Cả nước đang thiếu 70.000 giáo viên tư vấn tâm lý
Trước những tác động mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tới mọi lĩnh vực của cuộc sống, đòi hỏi các ngành phải có sự chuyển mình và công tác tham vấn, tư vấn tâm lí học đường cũng không nằm ngoài sự tác động của cuộc cách mạng này.
Chia sẻ tại hội thảo quốc tế “Đào tạo chuyên gia tham vấn học đường trong bối cảnh 4.0” Tiến sĩ Trần Thành Nam cho biết:
"Ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 buộc chúng ta phải nghĩ đến những mô hình tham vấn tâm lí sử dụng những tiến bộ công nghệ kĩ thuật, ứng dụng công nghệ cao.
Ví dụ như việc tham vấn trực tuyến, khóa học dạy kĩ năng trực tuyến, sử dụng các phần mềm để kết nối tham vấn trên mạng xã hội...”.
Tuy nhiên, mô hình tham vấn, tư vấn trực tuyến cũng có nhiều khó khăn, ông Nam nhấn mạnh, những chuyên viên tham vấn sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn đến cơ chế bảo mật thông tin hoặc đảm bảo quyền lợi của thân chủ khi tham gia công tác tham vấn.
Tiến sĩ Trần Thành Nam cho rằng không thể chọn giáo viên ở bất cứ môn học nào vào làm công tác tham vấn tâm lí học đường. Ảnh: Yến Dương |
Để đảm bảo nguồn nhân lực về tham vấn tâm lí học đường trong khi "đợi" thế hệ các cử nhân, thạc sĩ ngành tâm lí học đường của các trường đại học, theo Tiến sĩ Trần Thành Nam cần phải cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn giáo viên đảm nhận vị trí tham vấn tại các trường phổ thông.
“Tôi cho rằng không thể chọn giáo viên ở bất cứ môn học nào vào làm công tác tham vấn tâm lí học đường.
Vì ở vị trí chuyên viên tâm lí học đường họ phải có những kĩ năng đặc biệt, làm việc theo những nguyên tắc đặc biệt và họ còn phải có vị trí hơi độc lập hơn so với đội ngũ giáo viên và lãnh đạo của trường.
Bởi như vậy mới có thể bảo vệ được quyền lợi của các bên cũng như tạo sự tin tưởng cho các bên liên quan như học sinh hay giáo viên có thể chia sẻ những câu chuyện thực sự đằng sau đó”, Tiến sĩ Nam nhấn mạnh.
Được biết, theo các số liệu khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Hà Nội và Hải Dương, có khoảng 80% các em học sinh có những vướng mắc cần chia sẻ và mong muốn có một không gian riêng tư ở trường để nói ra và tìm giải pháp cho những vấn đề của bản thân.
Nghiên cứu dịch tễ trên 7 tỉnh phía Bắc của cán bộ Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng cho thấy khoảng 20% các em học sinh có tổn thương sức khỏe tâm thần tới mức phải can thiệp trị liệu.
Chia sẻ tại hội thảo, Tiến sĩ Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:
Quan điểm của Bộ về công tác tư vấn tâm lý là yêu cầu ít nhất 90% các trường trung học, trung cấp, cao đẳng, đại học thành lập bộ phận tư vấn hỗ trợ học sinh-sinh viên để giáo dục toàn diện, năng lực và phẩm chất cho các em.
Theo ông Linh, sức khỏe thể chất, tinh thần của học sinh, sinh viên phải đặc biệt được quan tâm, trước sức ép cuộc sống nếu không được tư vấn, xử lý kịp thời có thể gây ra hậu quả: Nhẹ thì buồn chán, học kém, có thể có hành vi bạo lực học đường, nặng thì trầm cảm, có khi tự tử…
“Chúng ta phải rút kinh nghiệm từ Hàn Quốc và Nhật Bản, chúng ta cố gắng không rơi vào “vết xe đổ” của các nước này khi giới trẻ bị trầm cảm nhiều, tỷ lệ tự tử trong giới trẻ rất cao.
Học sinh, sinh viên đang phải chịu sức ép thành tích do bố mẹ mang lại, các tác động từ xã hội, trong khi kỹ năng sống, kỹ năng xử lý vấn đề của học sinh còn yếu…”, ông Linh nói.
Cũng theo Tiến sĩ Bùi Văn Linh, Thông tư 31 của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định, mỗi nhà trường sẽ có một tổ tư vấn tâm lý cho học sinh.
Tổ tư vấn này này do hiệu trưởng hoặc ít nhất là một hiệu phó làm tổ trưởng, các thành viên tùy theo điều kiện, khả năng, năng lực có số lượng khoảng từ 3-7 người và tất cả giáo viên tham gia đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng về công tác tư vấn tâm lý.
Trong thời gian còn lại của năm 2018 có thể linh động tạo điều kiện cho các thầy cô còn sau này thì tất cả những thầy cô tham gia đều phải được đào tạo chuẩn hóa theo chương trình bồi dưỡng và cấp chứng chỉ.
“Hiện, số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông trên cả nước khoảng 14.000 trường, như vậy tính sơ bộ nếu mỗi trường có một tổ tư vấn 5 người/ trường thì có nghĩa là chúng ta đang thiếu 70.000 giáo viên tư vấn, tham vấn học đường”, ông Linh nêu.
Đồng thời, Khoản b, Điều 9 tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT cũng quy định rõ:
“Giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn học sinh: Trường phổ thông cấp tiểu học có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được sử dụng 06 tiết trên tuần; từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được sử dụng 03 tiết trên tuần để thực hiện nhiệm vụ tư vấn học sinh.
Trường phổ thông cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được sử dụng 08 tiết trên tuần;
Từ 27 lớp trở xuống đối với trung du, đồng bằng, thành phố, 18 lớp trở xuống đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo được sử dụng 04 tiết trên tuần để thực hiện nhiệm vụ tư vấn học sinh;”…
Từ đó, ông Bùi Văn Linh cho rằng các trường đào tạo tâm lý giáo dục phải có trách nhiệm: Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp chuyên gia, nghiên cứu tham mưu các chính sách khác; nghiên cứu thành lập các trung tâm tư vấn tâm lý tại cộng đồng để xử lý các ca nặng (khoảng 5%).
Nội dung tư vấn gồm: Tư vấn trong học tập, sức khỏe, các mối quan hệ, cách xử lý tình huống; trang bị kỹ năng sống; giáo dục giá trị sống…
Còn về phía cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng Thông tư quy định bộ quy tắc ứng xử; chỉ đạo tập huấn cốt cán phụ trách công tác tư vấn tâm lý tại các địa phương./.