"Bức tranh" công nghiệp: Gam màu xám

04/12/2013 17:25

(Baonghean) - Dù đã có dấu hiệu phục hồi nhưng sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức mua giảm, tồn kho cao khiến giá trị sản xuất công nghiệp của Nghệ An không đạt so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước thì kết quả mà tỉnh đạt được là đáng phấn khởi.

Sản xuất đá trắng xuất khẩu ở Qùy Hợp.
Sản xuất đá trắng xuất khẩu ở Qùy Hợp.

TIN LIÊN QUAN

Sau hơn 2 năm “vật lộn” trong cơn khủng hoảng kinh tế chung của cả nước và thế giới, sang năm 2013, tình hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phục hồi. Một số sản phẩm có tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như bia, điện sản xuất, sữa tăng khá. Nhiều dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động như Dự án Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Khe Bố, Nhà máy may Hanosimex, Nhà máy may MLB Tenegry, Nhà máy nhựa Tiền Phong...

Những đóng góp không nhỏ đến giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh phải kể đến lĩnh vực thủy điện. Năm 2013, sản lượng điện sản xuất đạt 2.553 triệu KWh, tăng 89,83%; sản lượng điện thương phẩm đạt 1.500 triệu KWh, tăng 5,12% do Thủy điện Hủa Na, Thủy điện Khe Bố và Thủy điện Nậm Mô bắt đầu hòa lưới điện quốc gia. Mặc dù lưu lượng nước các hồ chứa thủy điện đang ở mức thấp nhưng sản lượng điện vẫn tăng mạnh. Hiện trên địa bàn tỉnh đã có 22 dự án thủy điện đã, đang thực hiện đầu tư. Trong đó, đã có 7 dự án hoàn thành đưa vào vận hành có tổng công suất 638,5MW.

Có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của các DN trong việc tìm kiếm thị trường, bạn hàng mới, tiết kiệm chi phí sản xuất…, một phần là nhờ những giải pháp của tỉnh đề ra nhằm giúp đỡ các DN. Từ đầu năm, ngành Công thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp kích cầu, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu. Hiện sàn giao dịch thương mại điện tử đã ra mắt được 8 tháng và thu hút được hơn 1.200 sản phẩm và gần 150 DN tham gia.

Bên cạnh đó, Sở Công thương đã xây dựng được 2 trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và năng lượng. Đây là giải pháp nhằm quảng bá hình ảnh cũng như sản phẩm cho các DN. Để thu hút các dự án may mặc, Sở đã sử dụng nguồn quỹ khuyến công quốc gia để đào tạo nghề may cho 500 lao động; đào tạo nghề dệt thổ cẩm tại 3 huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông. Hỗ trợ từ nguồn quỹ khuyến công địa phương cho 42 đề án với tổng kinh phí 2,167 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những khó khăn vẫn đeo bám khiến cho tình hình sản xuất công nghiệp của tỉnh chịu không ít sức ép. Dự ước cả năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 26.202 tỷ đồng, tăng 8,83%, thấp hơn năm 2012 là 10,18%. Như vậy, chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp không đạt so với kế hoạch mà HĐND tỉnh đề ra là 10-11%, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp sẽ khó cán đích theo Nghị quyết 17 giai đoạn 2011-2015.

Ảm đạm nhất phải kể đến nhóm sản phẩm chủ lực theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII như xi măng, đá trắng xuất khẩu. Huyện Quỳ Hợp có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và chế biến xuất khẩu đá trắng nhưng nếu nhìn lại con số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động từ đầu năm đến nay trên địa bàn huyện mới thấy được tình hình khó khăn thế nào. Ông Phan Công Sen, Trưởng phòng Công thương huyện Qùy Hợp cho biết: Trong vòng 1 năm qua, hơn 50% số doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, số còn lại thì hoạt động cầm chừng và rất ít doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nguyên nhân chính là giá cả sản phẩm xuống thấp, hàng không bán được. Từ tháng 6 đến nay, giá quặng thiếc giảm còn 20.000 USD/tấn, giảm 4.000 USD/tấn, trong khi, giá thiếc chỉ cần giảm xuống dưới 22.000 USD/tấn là DN thua lỗ nặng nề.

Tương tự đối với sản phẩm xi măng, theo kế hoạch đề ra, sản lượng xi măng năm 2013 đạt 1,5 triệu tấn nhưng đến tháng 11 chỉ đạt hơn 1 triệu tấn, dự ước đến hết năm tăng lên 1.442 tấn nhưng vẫn chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Hiện tại, tổng công suất xi măng của 4 nhà máy Hoàng Mai, Cầu Đước, Dầu khí 12/9 và Hợp Sơn đạt 1,648 triệu tấn. Hiện Công ty CP xi măng Hoàng Mai khởi công dây chuyền 2, Nhà máy xi măng Tân Thắng, xi măng Dầu Khí đang triển khai xây dựng thì tổng sản phẩm xi măng đến năm 2015 chỉ đạt khoảng 2,5 - 3 triệu tấn, thấp xa so với mục tiêu mà Nghị quyết đề ra là đến năm 2015 đạt 6,4 triệu tấn. Theo dự báo, thị trường xi măng hiện đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do tình hình xây dựng giảm mạnh, sản phẩm của nhiều nhà máy tồn kho.

Năm 2013 được đánh giá là một năm khó khăn đối với hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Hầu hết, các doanh nghiệp đều thiếu vốn để sản xuất nhưng rất khó tiếp cận được với các nguồn vốn vay của ngân hàng do không đáp ứng được các điều kiện vay vốn và thiếu phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Trong khi đầu ra ảm đạm, tồn kho tăng cao, giá cả các yếu tố đầu vào như xăng dầu, gas, điện nước tăng khiến cho hiệu quả sản xuất bị sụt giảm. Đến hết tháng 10/2013, toàn tỉnh có 231 doanh nghiệp tạm ngừng, nghỉ kinh doanh; 885 doanh nghiệp đóng mã số thuế và hàng chục doanh nghiệp đang nợ đọng thuế đến 726 tỷ đồng. Ông Hoàng Trác Hội - Giám đốc Công ty CP khai thác đá Thanh Xuân (Qùy Hợp) cho biết: Do giá đá trắng giảm mạnh, cộng với sức tiêu thụ kém nên tình hình xuất khẩu của công ty giảm 30%. Trước đây, mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 250 tấn nhưng từ đầu năm đến nay, công ty chỉ xuất được 150 tấn. May mắn là công ty có những bạn hàng quen thuộc nên sản phẩm vẫn được tiêu thụ giúp công ty hoạt động ổn định.

Ông Nguyễn Văn Thế, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công thương) cho biết: Nhiều chỉ tiêu công nghiệp trong năm chưa đạt là do năng lực đầu tư mới của các dự án khi đưa vào hoạt động còn thấp, chưa phát huy được hiệu quả trong năm nay. Chẳng hạn, đối với sản phẩm bia, sản lượng vẫn chưa tăng; xi măng thì đang trong quá trình đầu tư; mía đường sản lượng ổn định nhưng giá cả lại giảm nên giá trị sản xuất cũng giảm theo. Cùng với đó là những khó khăn chung của cả nước như thị trường tiêu thụ khó khăn; cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 khiến cho ngành xây dựng và bất động sản bị tê liệt trong thời gian dài. Ngoài ra, hầu hết các DN trên địa bàn đều ở quy mô nhỏ và vừa; công nghệ sản xuất tại các nhà máy lạc hậu dẫn tới năng suất thấp, giá thành cao, khó tìm kiếm đầu ra cũng là những nguyên nhân dẫn tới chỉ tiêu tăng trưởng của ngành công nghiệp chưa đạt kế hoạch.

Trong năm 2013, công tác thu hút đầu tư ghi dấu ấn mạnh mẽ. Tuy nhiên, những dự án này mới được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động trong thời gian ngắn nên chưa tạo được bước đột phá mạnh đối với sản xuất công nghiệp. Dự kiến, trong năm 2014, các dự án này sẽ đi vào hoạt động ổn định và tạo ra một khối lượng hàng hóa lớn đang là kỳ vọng giúp nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Bằng

Mới nhất
x
"Bức tranh" công nghiệp: Gam màu xám
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO