Cá biển miền Trung tiêu thụ ổn định ở thị trường nước ngoài
Đến nay khách hàng nước ngoài chưa than phiền gì về chất lượng cá, tôm của miền Trung.
Trong khi người tiêu dùng trong nước lo lắng, thậm chí không dám ăn cá biển thì nhiều nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... vẫn tiêu thụ mạnh cá đánh bắt tại khu vực các tỉnh miền Trung. Nhờ đó tình hình xuất khẩu hải sản vẫn diễn ra thuận lợi.
Xuất khẩu thuận lợi
Những ngày qua, trước việc ngư dân đánh bắt cá về nhưng không có người mua và ế ẩm, ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty Thủy sản Bắc Đẩu, luôn có mặt tại âu thuyền Thọ Quang, Đà Nẵng để cùng nhân viên thu mua hải sản cho ngư dân.
Ông Chín nói: “Trong tình thế ngư dân đang gặp khó như hiện nay thì mình không thể làm lơ được. Cá do ngư dân đánh bắt về không bán được trong mấy ngày qua công ty đều thu mua, tất nhiên giá có giảm hơn so với trước đó. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng các chủ tàu, thương lái trong thời điểm khó khăn này”.
Việc thu mua hải sản để xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường. Trong ảnh: Nhân viên Công ty Thủy sản Bắc Đẩu thu mua hải sản tại âu thuyền Thọ Quang. |
Theo ông Chín, tàu cá của ngư dân đánh vùng biển xa về thì không thể có chuyện nhiễm độc nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn e ngại, không dám mua. Ngược lại, việc xuất khẩu vẫn diễn ra hết sức bình thường, không hề có biến động và các đơn hàng vẫn tiếp tục được đặt.
“Những sản phẩm hải sản mà chúng tôi thu mua đều được kiểm tra kỹ về chất lượng. Ngoài ra khi xuất khẩu sang các thị trường như Nhật, Hàn Quốc hay Trung Quốc thì họ đều kiểm tra lại rất khắt khe. Đến nay khách hàng nhập khẩu vẫn chưa có phản ứng nào về việc cá của chúng ta có vấn đề” - ông Chín khẳng định.
Tương tự, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho biết hằng năm công ty xuất khẩu đạt khoảng 100 triệu USD. Hiện nay việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Úc, Mỹ… vẫn diễn ra thuận lợi trước thông tin cá chết tại khu vực miền Trung. Thậm chí so với năm 2014-2015, dù giá xuất khẩu nói chung giảm 20%-25% nhưng giá thủy, hải sản của công ty vẫn tăng 10%.
Chủ tàu Lê Thị Hương ở quận Sơn Trà, Đà Nẵng cũng thông tin: Tàu của gia đình bà sau khi đánh bắt về bán cho các công ty xuất khẩu vẫn suôn sẻ như trước đây khi chưa có thông tin cá chết. Nhưng bán ra các chợ thì gặp khó khăn vì người dân vẫn còn lo sợ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam Trương Đình Hòe cho biết thêm: Giá trị xuất khẩu thủy sản bốn tháng đầu năm nay của nước ta đạt gần 2 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là bốn thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Ông Hòe nhận xét: “Các loại thủy sản Việt Nam được các nước ưa chuộng, dù có thông tin cá chết ở vùng biển một số tỉnh miền Trung nhưng việc nhập khẩu của các thị trường vẫn bình thường. Hàng xuất khẩu không chỉ được công ty trong nước kiểm tra chất lượng chặt chẽ mà các đối tác nước ngoài cũng có tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt”.
Phản ứng bình tĩnh, chuyên nghiệp
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh khẳng định đến thời điểm này những lô hàng xuất đi các nước vẫn an toàn, chưa hề có sự than phiền nào từ các đối tác.
“Các mặt hàng hải sản xuất khẩu của công ty đều được kiểm tra, kiểm nghiệm nghiêm ngặt. Ví dụ, phía các nhà nhập khẩu truy tận gốc từng lô hàng hải sản được đánh bắt ở vùng biển nào, từ tàu mang số hiệu bao nhiêu, có hợp pháp không… Tức hàng phải có chứng nhận xuất xứ. Không chỉ vậy, họ còn qua Việt Nam để kiểm tra chất lượng thường xuyên” - ông Lĩnh nhấn mạnh.
Trước câu hỏi đã có thị trường nhập khẩu nào lo lắng về thông tin cá biển miền Trung chết, ông Trần Văn Lĩnh cho hay: “Có vài nhà nhập khẩu hỏi về tình hình cá chết. Song sau khi được cung cấp đầy đủ thông tin chính thức, bao gồm cả thông tin do các cơ quan có thẩm quyền đưa ra, họ tin tưởng và tiếp tục mua hàng. Thực tế cho thấy khách hàng các nước như Mỹ, Úc, châu Âu… phản ứng trước thông tin cá chết hết sức bình tĩnh, chuyên nghiệp”.
Ngoài ra, theo ông Lĩnh, khi làm việc với các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt phải cam kết chất lượng và phải thiết lập vùng cung ứng an toàn. Không hề đơn giản để đưa một sản phẩm không đảm bảo chất lượng sang nước họ. Thậm chí một tên sản phẩm có lỗi thôi cũng đã bị triệu hồi sản phẩm. Họ yêu cầu phải có sự kiểm tra cấp nhà nước, cấp địa phương.
“Chưa hết, khi hàng vào nước họ thì các đối tác lại tiếp tục kiểm tra và các cơ quan chức năng của nước họ tiếp tục kiểm tra lần nữa. Vì vậy sản phẩm thủy, hải sản vào nước họ phải rất an toàn” - ông Trần Văn Lĩnh nói.
Theo Bình Định online
TIN LIÊN QUAN |
---|