Buồn và đau khi cán bộ, công chức hách dịch với dân

06/10/2017 08:14

Người dân, doanh nghiệp nộp thuế để vận hành bộ máy quản lý hành chính công nhưng chính những con người trong bộ máy ấy lại quay ra làm khó dân?

Thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cán bộ nhà nước có hành vi côn đồ như xô xát, hành hung người dân hoặc cấp dưới. Gần đây nhất là vụ Trưởng công an xã đá thúng cá của dân. Trước đó, cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Kon Tum rút súng dọa bắn dân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình đánh lái xe vì lý do anh này đi nhầm đường; Cán bộ trật tự đô thị ở Hội An đánh dân vì...làm vấy bẩn giày… Những hành vi này đã và đang làm xấu đi hình ảnh của người cán bộ công chức.

khi can bo cong chuc hach dich voi dan hinh 1
Hình ảnh trưởng công an xã đá bay thúng cá của người dân khiến dư luận bất bình.

Ngay giữa Thủ đô Hà Nội cũng đã có những hình ảnh không văn minh về lối hành xử của cán bộ, công chức với người dân. Như vụ cấp giấy chứng tử cho người dân ở phường Văn Miếu; một cán bộ đánh thầy giáo ngoài 70 tuổi thâm tím mặt mày.

Trước hàng loạt những vụ việc phản cảm xảy ra thời gian qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã phải thừa nhận: “Điểm yếu nhất trong việc thực hiện cải cách hành chính của thành phố hiện nay là trình độ, thái độ, tác phong của một số người đứng đầu, cán bộ, chuyên viên tại bộ phận một cửa của cấp phường, xã còn nhiều hạn chế, thậm chí yếu kém và hách dịch. Đây là những cán bộ, chuyên viên trực tiếp thụ lý hồ sơ, giao tiếp với dân nên vô hình chung đã tạo ra hình ảnh "người cán bộ" không đẹp trong mắt người dân”.

Trình độ, thái độ, tác phong là những yếu tố cơ bản, cần thiết và quan trọng nhất đối với một cán bộ, công chức làm việc trong hệ thống cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, những yếu tố này dường như đang bị xem nhẹ và nếu có thì hàm lượng vẫn chưa đủ. Khi có công việc phải giải quyết, nhiều người phải đi “đường vòng”, đi cửa sau hoặc phải cậy nhờ các mối quan hệ thân quen thì mới xúc tiến được.

Rõ ràng, người dân, doanh nghiệp nộp thuế để vận hành bộ máy quản lý hành chính công. Thế nhưng, những con người vận hành bộ máy ấy lại quay lại làm khó chính những người đã trả tiền nuôi mình. Đó là một thực tế cần thay đổi.

Chúng ta đang bàn nhiều đến cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, làm gọn nhẹ bộ máy. Trong hệ thống có rất nhiều người đang nhàn rỗi, “ăn lẹm” vào phần thù lao của những người làm việc thực sự. Chính vì thế, để giải quyết bài toán hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển, cải cách tiền lương, chúng ta cần quyết tâm đạt mục tiêu: Không cần nhiều, không cần đông, chỉ cần những con người đạt chuẩn thì công việc sẽ “chạy”.

Như hiện nay, với một bộ máy cồng kềnh trả lương theo cách “cào bằng” đã khiến cho cả hệ thống trì trệ. Thước đo, thang bảng đánh giá chất lượng công việc, con người chưa chính xác, thiếu công bằng và chưa minh bạch nên không rạch ròi được người làm được việc, người có phẩm chất, năng lực tốt với những người lười biếng “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Vào tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về kỷ luật, kỷ cương hành chính bao gồm cả giám sát từ phía nhân dân; về văn hóa công sở; về trách nhiệm và đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, công vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những hành vi thiếu văn hóa, côn đồ của cán bộ, công chức lại có xu hướng gia tăng. Dường như chế tài răn đe, xử phạt vẫn còn bị buông lỏng?

Người dân mong gì ở những cán bộ công chức? Ngoài sự thân thiện, lịch thiệp cần phải có tác phong đúng mực, phù hợp quy tắc ứng xử. Chỉ cần làm tốt điều này, người dân sẽ tin tưởng, gần gũi với đội ngũ công chức hơn./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Buồn và đau khi cán bộ, công chức hách dịch với dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO