Burkini - bộ đồ bơi 'không đơn giản'

31/08/2016 10:31

(Baonghean) - Thời gian gần đây, cái tên burkini trở nên phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng khi nó bị cấm tại nhiều bãi biển của Pháp. Có lẽ chưa bao giờ một bộ trang phục lại có thể ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống đến vậy…

Burkini là gì?

Burkini là một loại trang phục bơi dành cho phụ nữ Hồi giáo, che kín cánh tay, chân cũng như mái tóc của người mặc. Đối với người Hồi giáo thì việc mặc trang phục che kín 3 bộ phận tay, chân và tóc là dấu hiệu của sự khiêm nhường cũng như thể hiện đức tin của họ.

Người phụ nữ mặc trang phục burkini trên bãi biển Marseille, Pháp. Ảnh: Guardian
Người phụ nữ mặc trang phục burkini trên bãi biển Marseille, Pháp. Ảnh: Guardian

Burkini hay được dùng trong lúc bơi cũng như ở trên bãi biển, tên gọi của nó là sự kết hợp của từ “burqa” - 1 trang phục của người Hồi giáo và từ “bikini” có nghĩa là áo tắm.

Mặc dù chỉ là trang phục áo tắm được thiết kế riêng cho phụ nữ Hồi giáo, tuy nhiên burkini đã bị cấm tại nhiều thành phố ven biển của Pháp như Cannes, Villeneuve-Loubet với lý do không phù hợp với giá trị, luật pháp liên quan đến chủ nghĩa thế tục (chủ nghĩa hạn chế sức ảnh hưởng của tôn giáo tới một số lĩnh vực, tạo ra một nhà nước trung lập về niềm tin tôn giáo) hay do lo sợ nguy cơ khủng bố. Mỗi trường hợp vi phạm có thể bị buộc phải cởi bỏ một phần trang phục hay phạt tiền vào khoảng 38 Euro.

Trên thực tế, đã có một vài phụ nữ mặc Burkini bị phạt với lý do mà cảnh sát đưa ra là trang phục không tôn trọng đạo đức cũng như chủ nghĩa thế tục. Các lệnh cấm này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng căng thẳng đang diễn ra ở Pháp khi mà các vụ tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan liên tục nhằm vào nước này, mới đây nhất là vụ tấn công bằng xe tải tại thành phố Nice làm 85 người thiệt mạng mà kẻ tấn công là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Ngoài ra, trang phục của người Hồi giáo cũng là vấn đề hay gây ra các tranh luận tại Pháp, quốc gia châu Âu đầu tiên cấm mặt nạ che mặt nơi công cộng vào năm 2010 và cấm khăn trùm đầu tại các trường công vào năm 2016.

Ý kiến trái chiều

Mặc dù được cho là để đảm bảo an ninh và giảm thiểu nguy cơ khủng bố, tuy nhiên lệnh cấm Burkini đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối khác nhau. Aheda Zanetti, một nhà thiết kế áo tắm người Australia cho rằng, không thể xử phạt phụ nữ khi họ mặc Burkini một trang phục đại diện cho sự tự do, khỏe khoắn và thú vị.

Hơn nữa, Burkini không chỉ dành riêng cho người Hồi giáo, nó có thể được mặc bởi bất cứ ai, bất cứ tôn giáo nào, người ta lựa chọn trang phục này với mục đích bảo vệ làn da. Còn Michael Leiter, cựu Giám đốc trung tâm chống khủng bố quốc gia Mỹ cho rằng, lệnh cấm Burkini có thể gây ra sự chia rẽ trong nước và tăng nguy cơ khủng bố.

Biểu tình chống lệnh cấm burkini trước đại sứ quán Pháp tại London. Ảnh: Twitter
Biểu tình chống lệnh cấm burkini trước đại sứ quán Pháp tại London. Ảnh: Twitter

Trong khi đó, Thị trưởng thành phố London Sadiq Khan, cũng là một người Hồi giáo đã lên án lệnh cấm: “Không ai có thể quy định những gì phụ nữ được mặc hay không thể mặc, cần chấm dứt ngay các điều luật này”.

Mới đây, một cuộc biểu tình phản đối lệnh cấm Burkini cũng đã diễn ra vào tuần trước ở đại sứ quán Pháp tại London. Khoảng 40 người đã tụ tập, khoác trên mình trang phục Burkini và tổ chức một bữa tiệc bãi biển ngay trước đại sứ quán Pháp. Thông qua hành động này, những người biểu tình muốn gửi thông điệp của tinh thần đoàn kết và ủng hộ đến phụ nữ Hồi giáo - những người được cho là yếu thế trong xã hội.

Câu hỏi pháp lý

Trong bối cảnh nhiều chỉ trích nổi lên sau lệnh cấm, tuần qua, tòa án hành chính tối cao của Pháp đã đưa ra phán quyết rằng các lệnh cấm là trái pháp luật. Các lệnh cấm được cho là “một sự vi phạm nghiêm trọng và rõ ràng bất hợp pháp đối với các quyền tự do căn bản”. Mặc dù vậy, hơn 20 thị trưởng các thành phố có lệnh cấm tuyên bố vẫn sẽ ban hành các quy định này, và chỉ có 2 thị trưởng thành phố Oye-Plages và Eze đồng ý gỡ bỏ, điều này khiến chính quyền nhà nước rơi vào một tình thế khó xử.

Bị cho rằng đang “đùa với lửa” nhưng thị trưởng thành phố Cannes, David Lisnard tuyên bố sẽ giữ nguyên lập trường, ông tuyên bố Burkini là tín hiệu của “Hồi giáo hóa trong xã hội”. Diễn biến trên khiến chính phủ Pháp gặp một vấn đề lớn về đảm bảo thượng tôn pháp luật khi xuất hiện sự chống đối từ các thị trưởng.

Về mặt lý thuyết, chính phủ có thể có các hành động buộc các thị trưởng rút lệnh cấm, đồng thời, các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết họ sẽ hành động bằng cách viện tới vai trò của các tòa án. Tuy nhiên, phe ủng hộ lệnh cấm vẫn bảo vệ quan điểm của mình, phản ứng trước phán quyết của tòa án.

Thủ tướng Manuel Valls nói rằng, nước Pháp cần một xã hội hiện đại và việc mặc Burkini có thể đối nghịch với ý tưởng đó. Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve tuyên bố, mặc dù nước ông không cần đến điều luật mới này nhưng người Hồi giáo vẫn cần tiếp tục tiến trình bình đẳng giới.

Kinh doanh được lợi

Các nhà thiết kế áo tắm cho biết, nhờ những lệnh cấm này mà mọi người chú ý đến sản phẩm của họ hơn. Theo bà Kausar Sacranie - người bán burkini qua thương hiệu Modestly Active, kể từ khi sản phẩm này nổi tiếng trên truyền thông, doanh số bán hàng của bà tăng lên 50%.

Trên thực tế, thị trường burkini đang trở nên sôi nổi những năm gần đây. Hãng bán lẻ Marks & Spencer có trụ sở tại Anh cho biết, những sản phẩm Burkini trở thành hàng tồn kho từ năm ngoái thì năm nay đã được bán hết vào dịp Hè vừa qua.

Ban đầu là một sáng kiến thời trang dành cho phụ nữ Hồi giáo có thể tắm biển mà không phạm vào các quy tắc của họ. Tuy nhiên, sản phẩm thời trang này đã gây ra những tranh cãi mà mầm mống của nó là từ khía cạnh chính trị, tôn giáo hay các xung đột.

Điều này có thể cho thấy sự mâu thuẫn, khác biệt giữa quan điểm của các quốc gia, tôn giáo vẫn còn là vấn đề nổi cộm không dễ gì thay đổi trên phạm vi toàn thế giới.

Phan Vũ

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Burkini - bộ đồ bơi 'không đơn giản'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO