Ca sĩ La Hoàng Quý: 'Tôi vẫn giữ chất một người con của núi'
Ngoài ca hát, La Hoàng Quý còn có nhiều sáng tác âm nhạc đậm phong cách dân gian, trữ tình, mang âm hưởng của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhân dịp Xuân mới, nam ca sĩ này chia sẻ với Báo Nghệ An về hành trình từ một học sinh nghèo trở thành một ca sĩ, nhạc sĩ được nhiều người yêu thích.
P.V: Con đường để trở thành một ca sĩ không phải dễ dàng với tất cả mọi người. Với La Hoàng Quý, từ khi nào anh nghĩ mình sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp này?
La Hoàng Quý: Có lẽ tôi khác với rất nhiều ca sĩ khác bởi tôi lớn lên tại một bản nghèo của huyện vùng cao Tương Dương. Ngày nhỏ, vì hoàn cảnh gia đình, tôi chuyển trường rất nhiều lần qua các xã từ Xá Lượng lên Lượng Minh rồi lại xuống Tam Đình. May mắn cho tôi đó là ngày nhỏ dù bố mẹ làm nương rẫy nhưng ông bà lại là những người cầu thị, nhạy bén, còn biết kinh doanh nhỏ để kiếm thêm thu nhập. Mỗi lần tôi chuyển trường cũng là một lần thay đổi trong nhận thức.
Gia đình tôi luôn nghĩ rằng, càng đi xuống gần thành phố thì nhận thức về sự học sẽ cao hơn. Bản thân tôi tuy ngày đó chỉ mới học cấp II, nhưng cảm giác như trưởng thành hơn, nhạy hơn các bạn cùng trang lứa.
Cũng có thể, tôi thường chơi với các anh, chị nhiều tuổi hơn, có những người đã đi làm, là giáo viên, là cán bộ văn hóa nên việc tiếp xúc với họ khiến con người mình phải thay đổi từ cách nhìn nhận vấn đề, cách ứng xử.
Ca sĩ La Hoàng Quý
Tình yêu âm nhạc nhen nhóm ở tôi từ năm 2005, khi ấy tôi chỉ mới 11, 12 tuổi và đang học ở Lượng Minh. Một lần đi qua ký túc xá, tôi thấy có một anh cầm đàn ra chơi. Lúc đó, tôi không biết đó là đàn ghi ta, chỉ nghe thấy anh này đàn rất hay. Vì yêu thích quá nên tôi về nói với bố mẹ và xin bố mẹ mua đàn cho mình bởi "con muốn nghịch, muốn chơi” và bố mẹ đã ủng hộ.
Lúc mới mua đàn về, tôi không biết chơi, chỉ học theo các anh chị một cách cảm tính. Hè lớp 7, lớp 8, tôi nghe nói ở huyện Quỳnh Lưu có thầy dạy hay lắm, tôi một mình xuống xin đi học.
Thực ra, khi ấy tôi nghĩ mình liều lắm nhưng không sợ vì tự thấy mình "già hơn các bạn”. Tôi cũng không biết Quỳnh Lưu là ở đâu, chỉ nghĩ đơn giản là Quỳnh Lưu chắc gần Hà Nội, gần Vinh.
Xuống xuôi học, tôi mới thấy mình thật nhỏ bé bởi thấy rất nhiều bạn của mình biết và giỏi hơn mình rất nhiều. Lúc đó, đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra cho bản thân và tôi nghĩ rằng, mình phải cố gắng, mình không thể thua các bạn.
Ca sĩ La Hoàng Quý
Những buổi học đàn ghi ta ngắn ngủi đó đã nuôi ước mơ cho tôi trở thành nhạc sĩ, biết viết bài và chơi nhạc. Nhưng để trở thành ca sĩ, tôi nghĩ là khi mình vào học Trường THPT DTNT Tương Dương. Một lần trường tổ chức ngoại khóa và tôi được các bạn trong lớp cử lên hát giao lưu với các anh, chị lớp 11, 12. Lần ấy tôi hát bài Hoa nắng và 1 bài Tiếng Anh, được các bạn cổ vũ rất nhiều...
Từ đó, lóe lên trong tôi ý nghĩ phải làm tiếp việc này để được hát, được ủng hộ.
Sau đó một vài tháng, trường lại tổ chức chương trình ngoại khóa Tiếng Anh. Lần đó, hát xong vẫn được cổ vũ nhiệt tình nên tôi cứ dự cảm nuối tiếc không muốn trôi đi cảm xúc được đứng trên sân khấu...
PV: Từ một huyện miền núi, ra Hà Nội, trở thành sinh viên và thành ca sĩ. Đó chắc chắn là một hành trình rất gian nan? Anh đã vượt qua như thế nào?
La Hoàng Quý: Học xong THPT tôi đăng ký và thi đậu vào Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội. Thực ra trước đó, cũng đã đậu vào ngành an ninh nhưng tôi đã không học. Bởi lẽ, hoàn cảnh gia đình (bố bị tai nạn, gia đình rơi xuống diện hộ nghèo) nên tôi xác định mình sẽ phải vừa đi học, vừa đi làm. Tôi luôn suy nghĩ mình phải làm được điều gì đó hỗ trợ bố mẹ.
Thực tế, chỉ một năm đầu tiên, thỉnh thoảng bố mẹ có hỗ trợ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. Từ năm thứ 2 tôi bắt đầu đi làm và tiết kiệm tiền về gửi tiền cho gia đình.
Những ngày đầu thực sự khó khăn, thứ nhất là các mối quan hệ. Lúc đó, tôi chỉ có bạn bè cùng trang lứa trong lớp. Khi ấy, trong trường có lẽ chỉ có mỗi mình tôi là người dân tộc Thái. Thanh nhạc cần rất nhiều thứ, rất tốn kém, nếu không có điều kiện chắc khó có ai dám theo đuổi.
Khi mới nhập học, tôi thấy các bạn hàng tháng được bố mẹ gửi tiền nên cảm thấy rất chạnh lòng. Không có các mối quan hệ, tôi đi bưng bê ở quán cà phê.
Tuy nhiên, vì muốn được học hỏi, tôi chọn những quán vừa phục vụ cà phê, vừa có phục vụ âm nhạc. Làm bưng bê được một thời gian ngắn, tôi biết đến cuộc thi giọng hát hay Hà Nội và dù hoàn toàn ngẫu nhiên, không có sự chuẩn bị (không có dàn nhạc, không có người phối khí...) nhưng tôi vẫn dự thi và được trao giải Ba.
Sau cuộc thi này, tôi được mọi người giới thiệu đi hát show và tôi không từ chối bất cứ một chương trình nào, dù cát xê của mình chỉ được vài trăm nghìn đồng một buổi.
Năng nhặt chặt bị, tôi đã tích lũy được cho bản thân, cả kinh nghiệm, kỹ năng và đã tự trang trải việc học, hỗ trợ được gia đình và mình cũng mở ra được nhiều mối quan hệ mới.
Những ngày đi học, với tôi khổ không phải là điều quan trọng nhất. Điều tôi luôn xác định là phải nỗ lực không ngừng, đó là hoàn thiện bản thân.
Ca sĩ La Hoàng Quý
PV: Dường như La Hoàng Quý được nhiều người yêu mến giúp đỡ. Anh có nghĩ là do may mắn? Trong mắt những người bạn mới của mình, anh là người như thế nào?
La Hoàng Quý: Đến bây giờ tôi vẫn giữ chất của một người con miền núi. Nếu có sự thay đổi, có chăng là mình “khéo” hơn một xíu thôi, khi đến những nơi liên quan đến truyền thông, cần hình ảnh. Trong cuộc sống hàng ngày, tôi luôn cố gắng làm sao để mình thật nhất, chân thành nhất, không bao giờ lừa dối ai.
Nếu có giúp đỡ được ai tôi sẵn sàng làm. Vì chính sự giúp đỡ đó mới cho mình cảm xúc thật khi hát, cảm xúc thật là điều rất quan trọng trong mỗi bài hát. Làm sao để mình hát lên, người nghe cảm nhận được tình cảm của mình dành cho tác phẩm, dành cho cuộc sống.
PV: Một trong những cột mốc quan trọng của ca sĩ La Hoàng Quý là khi anh đến với cuộc thi Sao Mai và lọt vào Top 4 toàn quốc dòng nhạc thính phòng Sao Mai 2019. Anh đã phải chuẩn bị bao lâu cho cuộc thi này?.
La Hoàng Quý: Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, cuộc thi đầu tiên tôi tham gia và đạt giải đó là Giải Ba Liên hoan Tiếng hát truyền hình Nghệ An 2015. Lúc ấy tôi đã nghĩ quê hương dành cho mình thật nhiều tình cảm.
Sau này, tôi còn tham gia cuộc thi Giọng ca xứ Nghệ 2017 và tiếp tục đạt giải Ba. Tuy nhiên, kết quả này, không đủ để tôi tham gia vòng thi khu vực và toàn quốc. Xác định những lần thi đầu tiên là cọ xát và trải nghiệm nên đến năm 2019, khi đang học tại Trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội, tôi đã chuẩn bị cuộc thi này rất kỹ càng, dành hơn 1 năm để chọn bài, phối khí, trang phục và tự tin mình sẽ giành được kết quả tốt.
Vì nhiều lý do, sau này tôi không dự thi ở Nghệ An và đăng ký cuộc thi ở Hải Phòng, Hải Dương. Đêm thi ở Hải Phòng sức khỏe của tôi không đảm bảo nên không thành công, chỉ đạt giải khuyến khích. Một ngày sau, đến cuộc thi ở Hải Dương, tôi đạt giải Nhì và có một chiếc vé để đến với vòng khu vực và sau đó là vòng chung kết ở dòng nhạc thính phòng.
Với vòng thi cuối cùng này, đó là một kỷ niệm không bao giờ quên.
Cuộc đến với cuộc thi Sao Mai một mình, nhưng tôi không thấy đơn độc. Ngược lại, tôi nghĩ mình là thí sinh may mắn nhất cuộc thi.
Tôi đã được cả quê hương Tương Dương ủng hộ, rất nhiều anh chị cùng quê như anh Thắng Lợi, anh Tiến Hưng, chị Phạm Phương Thảo đã cho tôi nhiều lời khuyên ý nghĩa...
Đó là những hành trang quý giá cho tôi không chỉ trong cuộc thi và cả chặng đường sau này...
Ca sĩ La Hoàng Quý
PV: Từ một ca sĩ ghi dấu ấn ở dòng nhạc thính phòng, đến nay nhiều người lại biết đến La Hoàng Quý với một ca sĩ của dòng nhạc quê hương, mang âm hưởng dân tộc. Đó phải chăng là sự khác biệt để nhiều người biết đến La Hoàng Quý hơn?
La Hoàng Quý: Đó là một sự tính toán của tôi. Thường thường trong tất cả các dòng nhạc thì nhạc thính phòng là dòng nhạc rất khó và rất kén người nghe. Ở Việt Nam, rất nhiều khán giả tìm đến âm nhạc để thư giãn, giải trí. Tôi muốn chuyển dòng nhạc để đến gần hơn với công chúng. Tôi muốn một dòng nhạc nhất quyết phải thuộc về mình, phải là bản sắc. Giữa âm nhạc thính phòng và âm nhạc dân gian có sự gần gũi với nhau và tôi chọn âm nhạc dân gian với những bài hát dễ nghe, dễ thuộc, là những bài hát thực sự cảm xúc và hay.
Khi mới bắt đầu, tôi cũng nghĩ nếu chọn những bài hát quá thân thuộc thì sẽ khó tạo được dấu ấn. Tôi cũng đã nghĩ đến bài mới nhưng không có tiền để mua bài, để thuê nhạc sỹ. Trong cái khó, tôi tư duy là phải tự viết cho bản thân.
Những bài đầu tiên của tôi đó là để thể hiện lòng tri ân; tri ân quê hương với bài “Tương Dương quê tôi”, tri ân mẹ và người dì của mình với bài “Nguồn suối mẹ” và cuối cùng tôi muốn tri ân khán giả, những người yêu quý mình bằng bài “Hoa cuả núi”.
Những ngày mới phát hành dù chỉ được đăng tải trên YouTube nhưng rất may mắn cho tôi, những bài hát khi vừa ra đời đã nhận được sự ủng hộ, đón nhận.
Ca sĩ La Hoàng Quý
Nhiều người chia sẻ với tôi rằng, bài hát được nghe đi nghe lại nhiều lần vì thấy được bản thân mình trong đó. Có thể, thời điểm tôi làm có rất ít bài hát về miền núi mới, hợp với giới trẻ và ai cũng có thể hát được. Vì thế, bài hát được lan truyền khá nhanh.
Thực ra, tôi nghĩ mình vẫn thiên về ca sĩ hơn vì mình được học và đào tạo về thanh nhạc. Mỗi một vai trò đều rất khó. Với người ca sĩ quan trọng nhất là sự truyền tải cảm xúc, truyền tải kỹ thuật thanh nhạc, truyền tải về chuyên môn. Để hát hay, để có khán giả không dễ, làm sao phải hát được bằng cả trái tim. Tôi nghĩ âm nhạc bây giờ phải khác, phải thực tế. Kỹ thuật chỉ là hỗ trợ cho ca sĩ. Quan trọng nhất vẫn là cảm xúc, hướng đến mục đích chính là khán giả. Viết nhạc cũng rất khó. Để có một “công trình âm nhạc” phải liên quan đến rất nhiều yếu tố...
PV: Nghe bài hát của La Hoàng Quý, người nghe có thể cảm nhận được rất rõ tình cảm của em gửi gắm trong các sáng tác của mình. Khi hát cũng vậy, anh hát rất tự nhiên, như thể em mượn âm nhạc để trải lòng...Vậy thế mạnh của anh là ca sĩ hay là nhạc sĩ?
La Hoàng Quý: Tôi nghĩ chặng đường tới sẽ còn nhiều khó khăn nhưng mình sẽ không dừng lại ở những điều đang có. Tôi sẽ vẫn tập trung cho âm nhạc nhưng phải tìm được con đường mới, phải mở rộng được nhiều đối tượng khán giả khác nhau và những đứa con tinh thần của mình càng được nhân rộng càng tốt.
Tôi luôn quan niệm, dù xuất phát điểm khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh. Nhưng nếu chúng ta yêu những gì mình chọn, quyết liệt với nó, không sợ gì cả. Chỉ có đam mê thực sự thì mới đạt được kết quả mà mình mong muốn. Chúng ta cũng phải nghiêm túc với công việc của mình.
Ca sĩ La Hoàng Quý
P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!