Xã hội

Bước tiến mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An

Công Kiên 26/09/2024 06:27

Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có những bước khởi sắc rõ rệt, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất, kinh doanh.

daihoidtts-cover.png

Công Kiên • 25/09/2024

Trong những năm qua, đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Nghệ An có những bước khởi sắc rõ rệt, người dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực chăm lo sản xuất, kinh doanh.

daihoidtts-tit1.png

Việc phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và đạt được nhiều kết quả tích cực, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số - miền núi đạt 34 triệu đồng/năm.

Lãnh đạo tỉnh trò chuyện với bà con các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Công Kiên
Lãnh đạo tỉnh trò chuyện với bà con các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn. Ảnh: Công Kiên

Việc huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số - miền núi được quan tâm nhiều hơn, tỉnh đã bố trí ngân sách hỗ trợ cho các địa phương giải quyết các nhu cầu về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Tổng vốn ngân sách hỗ trợ đầu tư phát triển cho vùng dân tộc thiểu số - miền núi giai đoạn 2016-2020 hơn 13.400 tỷ đồng, tăng 1,3 lần so với giai đoạn 2011-2015. Giai đoạn 2021 - 2025 theo kế hoạch đầu tư công trung hạn là 8.859 tỷ đồng.

Kết cấu hạ tầng không ngừng được tăng cường và phát huy hiệu quả. Hàng năm tỉnh đã tập trung ưu tiên nguồn vốn từ ngân sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi. Về giao thông, tập trung ưu tiên nguồn lực hoàn thành nhiều công trình trọng điểm ở khu vực miền núi, nổi bật là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 7, Quốc lộ 48, đầu tư xây dựng Quốc lộ 46 từ đường Hồ Chí Minh đi Cửa khẩu Thanh Thủy, đường Tây Nghệ An (nay là Quốc lộ 16), đường Châu Thôn - Tân Xuân…

Thi công tuyến đường Hương - Phú - Hành ở huyện Tân Kỳ. Ảnh Xuân Hoàng
Thi công tuyến đường Hương Sơn - Phú Sơn - Nghĩa Hành ở huyện Tân Kỳ. Ảnh: Xuân Hoàng

Việc cấp điện lưới quốc gia đến các thôn, bản được triển khai tích cực. Từ năm 2018 đến 2020 đã cấp điện cho 38 thôn, bản ở các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp, Thanh Chương, Anh Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 101 tỷ đồng. Năm 2020-2021, cấp điện cho 81 thôn, bản trên địa bàn 12 xã ở 4 huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong, với tổng mức đầu tư hơn 222 tỷ đồng.

Hạ tầng thông tin và truyền thông tiếp tục được quan tâm đầu tư ở các khu vực biên giới, nhất là hạ tầng thông tin di động. Các thôn, bản vùng dân tộc thiểu số đã được đầu tư hệ thống đài truyền thanh cơ sở, đài truyền thanh ứng dụng công nghệ - viễn thông. Mở rộng phủ sóng truyền hình đến 100% địa bàn thôn, bản trong toàn tỉnh; tỷ lệ người dân được nghe phát thanh, xem truyền hình ngày càng tăng, các thôn, bản đã có sóng điện thoại di động, Internet.

Bản Noọng Dẻ, xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

Bộ mặt nông thôn miền núi có bước chuyển biến tích cực, các cấp, các ngành đã coi trọng phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu để đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông, lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được các cấp, ngành quan tâm triển khai thực hiện, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều mô hình, điển hình sản xuất, hợp tác kinh doanh hiệu quả như: Phát triển đàn trâu, bò, lợn, dê, gà đen, cá lồng; trồng tập trung vùng nguyên liệu mía, cà gai leo, gừng dưới tán rừng, bí xanh, bobo, ngô mật độ cao, rau an toàn; khoanh nuôi bảo vệ rừng, cải tạo rừng nghèo kiệt có hiệu quả kinh tế, trồng tràm, keo,... diện tích rừng đạt tỷ lệ che phủ cao trên 80%...

Phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Con Cuông và nghề đan lát ở Con Cuông; Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong kiểm tra các ruộng lúa Japonica ở xã Tri Lễ; Phụ nữ dân tộc Mông ở Huồi Tụ (Kỳ Sơn) hái chè shan tuyết. Ảnh: Xuân Nhường - Thành Cường - Hoài Thu
Phát triển nghề dệt thổ cẩm và đan lát ở huyện Con Cuông; Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Quế Phong kiểm tra các ruộng lúa Japonica ở xã Tri Lễ; Phụ nữ dân tộc Mông ở xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn) hái chè shan tuyết. Ảnh: Xuân Nhường - Thành Cường - Hoài Thu

Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được các ngành, các cấp quan tâm. Một số di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được đồng bào các dân tộc gìn giữ và phát huy tốt trong đời sống cộng đồng như: Dân tộc Thổ với điệu đu đu điềng điềng, lễ xuống đồng, mừng cơm mới; dân tộc Thái có chữ Thái cổ, kho tàng truyện cổ, các điệu múa, nhuôn, lăm, khắp, xuối, nghề dệt thổ cẩm; dân tộc Khơ Mú có hát tơm, re ré, nghề đan lát mây tre; dân tộc Mông có hát kể, cự xia, lù tẩu, nhạc cụ khèn, kèn, đàn môi, sáo, nghề rèn...

Bà con dân tộc Thái xã Thành Sơn (Anh Sơn) vui hội khắc luống. Ảnh: Đình Tuyên
Bà con dân tộc Thái xã Thành Sơn (Anh Sơn) vui hội khắc luống. Ảnh: Đình Tuyên

Công tác giáo dục và đào tạo được thực hiện bài bản, hiệu quả với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hệ thống trường, lớp được quan tâm đầu tư xây dựng, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học; chất lượng giáo dục đại trà có nhiều chuyển biến tích cực; chất lượng mũi nhọn ngày càng nâng lên, chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có nhiều chuyển biến tích cực.

Mạng lưới khám, chữa bệnh được hoàn thiện từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, phát triển đồng đều cả hệ thống y tế công lập và y tế tư nhân. Năng lực, chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh được nâng lên. Các chỉ tiêu về y tế đều tăng so với năm 2019, như: Số bác sĩ/10.000 dân tăng từ 8,2 bác sĩ lên 12,8 bác sĩ. Trong đó, số bác sĩ là người dân tộc thiểu số tăng từ 397 người lên 556 người; số giường bệnh/10.000 dân tăng từ 34 giường lên 38,2 giường bệnh/10.000 dân.

Trường THPT Kỳ Sơn; Một tiết học ở Trường THPT Quỳ Châu; Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn. Ảnh: Thành Cường - Đình Tuyên
Trường THPT Kỳ Sơn; Một tiết học ở Trường THPT Quỳ Châu; Trạm Y tế thị trấn Kim Sơn (Quế Phong). Ảnh: Thành Cường - Đình Tuyên
daihoidtts-tit2.png

Bên cạnh những thành quả trong thực hiện chính sách dân tộc, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia cũng mang lại những kết quả nổi bật. Trước hết, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, tổng nguồn lực đã giao từ năm 2022 đến năm 2024 là hơn 3.874 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương đã giao là hơn 1.923 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ đất ở đối với 31 hộ, hỗ trợ nhà ở đối với 632 hộ, hỗ trợ đất sản xuất đối với 725 hộ và đầu tư xây dựng 497 dự án, công trình. Bao gồm 4 dự án định canh định cư, 171 công trình giao thông nông thôn, 96 công trình giáo dục và đào tạo, 57 công trình nước sinh hoạt tập trung, 2 trung tâm y tế huyện và 15 trạm y tế xã, 21 công trình thủy lợi, 3 công trình điện, 116 công trình thiết chế văn hóa, 2 trạm phát thanh, 10 chợ nông thôn.

Chợ phiên Mường Chon, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Thành Cường
Chợ phiên Mường Chon, xã Bình Chuẩn (Con Cuông). Ảnh: Thành Cường

Triển khai hỗ trợ cho 16 nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số; xây dựng 1 mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc thiểu số; tổ chức 4 hoạt động bảo tồn các môn thể thao truyền thống; xây dựng 10 tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi; hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 điểm đến du lịch vùng dân tộc thiểu số và xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao tại 14 thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số - miền núi.

Với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nguồn vốn ngân sách Trung ương giao giai đoạn 2021-2023 là trên 916 tỷ đồng để thực hiện các nội dung: Bố trí xây dựng 48 công trình, trong đó có 43 công trình lĩnh vực giao thông, thủy lợi, giáo dục, văn hóa; xây dựng 179 mô hình cho 9.864 hộ dân tham gia. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho 9.790 trẻ em dưới 5 tuổi và 623 phụ nữ mang thai; tư vấn dinh dưỡng cho 9.105 bà mẹ có con dưới 5 tuổi, 1.312 trẻ em được theo dõi và quản lý suy dinh dưỡng cấp tính tại cộng đồng; tổ chức đào tạo nghề cho 4.724 lao động. Hỗ trợ xây mới 1.437 căn nhà cho 838 hộ nghèo, 599 hộ cận nghèo; sửa chữa 309 căn nhà cho 198 hộ nghèo và 111 hộ cận nghèo...

bna_ Thành Duy.jpg
Những ngôi nhà thực hiện từ nguồn vận động của lực lượng Công an đã hoàn thành bàn giao cho hộ nghèo bản Châu Sơn, xã Châu Khê, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa khắp khu vực miền Tây Nghệ An. Qua đó, đã giúp người dân chủ động quan tâm về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thành lập các tổ nhóm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như ở xã khu vực III và các xã biên giới trên địa bàn các huyện miền núi. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản và gắn với du lịch cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa bản làng như: Xã Yên Khê (Con Cuông); xã Châu Tiến (Quỳ Châu),...

Đến 30/6/2024, vùng dân tộc thiểu số - miền núi có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa hoàn thành năm 2015).

Xã nông thôn mới Hữu Kiệm (Kỳ Sơn). Ảnh tư liệu: Duy Khánh

Giai đoạn 2024 - 2029, tỉnh sẽ tranh thủ tối đa các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh dành cho vùng dân tộc thiểu số - miền núi. Tích cực đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so với bình quân chung của cả nước. Đồng thời, giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển…”.

Đồng chí Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Một góc xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Sách Nguyễn
Một góc xã Môn Sơn (Con Cuông). Ảnh: Sách Nguyễn
Mới nhất
x
x
Bước tiến mới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO