"Cả đời tôi tâm niệm làm theo Bác"
(Baonghean.vn) - Nhân đón chào Xuân mới 2012, chúng tôi tìm hiểu những câu chuyện về bà. Bà Trương Thị Nhân, sinh năm 1926, tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải thuê tàu - một người con xứ Nghệ sống, làm việc nhiều năm trên đất Thủ đô. Bà Nhân được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011".
(Baonghean.vn) - Nhân đón chào Xuân mới 2012, chúng tôi tìm hiểu những câu chuyện về bà. Bà Trương Thị Nhân, sinh năm 1926, tại Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải thuê tàu - một người con xứ Nghệ sống, làm việc nhiều năm trên đất Thủ đô. Bà Nhân được vinh danh là "Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011".
Từ một lần được gặp Bác Hồ
Năm 1952, bà Trương Thị Nhân đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Nhà máy Trần Hưng Đạo và được cử đi dự Đại hội Chiến sỹ thi đua Toàn quốc lần thứ nhất. Thật vinh dự và tự hào, bà là người được lên tặng hoa cho Bác Hồ. Sau Đại hội, Bác vào Nhà máy thăm anh em cán bộ, công nhân. Bà Nhân kể: "Bác ân cần hỏi han về cuộc sống của chúng tôi, hỏi chúng tôi có gặp nhiều khó khăn trong công việc, trong sinh hoạt hay không?... Người dặn dò chúng tôi cố gắng học tập và làm việc thật tốt để giúp ích cho nước nhà. Cách nói chuyện thân tình và cởi mở của Bác làm chúng tôi xúc động vô cùng".
Bà Trương Thị Nhân trong Lễ vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2011
Bà nhớ như in lời Bác hỏi: "Có ai hỏi gì không?",để rồi bà có cơ hội được bày tỏ: "Thưa Bác, ở đây còn có người nói, những người làm văn phòng như chúng cháu là những người ăn bám?". Bác cười: "Không phải cháu ạ, những người công nhân là những người trực tiếp sản xuất, còn các cháu là người sản xuất gián tiếp". Rồi thật bất ngờ, Bác gật gật đầu, chỉ vào người Bác và nói tiếp: "Bác cũng là người gián tiếp sản xuất. Hai bác cháu mình cùng gián tiếp sản xuất". Vậy là tất cả mọi người cùng cười, thật vô cùng ấm cúng và gần gũi.
Lần gặp Bác năm 1952 ấy không chỉ là kỷ niệm sâu sắc nhất của bà Trương Thị Nhân mà còn là một bước ngoặt mới cho cuộc sống, lý tưởng cũng như tâm tư suy nghĩ của bà. Bên cạnh câu chuyện Bác nói "Hai bác cháu mình cùng gián tiếp sản xuất", bà Nhân còn kể lại một câu chuyện ấm áp khác về Bác. Cũng vào dịp đó, khi Bác vào thăm khu tập thể của Nhà máy Trần Hưng Đạo, đến phòng bà ở, Bác chỉ ra khoảnh vườn nhỏ trước nhà và hỏi: "Cháu định trồng cây gì ở mảnh vườn này?". "Dạ, cháu định trồng mướp ạ", bà Nhân trả lời. "Đã trồng nhiều mướp rồi, giờ cháu hãy trồng nho đi", Bác nói. Bà Nhân ngập ngừng giãi bày rằng "trồng nho dễ bị mọi người coi là "tiểu tư sản"", thấy vậy Bác ôn tồn bảo bà: "Cháu cứ làm việc được giao của cháu cho tốt thì ai cũng quý, chứ đừng lo nghĩ gì khác cả". Rồi sau khi đã sang thăm nhà bên cạnh, Bác còn quay lại nói tiếp với bà Nhân: "Mà cháu có con nhỏ thế này, nếu trồng nho thì nhớ phải bắt sâu nhé!".
Nhắc đến câu chuyện này, cho đến giờ bà Nhân vẫn ứa nước mắt. Từ ngày được gặp Bác, bà tự hứa với lòng mình sẽ làm theo lời Bác, không bao giờ gục ngã trước khó khăn. Và quả thực bà đã làm được như vậy.
Nhắc đến bà, nhiều người không quên hình ảnh vị Tổng Giám đốc Tổng Công ty Vận tải thuê tàu đã "dám" làm cái việc chưa từng có trong thông lệ là "thuê mua tàu" nước ngoài, làm lợi cho Nhà nước hàng chục triệu USD. Ấy là năm 1976, khi đất nước mới về một mối, một người phụ nữ dám làm như thế chắc chắn phải có đức tính can đảm được hun đúc từ bao đời của người Nghệ. Vậy đấy, một người phụ nữ miền gió Lào cát trắng được vinh danh trên đất Thủ đô là người mang đầy đủ phẩm chất cao quý của người Nghệ. Đó là đức tính can đảm, quyết liệt trong công việc, giản dị, khiêm tốn trong cuộc sống.
Hưu mà không nghỉ
Năm 1990, bà Nhân về nghỉ hưu ở tuổi 64 và bà quyết định ở lại Hà Nội cùng cả gia đình. Gần như ngay lập tức, bà trực tiếp tham gia nhiều công tác ở phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng như: Mặt trận Tổ quốc, Hội đồng Nhân dân, Hội Người cao tuổi...và tham gia Hội từ thiện của Thành phố Hà Nội. Năm 2002, Đảng ủy phường giao thêm cho bà "chức" Chủ tịch Hội Khuyến học.
Sinh ra ở đất học, bà hiểu ý nghĩa của việc học đối với cuộc đời mỗi con người. Công việc tưởng chừng đơn giản khi điều kiện sống và phong trào học tập ở một phường trung tâm Thủ đô khác xa với quê hương Nghi Lộc của bà. Học hỏi, nghe ngóng, rút kinh nghiệm công tác khuyến học của các phường bạn, bà nhận thấy mình phải biết kết hợp chặt chẽ với các trường trong phường, dự tất cả các cuộc họp lớn, nhỏ của các trường để nắm bắt tình hình các cháu học tập.
Nhớ lời Bác dạy: "Dân vận khéo, việc gì cũng thành công", bà quyết tâm khắc phục khó khăn đi vận động từng doanh nghiệp, từng gia đình, cùng nhau ủng hộ phong trào khuyến học bằng nhiều cách làm khác nhau. Người có tiền thì hỗ trợ tiền giúp học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Người không có nhiều tiền thì ủng hộ bằng việc làm cụ thể cho từng cháu, từng gia đình. Khi bà đi vận động khuyến học, gặp người nói năng nặng lời, bà vẫn chỉ nhẹ nhàng phân giải: "Đã là việc tốt dù nhỏ mấy cũng gắng làm".
Bà nói với các nhà hảo tâm rằng: "Gia đình và các cháu được trợ cấp rất cảm ơn các nhà hảo tâm. Riêng tôi, tôi rất biết ơn các nhà hảo tâm đã giúp tôi thực hiện một phần nhỏ lời Bác dạy". Và cứ thế công việc của Hội Khuyến học ngày càng thu hút mọi người tham gia, mỗi việc bà cùng tập thể phát động đều mang lại hiệu quả thiết thực.
Trong thời gian làm Chủ tịch Hội Khuyến học phường Phạm Đình Hổ, bà đã vận động các nhà hảo tâm đóng góp được trên 600 triệu đồng phục vụ cho hoạt động khuyến học, khuyến tài của địa phương. Bản thân bà đã trực tiếp hỗ trợ kinh phí cho gần 20 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn phường... "Trong quá trình vận động tài trợ cho người nghèo, những người được nhận trợ cấp từ thiện đều viết giấy cảm ơn có đóng dấu của chính quyền, tôi chỉ giữ lại bản photo, còn bản chính có dấu đỏ bao giờ tôi cũng gửi đến nhà hảo tâm. Tôi làm vậy để người nghèo được cảm ơn đúng người đã giúp đỡ mình và để những nhà hảo tâm biết rằng tiền của họ đã đến được tận tay người cần nó" - bà Nhân tâm sự. Hiện giờ, công việc của Chủ tịch Hội Khuyến học bà đã giao lại cho người khác, song bà vẫn cùng 5 đứa cháu nội ngoại của mình đỡ đầu cho 6 gia đình khó khăn trên địa bàn Hà Nội với một suất trợ cấp hàng năm.
"Từ giờ đến cuối đời tôi vẫn sẽ làm theo lời Bác, tôi sẽ cố gắng làm những gì tốt nhất có thể", bà Nhân nói khi chia tay chúng tôi. Có lẽ đó là điều bà đã tâm niệm mấy chục năm nay, kể từ ngày được gặp Bác, cũng là lời hứa của bà với Bác - người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, và là lời hứa với chính bản thân mình.
T.Vinh - Q. An