“Cả năm một rằm tháng Bảy”…

gười Việt Nam ta có câu: “Cả năm một rằm tháng Bảy, cả thảy một rằm tháng Giêng”!

Vậy là, trong tâm linh của người Việt, một năm có 12 lần trăng tròn nhưng chỉ có 2 ngày rằm được xem là quan trọng: Rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy. Rằm tháng Giêng là ngày rằm đầu tiên của một năm, gọi là ngày Nguyên tiêu hoặc ngày Thượng nguyên, người Việt Nam coi ngày này là ngày thờ cúng tổ tiên của các dòng họ.

Ngày rằm tháng Bảy thì phức tạp hơn. Có 2 quan niệm song song cùng tồn tại: Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, ngày cúng lễ các cô hồn đồng thời cũng có quan niệm rằm tháng Bảy là ngày lễ Vu Lan báo hiếu.

Trước hết, nói về ngày xá tội vong nhân, ngày cúng lễ các cô hồn.

Người Việt Nam cũng như người các nước Đông Nam và Đông Bắc Á quan niệm rằng con người sau khi chết,  xuống âm phủ, các linh hồn đều phải đi qua một tòa án của Diêm Vương để được bình công và xét tội. Quan niệm đó cũng cho rằng, bất kỳ ai, khi sống ở trên đời mà làm được nhiều điều nhân đức tốt đẹp cho mọi người thì khi chết xuống cõi âm, những người đó sẽ được đầu thai trở lại dương gian để làm người. Ai gây nhiều nghiệp chướng, nhiều tội lỗi khi sống thì khi xuống cõi âm, linh hồn sẽ bị đày vào địa ngục. Như vậy là, dưới âm phủ cũng có một cái nhà tù để giam cầm, tra khảo các vong nhân phạm nhiều tội lỗi.

Rằm tháng Bảy được xem là ngày xá tội vong nhân, ngày mở cửa ngục, ngày cho phép các vong nhân bị đày trong hỏa ngục, mỗi năm một lần trở về dương thế để được nhận các lễ vật do người trần gian thờ cúng. Quan niệm về việc “xá tội” cho các vong nhân này cũng mang tính nhân đạo tương tự như việc ân xá cho các tù nhân trong các trại giam ở trên trần gian vậy!

Các vong nhân, sau khi được “ân xá”, trở lại dương gian, ai về nhà nấy để hưởng lễ vật do người thân thờ cúng vào ngày rằm tháng Bảy.

Tuy nhiên, có một số vong hồn không có người thân thích ở trên dương gian, họ chẳng biết đi về đâu và cũng chẳng có ai thờ cúng họ. Những vong nhân đó được gọi là các cô hồn. Họ là những vong hồn bơ vơ không nơi nương tựa, không chốn đi về.  Người trần gian khi dọn mâm cỗ thờ cúng ông bà tổ tiên của mình vào ngày rằm tháng Bảy thường vẫn sắm thêm một mâm cúng nữa gọi là mâm cúng các cô hồn. Từ đó, những cô hồn bơ vơ không nơi nương tựa, không chốn đi về, không ai cúng đơm ấy lại sẽ được tất cả mọi người, mọi nhà cùng bày mâm dọn cỗ để thờ cúng họ. Đây là một nét đặc sắc trong nghi lễ thờ cúng vong nhân ngày rằm tháng Bảy nên người ta mới gọi rằm tháng Bảy là ngày cúng lễ các cô hồn.

Khi nói đến việc cúng cô hồn một số người thường liên tưởng đến cụm từ “mê tín dị đoan”. Vậy, thực chất, phong tục cúng cô hồn có mang màu sắc mê tín dị đoan hay không?

Theo tôi, chúng ta cần xem xét kỹ vấn đề này.

Không phải cứ nói đến “hồn”, “hồn ma” hay “cô hồn” là mê tín dị đoan. Con người sinh ra có sống và có sự chết. Văn hóa của loài người bao gồm cách ứng xử với sự sống và cả cách ứng xử với cái chết.

Trên thực tế, con người có 2 cách ứng xử, 2 quan niệm khác nhau đối với sự chết. Những người theo đạo Thiên Chúa hay đạo Tin Lành thì coi người chết là người đã được lên thiên đường, đã trở về với Chúa, người sống trên trần gian không cần phải thờ cúng người đã chết.

Những người không theo đạo Thiên Chúa, theo đạo Phật hay một số đạo giáo khác thì có việc thờ cúng những người đã mất. Có thể nói, con người tuy đã mất nhưng tình cảm, bao gồm cả lòng thương, nỗi nhớ đối với người đã khuất thì đang còn và mãi còn. Tình cảm đang còn, lòng thương nỗi nhớ đang còn thì người ta phải có hành động cụ thể để biểu hiện tình cảm, biểu hiện lòng thương nỗi nhớ ở trong lòng mình. Thờ cúng người đã khuất là phương tiện để biểu hiện cụ thể tình thương, nỗi nhớ của người đang sống.

Vậy thì, việc “thờ cúng các cô hồn” có phải là thờ cúng mang màu sắc mê tín dị đoan hay không? Có thể trả lời ngay là: Không, việc làm đó không mang màu sắc mê tín dị đoan. Ngược lại, việc thờ cúng cô hồn là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo, của tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương đối với con người.

Vô hình trung, việc thờ cúng các cô hồn giúp cho chúng ta biết nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, biết suy nghĩ cao hơn, rộng hơn về tình thương yêu đối với con người, kể cả những người không ruột rà, không thân thích. Trong ngày rằm tháng Bảy, người ta không chỉ thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân của mình mà mọi người còn mở lòng ra để quan tâm đến bao người khác! Đó chính là ý nghĩa nhân văn, nhân đạo của việc cúng cô hồn trong ngày rằm tháng Bảy.

Về thủ tục, lễ nghi thờ cúng trong ngày rằm tháng Bảy, thông thường, xưa nay, các gia đình đều bày 2 mâm cúng: Một mâm cúng gia tiên và một mâm cúng cô hồn. Mâm cúng gia tiên bày trên bàn thờ, mâm cúng cô hồn bày trên sân, trước cửa nhà hay trên vỉa hè bên đường phố thì cũng không sao.

Thứ 2, nói về Lễ Vu Lan báo hiếu.

Hẳn rằng nhiều người trong chúng ta đều đã nghe rằng câu chuyện bắt nguồn từ kinh Vu Lan trong đạo Phật nói về người phật tử tên là Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Đế đã qua đời. Mục Kiền Liên thương nhớ mẹ nên đã dùng phép thần thông xuống tầng địa ngục để tìm kiếm mẹ mình. Rồi chứng kiến mẹ mình do khi sống đã gây nhiều tội lỗi nên phải biến thành Ngạ Quỷ, bị đói khát và nhục hình tra tấn, hành hạ rất khổ sở.

Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu khổ, giải thoát cho mẹ mình. Phật dạy rằng: Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp, hãy tập hợp chư tăng mười phương lại để đọc kinh giải cứu và sắm sửa các lễ vật để cúng dường vào ngày đó! Nghe theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã mời được chư tăng mười phương đến đọc kinh và dâng lễ vật cúng dường vào ngày rằm tháng Bảy nên đã giải cứu được mẹ mình khỏi chốn ngục tù của Ngạ Quỷ.

Từ đó, mọi người làm theo Mục Kiền Liên để giải cứu cho mẹ mình khỏi chốn lao tù của địa ngục. Và cũng từ đó, ngày rằm tháng Bảy còn được gọi là ngày Vu Lan báo hiếu.

Trong ngày Vu Lan báo hiếu, các phật tử làm lễ ở chùa, cúng dường lễ vật cho các chư tăng và đọc “Phật pháp báo ân phụng bổn kinh”, còn gọi là kinh “Phật thuyết vu lan”. Đó là một kinh Phật xưa nay vẫn nằm trong bộ kinh Đại thừa, được cho là bản kinh do Phật Thích Ca dạy Mục Kiền Liên thực hành đạo hiếu.

Tuy nhiên, những nghiên cứu Phật học gần đây, các học giả đều cho rằng, kinh “Phật thuyết Vu Lan” không có nguồn gốc từ Ấn Độ mà là một tân kinh, được trước tác tại Trung Quốc vào thế kỷ thứ VI, nhằm phục vụ cho đạo Hiếu theo lý thuyết của các nho gia.

Văn bản gốc tích kinh Phật từ “Trục Pháp Họ Dịch” đều không có nhân thân tôn giả Mục Kiền Liên và sự tích câu chuyện về mẹ của ông mà chỉ trong tác phẩm đời sau của người Trung Quốc có tên là “Mục Kiền Liên minh gian cứu mẫu biến văn” được viết vào khoảng thế kỷ thứ V đến cuối thế kỷ thứ X. Từ đó sự tích Mục Kiền Liên và câu chuyện về mẹ của Mục Kiền Liên mới xuất hiện.

Vậy là, câu chuyện Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi Ngạ Quỷ là một câu chuyện có nhiều tình tiết hoang đường, đồng thời đó cũng không phải là câu chuyện được ghi chép từ kinh Phật Ấn Độ mà là một bản kinh tân biên có nguồn gốc Trung Quốc.

Ở câu chuyện này, ta thấy, Mục Kiền Liên muốn cứu mẹ khỏi ngục tù của Ngạ Quỷ thì trước hết, bản thân Mục Kiền Liên phải có phép thần thông, sau đó Mục Kiền Liên phải thỉnh mời cho được chư tăng mười phương, lại phải cúng dường phẩm vật cho các chư tăng thì chư tăng mười phương mới dùng Phật pháp để cứu giúp cho mẹ của Mục Kiền Liên thoát khỏi ngục tù của Ngạ Quỷ.

Như vậy, e rằng, đạo hiếu trong câu chuyện hoang đường này chỉ là cái cớ, mục đích chính của câu chuyện phải chăng lại nằm ở khía cạnh hơi thiên lệch về phía các lễ vật cúng dường cho các chư tăng?

Với suy nghĩ riêng tôi, rằm tháng Bảy, theo quan niệm Á Đông thì đó là ngày xá tội vong nhân, ngày thờ cúng ông bà tổ tiên và thân nhân của các gia đường. Bên cạnh đó, người Á Đông không quên bày mâm dọn cỗ để cúng các cô hồn không nơi nương tựa. Đó là một quan niệm thờ cúng đầy tính nhân văn, nhân đạo rất nên được thấu hiểu và duy trì. Còn lễ Vu Lan? Đạo hiếu thì tất nhiên là một đạo nghĩa đáng tôn thờ, song, câu chuyện Mục Kiền Liên là câu chuyện tân biên, không có trong bản gốc của các kinh Phật, khá xa lạ với quan niệm truyền thống cúng rằm tháng Bảy của dân tộc ta, do đó, theo tôi, chúng ta  nên  tiếp thu quan niệm này một cách thận trọng, có hiểu biết, và có chọn lọc kỹ càng hơn…

Trên thực tế, từ xưa tới nay, hầu hết các gia đình người Việt Nam cúng rằm tháng Bảy đều bày 2 mâm cúng, một mâm cúng gia tiên và một mâm cúng các cô hồn. Trong tâm hồn người Việt Nam nghìn đời nay nói đến cúng rằm tháng Bảy là ai cũng nhớ đến việc cúng các cô hồn. Còn lễ Vu Lan báo hiếu nếu có thì cũng chỉ diễn ra ở các chùa, nơi có các chư tăng đọc kinh thờ Phật chứ lễ này không phổ biến ở trong dân chúng. Lễ Vu Lan có xuất xứ từ Trung Quốc, chưa được thực hành  phổ biến trong xã hội Việt Nam nên cũng chưa in đậm dấu ấn trong văn hóa của người Việt.

Còn như rằm tháng Bảy với việc cúng cô hồn thì thực sự đã để lại những dấu ấn rất sâu đậm trong văn chương văn học của chúng ta.

Người ta nhớ đến nhà thơ Vũ Đình Liên không chỉ bài thơ “Ông đồ” viết về những ngày tết Nguyên đán xa xưa mà thi sĩ còn có cả những bài thơ xuất sắc viết về ngày rằm tháng Bảy. Rằm tháng Bảy, ngày mở cửa ngục, ngày được giải thoát, các cô hồn trong thơ Vũ Đình Liên trở lại dương gian một cách hăm hở, hân hoan, gây nhiều xúc động:

“Nhớ bóng dương gian hồn chín suối
Thoảng hơi hương khói đã lên đường…”

Nhưng nói đến dấu ấn sâu đậm nhất của việc cúng cô hồn rằm tháng Bảy trong văn học thì không thể không nói đến “Văn tế thập loại chúng sinh” của thi hào Nguyễn Du. Từ thực tế việc cúng cô hồn vào ngày rằm tháng Bảy của người Việt Nam mà Nguyễn Du viết ra văn tế này và sau khi bài văn tế ra đời thì nhân dân lại lấy bài văn tế đó để làm bài văn cúng rằm tháng Bảy.

Bài văn tế này đồng thời cũng là minh chứng thuyết phục nhất để chứng minh sự tồn tại lâu dài phong tục cúng cô hồn của người Việt vào ngày rằm tháng Bảy.

“Thương thay thập loại chúng sinh,
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người.
Hương khói đã không nơi nương tựa,
Hồn mồ côi lần lữa đêm đen…”./.