Bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới

12/10/2015 16:02

(Baonghean) - Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam vươn lên thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, trở thành nước phát triển, thu hút 19 nghìn dự án đầu tư nước ngoài. Với Hiệp định TPP vừa kết thúc đàm phán ngày 5/10 vừa qua, Việt Nam chính thức bước vào một giai đoạn mới, trong đó, vai trò của nhà đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế Việt Nam hết sức quan trọng.

Trong giai đoạn 1986 - 2010, GDP của Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao, với mức bình quân tăng khoảng 7%/năm. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm vừa qua, nhưng trong giai đoạn 2011 - 2015, Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng GDP bình quân đạt khoảng 6%/năm theo hướng tăng dần qua từng năm. Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2015, GDP của Việt Nam tăng 6,5% và cả năm 2015 dự kiến đạt trên 6,5%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay và là một trong số rất ít các quốc gia duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục và khá cao trong giai đoạn này.

Theo báo cáo của Giám đốc WB tại Việt Nam, thì Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao thứ 2 thế giới trong suốt 20 năm qua. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế không ngừng tăng lên. Trong đánh giá tổng kết Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc (MDGs), tháng 9/2015 tại New York, Việt Nam là quốc gia được đánh giá hoàn thành trước thời hạn nhiều mục tiêu MDGs.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư hiệu quả

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới, với sức mua và quy mô thị trường Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2015, GDP bình quân đạt khoảng 2.230 USD/người, tính theo ngang giá sức mua (PPP) đạt trên 5.600 USD. Đến nay, tổng vốn đăng ký của đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đạt khoảng 270 tỷ USD, với hơn 19 nghìn dự án đang hoạt động của các nhà đầu tư đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ, số vốn đã giải ngân đạt 135 tỷ USD.

Trong 9 tháng đầu năm 2015, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, tăng 53% so với cùng kỳ và số vốn FDI giải ngân đạt gần 10 tỷ USD, tăng hơn 8% so với năm 2011. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đang đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam.

Hệ thống lò hơi tại nhà máy Bia Sài Gòn Sông Lam
Hệ thống lò hơi tại nhà máy Bia Sài Gòn Sông Lam ( ảnh minh họa)

Thực hiện chính sách chủ động hội nhập quốc tế, Việt Nam đang cùng các nước thành viên nỗ lực hoàn thành mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, một thị trường năng động với quy mô 625 triệu dân, GDP khoảng 2.500 tỷ USD, có tốc độ tăng trưởng khá cao, dự kiến đến năm 2030 tổng GDP của ASEAN sẽ đạt 10 nghìn tỷ USD. Việt Nam đã ký 8 hiệp định thương mại tự do (FTA), đầu năm 2015 đã ký các Hiệp định FTA với Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEU), và là nước đầu tiên trong ASEAN kết thúc đàm phán và dự kiến ký Hiệp định FTA với Liên minh châu Âu (EU) vào cuối năm 2015; đến nay đã kết thúc đàm phán với 11 nước đối tác về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo đó, các Hiệp định FTA mở ra không gian thương mại tự do rộng lớn giữa Việt Nam với 55 đối tác, bao gồm tất cả thành viên nhóm G7 và 15 thành viên của G-20.

Thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường tài chính

Tuy nhiên, những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Vì vậy, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp cụ thể để vượt qua thách thức và những hạn chế của chính mình, tranh thủ hiệu quả các cơ hội thuận lợi cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới. Trong đó, việc quan tâm phát triển thị trường tài chính rất được chú trọng với việc tiếp tục thay đổi, bổ sung những chính sách, sản phẩm dịch vụ phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế đối với thị trường này.

Theo đó, đã ban hành và thực hiện quy định về mở rộng tỷ lệ sở hữu (nới room) cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán; không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN; nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại quỹ đầu tư chứng khoán và công ty đầu tư chứng khoán đại chúng từ 49% lên 100% cùng nhiều nội dung mang tính “mở” và tạo thuận lợi cho DN nước ngoài tham gia. Nỗ lực của Chính phủ nhằm hoan nghênh các DN nước ngoài đến đầu tư, kinh doanh ổn định, lâu dài tại Việt Nam, khẳng định thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của Việt Nam.

Đánh giá về vai trò của nhà đầu tư chiến lược và sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài của Chính phủ cho thấy, về cơ chế chính sách đối với các nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ luôn xác định việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước. Thời gian qua, cơ chế về CPH DNNN luôn được Chính phủ Việt Nam quan tâm và hoàn thiện theo hướng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, mua cổ phần, bên cạnh đó việc thực hiện CPH phải đảm bảo công khai, minh bạch, các nhà đầu tư khi tham gia mua cổ phần phải được tiếp cận thông tin đầy đủ về tình hình DN...

Theo chính sách của Chính phủ Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia mua cổ phần với tư cách là nhà đầu tư chiến lược (trên cơ sở đảm bảo các điều kiện xác định là nhà đầu tư chiến lược) hoặc nhà đầu tư thông thường, khi các doanh nghiệp CPH bán cổ phần lần đầu (IPO). Để khuyến khích các nhà đầu tư, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định ưu đãi, trong đó, có quy định ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược khi CPH DNNN.

Đáng lưu ý là với nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của cấp có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với DN và hỗ trợ DN sau CPH, có thể xem xét bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi tiến hành IPO. Với quy định mới về việc bán cổ phần theo lô mới được ban hành gần đây, nhà đầu tư có thể mua với lượng cổ phần lớn hơn, tạo điều kiện cho nhà đầu tư (trong đó có cả nhà đầu tư nước ngoài) được mua với số lượng cổ phần lớn theo lô.

Bên cạnh đó, với việc nới lỏng hoặc xóa bỏ tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong việc thực hiện CPH, nhà đầu tư nước ngoài cũng được tạo điều kiện đầu tư tốt hơn. Theo đó, với các tỷ lệ hạn chế đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào SX - KD tại DN, Nhà nước được đầu tư vốn vào 4 lĩnh vực DN ngoài nhà nước không được làm hay không muốn làm, chưa đủ sức làm, các ngành có liên quan đến cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, các lĩnh vực này sẽ được quy định cụ thể, công khai theo từng giai đoạn theo hướng nếu Nhà nước quản lý được, thành phần kinh tế ngoài nhà nước làm được thì nhà nước sẵn sàng rút lui để DN và nhà đầu tư tham gia. Ngoài ra, còn có sự đánh giá mới, rõ nét hơn về vai trò của ngân hàng nước ngoài, nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chiến lược trong quá trình CPH DNNN.

Trong các năm gần đây, Bộ Tài chính đã thực hiện các đợt xúc tiến đầu tư tại nước ngoài (như đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản năm 2014 và tại Mỹ năm 2015…) nhằm tiếp xúc, trao đổi và cung cấp các thông tin cần thiết để các nhà đầu tư nước ngoài có đủ kênh thông tin chính thức trong việc phân tích, đánh giá, lựa chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đồng thời, với việc thực hiện công khai kế hoạch IPO và bán cổ phần nhà nước ra công chúng để các nhà đầu tư có điều kiện nghiên cứu, tham gia; thực hiện điều phối lịch biểu đấu giá bán cổ phần tại các Sở Giao dịch Chứng khoán nhằm điều tiết hợp lý nguồn cung hàng hóa và khả năng hấp thụ của thị trường, qua đó nâng cao hiệu quả bán cổ phần..., Chính phủ Việt Nam đã nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tham gia mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài để có biện pháp xử lý, giúp nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.

Sông Hồng

Mới nhất
x
Bước vào quỹ đạo tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO