Bóng đá Nghệ An và nét nghĩa mới câu ‘...biết khi mô cho cạn’?
(Baonghean.vn) -Thời điểm hiện tại, dù có yêu đến mấy thì cũng rất khó để “mơ” một điều gì đó về thành tích của “niềm tự hào” SLNA, khi đội bóng xứ Nghệ đã gần một thập kỷ nay không thể tranh đua được với những đội bóng hùng mạnh về mọi mặt như Hà Nội T&T hay TP. Hồ Chí Minh.
Đơn giản trong đội hình của HLV Ngô Quang Trường mùa giải này, không thể mong đợi gì ở các cầu thủ ngoại (tiền nào, của nấy), có chăng là chờ đợi, sốt ruột đợi ở sự tỏa sáng của tiền vệ Phan Văn Đức, phần nào đó là sự trở lại của Phạm Xuân Mạnh và một vài nhân tố trẻ khác…
Ở bóng đá phong trào, sau khi các lò đào tạo của HA-GL, PVF hay Viettel có vẻ hết “nguồn” thì SLNA lại cho thấy độ trường sức của một lò đào tạo dạn dày kinh nghiệm và không quá phụ thuộc vào tiền bạc.
Sự trở lại của một số HLV như Nguyễn Văn Thịnh, Lê Kỳ Phương…đối với đào tạo trẻ chắc chắn sẽ làm cho cuộc đua giữa các lò trở nên thú vị và hấp dẫn hơn, khi yêu cầu đối với một CLB bóng đá chuyên nghiệp không chỉ dành cho đội 1 mà với toàn bộ hệ thống đào tạo trẻ (hãy nhìn cách tuyển thủ Văn Hậu thi đấu ở Hà Lan hiện nay để thấy rõ thêm điều quan trọng đó?).
Kinh nghiệm của Quang Tình là điều rất cần cho SLNA thời điểm hiện tại . Ảnh: BNA |
Theo tìm hiểu, từ nhiều năm nay, “hâm mộ” bóng đá Nghệ An nếu chỉ trông vào kết quả thi đấu của đội 1 và các tuyến trẻ SLNA như vừa nói trên là hoàn toàn không đủ và thậm chí thiên lệch? Thực tiễn hoạt động bóng đá cho thấy nhiều điều mới mẻ, thú vị và vô cùng đáng nói.
Ví dụ như trong khi dồn sức ủng hộ và cổ vũ cho bóng đá nam trong và sau sự kiện bóng đá U23 VN ở Thường Châu tuyết trắng, ĐTVN vô địch AFF Cúp 2018 hay HCV SEA Games 2019, người Nghệ vui mừng và tự hào với Văn Đức, Xuân Mạnh, Văn Hoàng, rồi Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng…thì chúng ta cũng không thể quên chiến công của cô gái vàng người Nghệ là tiền vệ Thái Thị Thảo của ĐTBĐ nữ Việt Nam.
Nghĩa là phẩm chất người Nghệ, phẩm chất SLNA tiếp tục được phát huy ở các đội bóng khác, các đội tuyển quốc gia…đích thị là “tài sản ròng”, là “niềm tự hào xứ Nghệ” trong một môi trường và hoàn cảnh khác, nếu không nói là mức cao hơn, đáng tự hào hơn!
Cầu thủ SLNA ăn mừng bàn thắng trong trận gặp B. Bình Dương. Ảnh tư liệu TK |
Rồi nữa, bộ ba ngôi sao Văn Sỹ Hùng - Văn Sỹ Sơn - Văn Sỹ Thủy sau thời kỳ cống hiến, rực rỡ tại sân Vinh đã góp không nhỏ công sức đào tạo trẻ, huấn luyện, quản lý cho CLB bóng đá giàu mạnh CLB Hà Nội.
Rồi Hữu Thắng, Công Vinh, Thành Công…lần lượt “nam tiến” để làm lại từ đầu các đội bóng TP. Hồ Chí Minh, Sài Gòn, để tạo ra thách thức thực sự và sẽ là những cuộc đua tranh thực sự của bóng đá Việt thời kỳ vượt thoát khỏi bóng đá vùng trũng.
Ngay chỉ vài lượt trận của mùa giải mới này cũng cho thấy vài điều thú vị từ những “người cũ” SLNA trên cương vị mới, thử thách mới cam go hơn. Ấy là sân Lạch Tray hoành tráng thưở nào giờ là nơi “cầm quân’ của các chiến tướng xứ Nghệ Phạm Anh Tuấn và đặc biệt là Quốc Vượng cùng không ít “quân ta” xung trận vã mồ hôi trên sân cỏ. Hai trận đầu chưa nói được gì nhiều, nhưng việc họ có 4 điểm trong tay, chưa để thủng lưới bàn nào và sự dày công, kiên trì của tập thể đội bóng để có kết quả xứng đáng là những thu hoạch đầu đời không thể ngọt ngào hơn!
Thủ môn Văn Hoàng xứng đáng đứng trong khung thành SLNA. Ảnh tư liệu Xuân Thủy |
Cùng với màn tái xuất của Quốc Vượng, việc Phạm Văn Quyến vừa được bổ nhiệm làm HLV phó đội U17 SLNA cũng là thông tin tích cực khiến người hâm mộ như vừa được chứng kiến một bàn thắng ngoạn mục của “thần đồng” một thuở sau quãng dài khó khăn, vật lộn.
Tiền vệ Phan Văn Đức là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công của SLNA. Ảnh tư liệu |
Và vì thế, nét nghĩa mới của câu nói “nước Sông Lam biết khi mô cho cạn?” không chỉ là cách hiểu về lớp lớp tài năng kế tiếp, mà còn ở khía cạnh mới mẻ, đáng nói này chăng?