Bông hồng cho blouse trắng
(Baonghean.vn) - Nghề y là nghề chữa bệnh, cứu người cao quý. Với những nữ y, bác sỹ, để giỏi nghề, họ phải nỗ lực thêm gấp bội bởi trên vai còn có thiên chức của người vợ, người mẹ. Ngày 8/3, phần lớn nữ y, bác sỹ vẫn miệt mài với công việc, "bông hồng" tặng họ đơn giản là sự tin yêu của bệnh nhân.
Ngày 8/3, phần lớn nữ y, bác sỹ vẫn miệt mài với công việc, "bông hồng" tặng họ đơn giản là sự tin yêu của bệnh nhân. |
Sống với ý nghĩa của công việc. Hai năm công tác trong nghề y, mặc dù thời gian hết sức bận rộn nhưng nữ hộ sinh Nguyễn Thị Thúy Phương (Bệnh viện HNĐK tỉnh) chưa bao giờ nguôi tình yêu nghề, bởi mỗi khi thấy những sinh linh cất tiếng khóc chào đời, cô lại thấy công việc của mình thêm ý nghĩa. (Ảnh: Đức Anh) |
Các nữ y bác sĩ phải tiếp tục học và tự học không ngừng. Tốt nghiệp trường y không đồng nghĩa với việc được cầm dao mổ, khám, kê đơn, tiêm thuốc ngay mà các nữ y, bác sỹ phải tiếp tục học và tự học không ngừng. Không chỉ bổ sung kiến thức chuyên môn mà còn phải rèn luyện, nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người bệnh. (Ảnh: Hoàng Yến) |
Muốn trở thành một nữ y, bác sỹ giỏi, họ phải giao tiếp nhiều hơn. Giao tiếp để hiểu những điều chưa rõ ràng ở người bệnh, để giúp bệnh nhân cân bằng cảm xúc. Thậm chí, phải kiên nhẫn trả lời những câu hỏi vô nghĩa! Bệnh nghề nghiệp đôi khi khiến họ trở nên kiệm lời sau những giờ làm việc. (Ảnh: Đức Anh) |
Tập trung cao độ, thận trọng là yêu cầu bắt buộc trong công việc. Một ngày làm việc của nữ y, bác sỹ bệnh viện thường bắt đầu từ 6h30' sáng đến 5 - 6 giờ chiều mới bước chân ra về. Tập trung cao độ, thận trọng là yêu cầu bắt buộc nên nhiều khi họ quên cả bữa ăn. Chị Nguyễn Thị Hồng, công tác tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện HNĐK tỉnh chia sẻ: "Vui buồn mong manh như sợi chỉ, quan trọng là học cách suy nghĩ tích cực để làm việc". (Ảnh: Đức Anh) |
Giao tiếp bệnh nhân, các nữ y, bác sỹ luôn chu đáo, nhẹ nhàng. Vào việc, họ cần phải quên những âu lo của bản thân: con thơ khát sữa ở nhà; bữa ăn gia đình thiếu vắng bóng đáng người mẹ, người vợ; thậm chí có trường hợp phải đánh đổi giây phút cuối cùng được ở bên người thân để giành giật mạng sống cho bệnh nhân trước "lưỡi hái tử thần". (Ảnh: Đức Anh) |
Với các nữ điều dưỡng, công việc của họ luôn tay, luôn chân. Ít ai biết rằng lương trung bình của họ chỉ 2 - 3 triệu đồng/tháng, tiền thu nhập tăng thêm cũng chẳng đáng là bao. Họ ít có cơ hội để làm thêm, tăng thêm thu nhập. (Ảnh: Đức Anh) |
Nghề y đòi hỏi những quyết định chính xác cho cho tính mạng của con người. Ở bệnh viện, sự sống và cái chết của người bệnh chỉ cách nhau trong gang tấc. Đã bao tiếng thở dài cất lên khi không thể giúp bệnh nhân chiến thắng thần chết. Là người phụ nữ khi đứng trước mất mát, người nữ y, bác sĩ thường phải chịu sự ám ảnh, day dứt dai dẳng. (Ảnh: Hoàng Yến) |
Tiếng khóc của một sự sống mới trong giây phút chào đời luôn rất đặc biệt. Muốn có thêm nhiều giây phút đó, các bác sĩ cùng ê-kip luôn phải cố gắng giúp sản phụ “vượt cạn” thành công. Khoảnh khắc ẵm đứa trẻ trên tay, bác sĩ Ngô Thị Phương Oanh như vỡ òa trong hạnh phúc. (Ảnh: Đức Anh) |
Với các nữ y, bác sỹ, điều trị cho bệnh nhân không chỉ là trách nhiệm, bổn phận mà còn là tình thương. Riêng với các nữ y, bác sỹ ở Bệnh viên tâm thần, đôi lúc họ còn phải hòa mình vào thế giới người bệnh để hiểu bệnh sử, tâm lý mà điều trị cho hiệu quả. (Ảnh: Từ Thành) |
Vượt qua tất cả, sức mạnh của hai từ "lương y" đã thôi thúc họ bước tiếp trên con đường chữa bệnh, cứu người cao quý. Ao ước giản dị của các nữ y, bác sỹ nhiều lúc chỉ là được mặc những bộ váy áo thời trang khác, có một ngày nghỉ trọn vẹn để ở bên gia đình, bạn bè nhưng thật khó khăn. Phần lớn thời gian, họ khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, hoặc đồng phục phòng mổ. (Ảnh: Đức Anh) |
Đức Anh - Thành Chung
TIN LIÊN QUAN |
---|