đặc biệt là với các cặp vợ chồng. Hiển nhiên, hành động này sẽ nhắc nhở bạn yêu người này và vẫn muốn bên họ. Đừng ngại khi yêu cầu một cái ôm và hãy rộng lượng cho người ấy một cái ôm như vậy. Điều đó tránh đổ thêm dầu vào cuộc cãi nhau.

4. Hãy nằm bên cạnh nhau sau mỗi cuộc tranh luận

Đừng bao giờ vì một cuộc cãi vã nhỏ mà đuổi chồng ra ngủ riêng. Bạn hãy thỏa thuận với chồng là dù cãi nhau to đến mức nào cũng không ai được phép rời khỏi nhà. Hãy nằm bên cạnh nhau cho đến khi cả hai thông suốt. Một giấc ngủ ngon và sâu sẽ giúp cả hai vợ chồng được tỉnh táo và giải quyết tranh luận một cách nhẹ nhàng nhất.

Theo Giadinh.net

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bốn lời khuyên cho vợ khi chồng nóng giận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO