Brexit - 'phim dài kỳ' chưa có hồi kết

Thúy Ngọc 21/10/2019 08:59

(Baonghean) - Sau phiên họp được đánh giá là “chưa từng có tiền lệ” vào tối thứ Bảy, Quốc hội Anh hôm nay (21/10) tiếp tục được triệu tập để thảo luận về thỏa thuận đưa nước Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Rối ren, hỗn loạn, hoang mang - đó thực sự là những gì mà nước Anh đang trải qua, khiến cho tiến trình Brexit mà nước này theo đuổi suốt hơn 3 năm qua không khác nào một “bộ phim dài kỳ” mà không ai có thể dự đoán được hồi kết.

THỦ TƯỚNG CŨNG... LÁCH LUẬT

Trở về từ Brussels, Bỉ với một thỏa thuận Brexit mới đạt được với EU hôm 17/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson từng hy vọng ông có thể khai thông được thế bế tắc trên chính trường Anh suốt thời gian dài vừa qua bằng một phiên bỏ phiếu vào cuối tuần. Phiên họp của Quốc hội Anh đã thực sự trở thành một phiên họp “Siêu thứ Bảy” đầy kịch tính khi lần đầu tiên được triệu tập vào ngày thứ Bảy sau 37 năm, cho thấy Brexit thực sự là một vấn đề cấp bách cần phải có một đáp án rõ ràng khi thời hạn 31/10 đang ngày càng tới gần.

Quốc hội Anh triệu tập họp vào thứ bảy lần đầu tiên sau 37 năm. Ảnh: xinhuanet.com
Quốc hội Anh triệu tập họp vào thứ Bảy lần đầu tiên sau 37 năm. Ảnh: xinhuanet.com

Nhưng trái với kỳ vọng của Thủ tướng Boris Johnson, các nghị sĩ Anh đã từ chối tiến hành bỏ phiếu cho thỏa thuận Brexit mà ông đạt được với EU, thay vào đó họ lại tiến hành bỏ phiếu với dự luật có tên Letwin - dự luật được cho là thu hẹp các lựa chọn hành động của chính phủ khi hoãn bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit mới cho đến chừng nào ban hành được các điều luật cần thiết để thực thi thỏa thuận. Mục tiêu rõ ràng nhất của dự luật Letwin chính là ngăn chặn khả năng ông Boris Johnson và đội ngũ cố vấn của mình tìm cách thúc đẩy một Brexit không có thỏa thuận trong trường hợp bản thỏa thuận mới không nhận đủ số phiếu thông qua tại Quốc hội.

Nhưng không thể tiến hành bỏ phiếu cho thỏa thuận mới vẫn chưa phải là thất bại duy nhất của Thủ tướng Boris Johnson trong phiên họp “Siêu thứ Bảy”. Bước vào phiên họp với một bản thỏa thuận trong tay, ông Johnson một lần nữa khẳng định lập trường sẽ đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10, và ông sẽ không bị khuất phục bởi những quy định của Đạo luật Benn đã được Quốc hội Anh thông qua trước đó. Theo đó, ông sẽ phải gửi thư cho EU yêu cầu gia hạn Brexit trong trường hợp thỏa thuận giữa hai bên không được thông qua.

Trước sức ép của Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson phải chấp nhận viết thư cho EU xin gia hạn Brexit. Ảnh: Getty Images
Trước sức ép của Quốc hội, Thủ tướng Anh Boris Johnson phải chấp nhận viết thư cho EU xin gia hạn Brexit. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các nghị sĩ Anh có quá nhiều “vũ khí” để buộc ông Boris Johnson phải khuất phục. Trước khi sử dụng đến biện pháp bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng, một phiên điều trần trước Tòa án Tối cao dự kiến diễn ra trong hôm nay nếu ông Boris Johnson từ chối viết thư. Sau đó, Tòa án sẽ cho ông 24 giờ đồng hồ để thực hiện các yêu cầu trong Đạo luật Benn. Nếu ông không tuân thủ phán quyết, Tòa án Tối cao có thể sử dụng tới một quyền hạn đặc biệt, cho phép Tòa án hoặc một đại diện của Tòa thay mặt ông Boris Johnson gửi thư đến tất cả 27 quốc gia thành viên EU, và tất nhiên nội dung sẽ là xin gia hạn Brexit!

Thủ tướng Anh Boris Johnson đã khiến nhiều người bất ngờ với “chiêu”… lách luật của mình khi gửi một lúc tới 2 lá thư.

Sức ép của Quốc hội cuối cùng đã khiến ông Boris Johnson phải chấp nhận viết thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk xin gia hạn Brexit trước thời hạn chót là 11 giờ đêm. Chỉ có điều, ông đã khiến nhiều người bất ngờ với “chiêu”… lách luật của mình: ông đã gửi một lúc tới 2 lá thư. Trong lá thư mang thông điệp chính là xin gia hạn Brexit, ông Boris Johnson không ký tên. Thay vào đó, ông lại ký tên vào lá thư trình bày những lý do Chính phủ Anh không muốn gia hạn Brexit, trong đó kết luận gia hạn Brexit là một phương án tồi tệ cho cả phía Anh và EU. Với 2 lá thư, rõ ràng ông Boris Johnson đã tuân thủ nghĩa vụ của mình. Chỉ có điều, thay vì tìm ra một phương án thì những lá thư của ông lại đẩy Brexit vào những kịch bản bất định hơn.

Lá thư thủ tướng Anh gửi cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk

Bức thư cá nhân Thủ tướng Boris Johnson gửi ông Donald Tusk. Ảnh: AP

NƯỚC ANH GIẬN DỮ

Hai lá thư của ông Boris Johnson cũng đã đẩy các nhà lãnh đạo EU vào một tình thế khó xử. Đó là lý do Chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk đã đưa ra thông báo rất ngắn gọn về việc đã nhận được thư mà không có tuyên bố cụ thể nào về các bước đi của phía EU. Về mặt nguyên tắc, các nhà lãnh đạo EU sẽ phải thảo luận về việc có gia hạn Brexit theo yêu cầu của phía Anh hay không. Thế nhưng, phía châu Âu sẽ rất khó đưa ra quyết định nếu như không nắm rõ được nước Anh thực sự muốn gì và Chính phủ Anh sẽ có những bước đi tiếp theo như thế nào.

Khi thống nhất về thỏa thuận Brexit mới, EU đã có sự đảm bảo của Thủ tướng Anh Boris Johnson rằng ông sẽ thuyết phục được Quốc hội thông qua thỏa thuận. Nhưng những gì diễn ra đến nay cho thấy Brexit đang diễn ra theo những tình huống không nằm trong dự tính của Anh và EU.

Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: enternews.vn
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: enternews.vn

Dù vậy, trong ngày hôm nay (21/10), các nghị sĩ châu Âu cũng sẽ vẫn thảo luận về tình trạng hiện nay cùng với việc thúc giục Chính phủ Anh làm rõ lập trường của mình. Giới phân tích cho rằng, nhiều khả năng EU vẫn tiếp tục xúc tiến quá trình phê chuẩn thỏa thuận vừa mới đạt được với Anh, bên cạnh việc cân nhắc ra hạn Brexit như trong thư yêu cầu của ông Johnson dù lá thư không có chữ ký.

Cũng giống như bầu không khí tại Brussels, Bỉ, thủ đô London của nước Anh cũng sẽ có một ngày làm việc rất khẩn trương. Việc ông Boris Johnson gửi đi 2 bức thư liên quan đến việc gia hạn Brexit không đồng nghĩa với thỏa thuận mà Anh và EU đã đạt được đã chết. Ông Boris Johnson vẫn hy vọng thỏa thuận này sẽ vẫn được đưa ra bỏ phiếu - dự kiến là trong phiên họp “Siêu thứ Ba” ngày mai. Tuy nhiên, phiên bỏ phiếu này có thể diễn ra hay không sẽ phụ thuộc vào Chủ tịch Hạ viện John Bercow khi ông cho biết sẽ cân nhắc các tình huống và đưa ra quyết định trong ngày hôm nay.

Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow (trái) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 9/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow (trái) phát biểu tại phiên họp của Hạ viện ở London ngày 9/9/2019. Ảnh: AFP/TTXVN

Ở thời điểm này, rất khó có thể dự đoán về quyết định của ông Bercow, người từng tuyên bố rằng sẽ không đồng ý tổ chức thêm một cuộc bỏ phiếu cho cùng một thỏa thuận - ám chỉ rằng thỏa thuận Brexit mới không có gì khác biệt so với những gì mà cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được với EU. Nhưng ngay cả khi một cuộc bỏ phiếu như vậy được diễn ra, các tính toán cho thấy cơ hội thỏa thuận được thông qua là rất mong manh, nhất là khi đảng Bảo thủ khai trừ 21 nghị sĩ “nổi loạn” sau một phiên bỏ phiếu đầy kịch tích hồi đầu tháng 9.

Sự tức giận của người dân Anh cho thấy họ đã thực sự mệt mỏi với những gì diễn ra suốt hơn 3 năm qua.

Trong khi không có bất cứ kịch bản chắc chắn nào cho cả phía Anh và EU, hàng trăm nghìn người Anh đã đổ xuống đường tuần hành và thể hiện sự tức giận đã dồn nén bấy lâu. Họ tức giận với Thủ tướng, họ tức giận với chính phủ và tức giận với cả Quốc hội - những người chỉ biết phủ quyết và phủ quyết nhưng lại không thể đưa ra một phương án thay thế khả thi nào. Bởi thế, người dân Anh đang lên tiếng đòi giành quyền quyết định cuối cùng với câu chuyện Brexit qua một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai. Tất nhiên, khả năng có một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai hay không vẫn chưa rõ ràng, nhưng sự tức giận của người dân Anh cho thấy họ đã thực sự mệt mỏi với những gì diễn ra suốt hơn 3 năm qua. Điều họ cần nhất lúc này là một câu trả lời rõ ràng, để chấm dứt “bộ phim dài kỳ” mà nước Anh đang trình diễn cho cả thế giới xem suốt thời gian qua.

Hàng trăm nghìn người dân Anh tụ tập trước Tòa ành Quốc hội. Ảnh: The Guardian

Mới nhất
x
Brexit - 'phim dài kỳ' chưa có hồi kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO