Bóng đá Đông Nam Á lại lỗi hẹn với World Cup
(Baonghean.vn) - Thua Nhật Bản, Thái Lan sớm nói lời chia tay với ngày hội bóng đá hành tinh trên đất Nga. Câu hỏi 'Bao giờ bóng đá Đông Nam Á có mặt tại World Cup?' còn đang bỏ ngỏ.
'Ông kẹ' khu vực
Đội tuyển Thái Lan vẫn được coi là đội bóng mạnh nhất ở khu vực Đông Nam Á tại thời điểm hiện tại. Đội đã 5 lần giành ngôi cao nhất tại giải vô địch khu vực; 7 lần tham dự vòng chung kết Cúp bóng đá châu Á, trong đó thành tích cao nhất ở cấp châu lục là hạng ba Cúp châu Á vào năm 1972 khi Thái Lan đăng cai vòng chung kết.
HLV Kiatisak Senamuang đã làm hết khả năng có thể nhưng đành bất lực. Ảnh: Internet |
Chỉ tính riêng nửa sau của thập niên 2010, với những thành tích không một đội bóng Đông Nam Á nào có thể so sánh: đội tuyển quốc gia vô địch AFF Cup 2014 (lần đầu tiên kể từ 2002), đội U.23 Thái Lan lần thứ hai vô địch SEA Games (2013, 2015) và vào tới bán kết Asian Games 2014 tại Incheon, Hàn Quốc.
Trong một trận đấu cụ thể, các cầu thủ Thái Lan có thể sẩy chân nhưng nền bóng đá của đất nước này đã bỏ xa các nước trong khu vực Đông Nam Á. Không chỉ người Thái mà đông đảo giới chuyên môn, người hâm mộ bóng đá khu vực Đông Nam Á đều hồi hộp theo dõi HLV Kiatisak thi đấu ở đấu trường châu lục.
Niềm vui chưa tày
Với trận hòa 2-2 trước tuyển Iraq, đội bóng của HLV Kiatisak Senamuang chính thức giành ngôi đầu bảng F, bước vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á (cũng là vòng loại Asian Cup 2019). Đây là lần thứ ba đội bóng có biệt danh “Voi chiến” lập được thành tích này. Nhưng, đây mới là lần đầu tiên họ quay trở lại Asian Cup kể từ 2007 và có hy vọng vươn xa hơn kết quả dừng bước vòng bảng khi đó.
Việc Thái Lan được lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2018 khu vực châu Á là niềm vinh dự lớn của bóng đá khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, 12 đội sẽ được chia làm 2 bảng, mỗi bảng 6 đội thi đấu vòng tròn một lượt. Hai đội đứng đầu mỗi bảng sẽ giành vé dự World Cup 2018. Hai đội đứng thứ ba sẽ bước vào vòng 4. Tạivòng 4: Hai đội đứng thứ ba thi đấu theo thể thức lượt đi, lượt về. Đội thắng sẽ tranh vé vớt đến Nga với đội đứng thứ tư của khu vực Bắc, Trung Mỹ và Caribbean.
Cầu thủ Thái Lan bất lực trên đất Nhật Bản đành chấp nhận thua 0-4. Ảnh: Internet |
Rơi vào bảng đấu với những cái tên Australia, U.A.E, Nhật Bản, Saudi Arabia, Iraq có lẽ Kiatisa và các học trò hiện thực hơn khi cố thi đấu để kiếm vị trí thứ ba, tranh vé vớt. Nhưng “trong nhà nhất mẹ nhì con”, khi ra đấu trường khu vực mãi đến lượt trận thứ năm họ mới có trận hòa 2-2 với Australia, còn lại toàn thua.
Thi đấu 7 trận, "Voi chiến" chỉ ghi được 3 bàn, lọt lưới 19 bàn và sớm nói lời chia tay trước 3 vòng đấu, cho thấy “vùng trũng” bóng đá khu vực Đông Nam Á cách biệt với châu lục như thế nào.
Những cái tên như Prathum Chutong, Charyl Chappuis, Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda… chỉ có tiếng tăm ở khu vực, khi ra đấu trường châu lục đứng cạnh Shinji Kagawa, Yasuyuki Konno, Hiroki Sakai, Maya Yoshida bỗng trở nên bé nhỏ hẳn.
Thực tình thì các cầu thủ Thái Lan cũng có trận đấu được xem như ngang ngửa với Saudi Arabia ở trận mở màn bảng B, nhưng chừng ấy chưa đủ cho cuộc trường chinh sân cỏ.
Không chỉ người Thái mà Liên đoàn bóng đá Singapore và Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng từng có giấc mơ ra “biển lớn” để tham gia World Cup. Nhưng nhìn thất bại thảm hại của đội tuyển Thái Lan, các thành viên của Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á phải ngồi lại với nhau bàn về một cuộc chấn hưng toàn diện thì may ra vài thập kỷ nữa mới có cơ hội.
AT
TIN LIÊN QUAN |
---|