Bữa cơm ngày Tết

Hôm kia, bạn tôi kể về đĩa thịt gà trong mâm cỗ ngày Tết nhà bạn. Đĩa thịt có ý nghĩa dấu chỉ yêu thương. Đó là lúc từng cổ cánh, xương xẩu vơi đi, và cuối cùng hai cái đùi béo mẩy nằm lại. Là vì ai ai cũng muốn dành phần ngon cho người khác trong nhà, nhận phần không ngon, ít ngon hơn về phía mình. Yêu thương, đôi khi được đánh dấu bởi những điều tưởng rất đỗi bé nhỏ như thế, trong bữa cơm gia đình ngày Tết.

Tôi chợt nhớ tới đĩa thịt gà trong mâm cơm ngày Tết gia đình mình. Tôi là đứa khảnh ăn, cả đĩa thịt gà trong mâm chỉ ăn miếng nhỏ phần ức không da và phần mề gà. Cậu tôi vẫn nhớ điều đó từ khi tôi còn rất nhỏ, cho tới giờ, khi đã là mẹ của những đứa nhỏ. Mà không riêng tôi, tất tần tật sở thích của thành viên này được thành viên khác lưu nhớ. Khi cả nhà ngồi vào bàn đầy đủ, người này, người kia sẽ nhắc:  Cái cổ, cái cánh dành cho con H., gan cho ông, đùi ưu tiên cho đứa nhỏ nhất mâm,… Miếng mề và miếng ức đã được cậu lột sạch da dành qua phần tôi.

Có năm tôi bận rộn, không về Tết ăn bữa cơm với ông bà được, khi cậu từ quê quay về Vinh, trong gói quà quê có gói xôi vò nho nhỏ bà làm, cùng mề gà và miếng ức nhỏ để phần. Cũng hơn hai mươi năm nhưng gói xôi vò, thịt gà cậu phần tôi vẫn như mới vừa năm kia, năm trước.

Khu phố nhà tôi ở dạo nhỏ, mỗi người một quê. Hàng xóm đến từ Nam Đàn, Nghi Lộc, gia đình tôi từ Đô Lương. Ngày ba mươi Tết mọi người vẫn có thói quen dậy sớm, chạy xe máy về quê ăn cơm với ông bà bữa cơm đoàn viên, chiều lại trở về thành phố để lo cúng Giao Thừa. Nhiều năm, tôi vẫn thích đứng từ sân nhà nhìn ra ngã tư đường bên cạnh. Buổi sáng, nườm nượp người xe xuôi về Hưng Nguyên, Nam Đàn, trong khi bố mẹ cũng rục rịch đồ đoàn về Đô Lương. Buổi chiều, vẫn nườm nượp xe quay lại phố, gà vịt, bánh trái treo đầy phía trước – chỉ nhìn qua là biết quà quê mang theo.

Trong lỉnh kỉnh túi xách của mẹ, bao giờ cũng mang theo cá thu nướng thơm phức biếu các bà, các cụ yếu răng. Và chiều về, kiểu gì cũng có thêm bánh chưng ông nấu, con gà bà nuôi, thêm những rau trái vừa hái xanh nõn trong vườn bà. Năm nào cũng như năm nào, cả ngày ba mươi bận rộn bao việc vẫn gác lại để dành cho việc quan trọng nhất, về quê ăn với ông bà, anh chị em bữa cơm đoàn viên.

Xẩm tối ba mươi là lúc hàng xóm í ới gọi tặng nhau tấm bánh chưng quê, vài búp xà lách, chục trứng gà quê… Mâm cơm đêm Ba mươi, bố tôi trêu, nhìn như Hợp chủng quốc khi có giò me Nam Đàn, bánh đa Đô Lương, cá nục Nghi Lộc… Khi những thịt thà ngán ngấy trong mâm cao cỗ đầy thì mâm cơm toàn quà quê ngày Tết ấy trở nên ngon lành chi lạ. Hôm kia nhắc chuyện cũ, hỏi bố bây giờ phố mình còn vậy không? Bố nói, vẫn còn. Chợt thấy lòng bình yên quá khi bao năm mà những niềm sẻ chia bình dị, lấp đầy yêu thương vẫn ở đó.

Tôi đã xa những bữa cơm đoàn viên nhiều thế hệ nhiều năm.

Tôi cũng xa mâm cơm vun vén từ quà quê “trông như Hợp chủng quốc” nhiều năm.

Mâm cơm Tết nhà ông bà dần khác xưa nhiều khi những người già về miền mây trắng, trẻ con khi xưa lớn lên làm bố làm mẹ, những thế hệ trẻ con khác ra đời.

Mẹ đi xa, bố tôi thường chọn hướng đi ngược vào miền Nam ăn Tết cùng con cháu, vì thương con cái lít nhít kéo nhau chen chúc về xứ Nghệ. Bữa cơm gia đình không sắp nhiều mâm như những lần về quê ngoại, quê nội. Không ai nhắc “con Hương Tèo thích mề ga, thích cơm cháy…”. Mâm cơm tính cả con cháu và ông cũng chỉ năm người. May quá kỷ niệm về những bữa cơm ngày Tết cũ xưa còn như mới nguyên ở đó, như thêm chút gia vị lạ cho những đứa nhỏ lớn lên, như thêm ngọt ngào cho người lớn. Không phải là những mâm cao cỗ đầy làm ta nhớ đến, mà chính là những gia vị yêu thương ấy mà thôi.