Bóng đá Việt Nam và nỗi hổ thẹn 'hậu phương'

25/08/2017 12:17

(Baonghean.vn) - Nếu như không thể ủng hộ, động viên các cầu thủ thi đấu, xin hãy để họ yên tâm cống hiến, vì bóng đá vốn là một nghề nguy hiểm, nhiều rủi ro và bạc bẽo.

ĐT U22 Việt Nam thua “tâm phục khẩu phục” 3-0 trước người Thái, một kết quả làm đau lòng hàng triệu người hâm mộ nước nhà. Bóng đá vốn nghiệt ngã, không ai có thể biện minh cho thất bại. Tuy nhiên, nếu như người hâm mộ buồn một, thì các cầu thủ và HLV buồn mười.

Tiền đạo Nguyễn Công Phượng xin lỗi người hâm mộ trên khán đài - Ảnh: Tuấn Hữu
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng xin lỗi người hâm mộ trên khán đài - Ảnh: Tuấn Hữu

Ngày hôm qua, tiền vệ Lương Xuân Trường đã chia sẻ: “Chúng em đã bước vào trận đấu với những chấn thương ở trên cơ thể và rất nhiều những áp lực từ chính những người Việt Nam của mình. Thực sự em cảm thấy khó hiểu khi mà chúng em đang ở những thời điểm khó khăn như thế này, mà người hâm mộ lại quay lưng, thậm chí là chửi rủa một thành viên ở trong đội.”

Không chỉ Xuân Trường, mà những người xem bóng đá lâu năm cũng hiểu, Indonesia chưa bao giờ là một đối thủ dễ chịu với Việt Nam. Và một trận hoà trước đối thủ này không phải là một kết quả thậm tệ. Tuy nhiên vì một trận hoà, trong bối cảnh cục diện còn chưa ngã ngũ, một bộ phận lớn dư luận đưa Tuấn Tài để thoái mạ cho hả giận.

Đây vốn là một thói quen xấu của một bộ phận CĐV Việt Nam. Các cầu thủ ở độ tuổi U22 mới chỉ là những cậu bé đang trưởng thành. Nếu như việc họ được trao cơ hội khoác áo ĐTQG ra sân thi đấu cũng giống như những người lính cầm súng ra trận, thì rõ ràng hậu phương đã khiến họ bị xao động. Một sức ép tâm lý quá lớn khiến họ như đeo chì trong bối cảnh thể lực đã dần cạn kiệt trước đối thủ Thái Lan.

Tiếp lời chia sẻ của Lương Xuân Trường: “Em hi vọng là những lứa cầu thủ sau khi đá SEA Games sẽ nhận được sự ủng hộ và sự tin tưởng của người hâm mộ nhiều hơn. Thay vì nghi ngờ, thay vì chỉ trích. Thì em xin người hâm mộ hãy luôn luôn đặt niềm tin vào những người được chọn như chúng em, như HLV trưởng Nguyễn Hữu Thắng và BHL. Những người luôn nghi ngờ, luôn chỉ trích, em mong họ có cơ hội được đứng vào vị trí của chúng em.”

Nghe đến đây, chắc chắn nhiều CĐV chân chính của Việt Nam sẽ thương những cầu thủ nước nhà nhiều hơn là trách móc họ.

ĐT U22 Việt Nam đã được tạo điều kiện tốt nhất, được tin tưởng, quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng. Đó là một niềm hạnh phúc đối với các cầu thủ. Thế nhưng sự hắt hủi, thoá mạ của một bộ phận người hâm mộ dành cho Tuấn Tài hay Minh Long thực sự đáng buồn.

Một câu hỏi được đặt ra, chẳng lẽ, công nghệ ngày càng cao, tiếp cận tri thức ngày càng dễ mà văn hóa cổ động lại càng xuống thấp thế sao? Sự bất hạnh của U22 Việt Nam ở kỳ SEA Games này một lần nữa khiến người viết nhớ đến câu nói khuyết danh: “Bóng đá Việt Nam muốn vô địch, hãy thay cổ động viên”.

HLV Nguyễn Hữu Thắng thực sự cảm thấy có lỗi với sự kỳ vọng của người hâm mộ - Ảnh: Tuấn Hữu
HLV Nguyễn Hữu Thắng thực sự cảm thấy có lỗi với sự kỳ vọng của người hâm mộ - Ảnh: Tuấn Hữu

HLV Nguyễn Hữu Thắng là người được chọn và là người can đảm, có phần nào đó liều lĩnh gan dạ khi nhận nhiệm vụ "thuyền trưởng" đội tuyển. Nhiều người một mực cho rằng nhà cầm quân xứ Nghệ gặp hạn chế trong vấn đề chuyên môn. Dĩ nhiên, đến thời điểm này, thật khó để xét công kể tội ông thầy này.

Nhưng cách mà HLV Hữu Thắng lao tâm khổ tứ cho nhiệm vụ nặng nề của mình và cách hành xử sau thất bại chỉ khiến nhiều người càng thêm khâm phục chiến lược gia sinh năm 1971. Ông nhận hết trách nhiệm về mình, ngay cả những sai lầm cá nhân của Minh Long, HLV Nguyễn Hữu Thắng vẫn không trách móc cầu thủ mà cho rằng mình đã không giữ được sự ổn định tâm lý cần thiết cho các cầu thủ, trước sức ép của dư luận.

Ca sỹ Hoàng Bách, một tín đồ của bóng đá Việt Nam đã viết hẳn một bức tâm thư trên trang cá nhân với nội dung: “Trong nỗi buồn chung này, lại xin cảm ơn anh với một bài học mới cho cuộc đời. Một con người với đầy đủ vinh, nhục, bản lĩnh khi vinh quang hay khi thất bại, thậm chí ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất của đời người, anh cũng luôn vững vàng, điềm tĩnh. Và quan trọng nhất, anh là người hiếm hoi ở cái xứ này dám đứng ra nhận hoàn toàn trách nhiệm về mình, và dám từ chức! Cái chức vụ mà bổng lộc thì ít mà chông gai thì nhiều. Cái chức vụ mà khi thành công chẳng mấy ai nhắc đến, mà thua cuộc thì bão tố đổ lên đầu.”

Hành trình SEA Games 29 của bóng đá Việt Nam đã khép lại, dư âm của bóng đá dường như không còn là những cảm xúc, mà đó là nỗi lo. Nỗi lo các cầu thủ bị trù dập quá mức, nỗi lo cho các cầu thủ khi phải đối diện với sức ép quá lớn từ dư luận, tâm thế của những kẻ bại tướng, thất trận. Nếu không thể vượt qua, họ sẽ bị thui chột.

Lại một lần nữa chúng ta thua người Thái trên sân bóng, nhưng ở hậu phương chúng ta cũng đã thua, vì người Thái không có thói quen đổ lỗi cho những sai sót cá nhân. Hẳn rằng họ hả hê vì chiến thắng đó, nhưng còn hả hê hơn khi chứng kiến cách mà chúng ta ứng xử với Đội tuyển. Bóng đá là một cuộc chơi, một môn thể thao công chúng, người hâm mộ có quyền phán xét, thế nhưng suy đi nghĩ lại, phải chăng chúng ta đã không công bằng với các cầu thủ?

Trung Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bóng đá Việt Nam và nỗi hổ thẹn 'hậu phương'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO