Cả thế giới đau buồn trước thảm kịch xả súng tại Mỹ

13/06/2016 11:25

(Baonghean.vn) - Tổng thống Obama mô tả vụ xả súng chết chóc tại Orlando là “hành vi khủng bố và thù địch”. Tay súng sát hại 50 người tại hộp đêm đồng tính từng lọt tầm ngắm của FBI.

Thông điệp đoàn kết cùng cộng đồng người đồng tính (LGBT) và lên án vụ tấn công tiếp tục được các nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới truyền đi sáng sớm ngày 13/6.

Tổng thống Barack Obama lên án vụ xả súng sáng 12/6 tại Orlando. Ảnh: Getty.
Tổng thống Barack Obama lên án vụ xả súng sáng 12/6 tại Orlando. Ảnh: Getty.

Tổng thống Barack Obama là người đầu tiên đưa ra phản ứng, khẳng định vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, Florida là “vụ việc chết chóc nhất lịch sử Mỹ”.

Vốn là người từ lâu ủng hộ luật lệ về súng chặt chẽ hơn, Obama nói thêm rằng “vụ giết hại hàng chục người vô tội” là sự tái nhắc nhở rằng việc tiếp cận vũ khí sát thương tại Mỹ dễ tới mức nào.

Ông nói: “Chúng ta phải quyết định đó có phải là đất nước mà chúng ta mong đợi không. Chủ động không đưa ra động thái nào cũng chính là một quyết định”.

50 người chết, 53 người bị thương

Omar Mateen, một công dân Mỹ gốc Afghanistan, đã nã súng vào hộp đêm đồng tính sáng 12/6. Ít nhất 50 người thiệt mạng, 53 người khác bị thương. 7 trong số các nạn nhân đã được xác định danh tính - Stanley Almodovar III, Luis Omar Ocasio-Capo, Juan Ramon Guerrero, Edward Sotomayor Jr, Eric Ivan Ortiz-Rivera, Peter O Gonzalez-Cruz và Luis S Vielma.

Tay súng 29 tuổi đã bị tiêu diệt tại hiện trường trong cuộc đấu súng với 11 sỹ quan cảnh sát. Một viên chức thực thi pháp luật nói với hãng thông tấn AP rằng thủ phạm đã gọi cho 911 từ hộp đêm, tuyên bố trung thành với kẻ cầm đầu cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Bakr al-Baghdadi. IS đã tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên 1 trang web.

50 người chết, 53 người bị thương sau khi Omar Mateen xả súng tại hộp đem ở Orlando.
50 người chết, 53 người bị thương sau khi Omar Mateen xả súng tại hộp đêm ở Orlando. Ảnh: Reuters.

“Đây là tội ác vì thù địch”

Sau khi biết vụ việc có liên hệ với IS, người đứng đầu một nhóm ủng hộ Hồi giáo lớn tại Mỹ đã kịch liệt chỉ trích vụ thảm sát, gọi các thành viên IS là “loạn trí”.

Nihad Awad, giám đốc điều hành Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo cũng kêu gọi đoàn kết và hối thúc các chính trị gia không “khai thác” thảm kịch hôm Chủ nhật.

Phát biểu tại 1 buổi họp báo, Awad nói: “Đây đơn giản là tội ác vì lòng thù địch, vi phạm những nguyên tắc của người Mỹ và người Hồi giáo chúng ta”.

Ông khẳng định: “Tôi phải nói rõ rằng chúng tôi không dung thứ cho bất cứ hình thức cực đoan nào”.

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng bày tỏ sự thương tiếc tới các nạn nhân vụ tấn công. Trong dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter, ông nói: “Tôi lấy làm sốc trước vụ tấn công đẫm máu tại Orlando. Chúng tôi đau buồn trước mất mát của các nạn nhân. Chúng tôi chia sẻ với những người bạn tại Mỹ”.

Giáo hoàng Francis, người đứng đầu Giáo hội Công giáo, đã bày tỏ “cảm giác ghê sợ và lên án sâu sắc nhất”, trong khi Nữ hoàng Anh Elizabeth II tuyên bố bà cùng Hoàng tế Philip “bị sốc trước các vụ việc”.

Các từ khóa hashtag ủng hộ người đồng tính cũng bắt đầu xuất hiện nhiều trên Twitter, khi người dùng chia sẻ nỗi đau và thể hiện tinh thần đoàn kết với cộng đồng LGBT.

Trên thảm đỏ lễ trao giải Tony Awards ở thành phố New York, một số ngôi sao trong đó có nữ diễn viên loạt phim "The Walking Dead" Danai Gurira và người dẫn chương trình James Cordon đều đeo dải ruy băng màu bạc tưởng nhớ các nạn nhân.

Nhiều địa điểm tưởng niệm được tổ chức tại Florida và khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Zuma.
Nhiều địa điểm tưởng niệm được tổ chức tại Florida và khắp nơi trên thế giới. Ảnh: Zuma.

Các buổi cầu nguyện cũng được tổ chức ở nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Miami, Paris và bên ngoài Nhà Trắng tại Washington, DC. Tại New York, đám đông tụ tập tại khách sạn Stonewall - một địa điểm quan trọng trong lịch sử phong trào đòi quyền cho người đồng tính.

Danh tính thủ phạm

Thêm nhiều chi tiết được hé lộ chiều 12/6 giờ Mỹ (sáng 13/6 giờ Việt Nam) về thông tin của kẻ gây án. Sitora Yusufiy, vợ cũ của Mateen cho biết y là kẻ có vấn đề về cảm xúc và tâm thần với xu hướng thích bạo lực.

FBI cũng xác nhận đã để mắt đến Mateen vào năm 2013 sau khi y đưa ra các bình luận kích động với đồng nghiệp, thể hiện sự đồng cảm với các tay súng Hồi giáo.

Đặc vụ FBI Ron Hopper cho biết Mateen đã bị điều tra và thẩm vấn 2 lần nhưng cơ quan tình báo này “không thể thẩm tra các bình luận của y”.

“Không phải mối đe dọa lớn”

Vào lúc đó, Mateen đang làm nhân viên bảo vệ tại G4S, một công ty đa quốc gia của Anh nằm trong danh sách các công ty an ninh tư nhân lớn nhất thế giới.

G4S cho biết y gia nhập công ty này vào tháng 9/2007, mang theo 1 khẩu súng để phục vụ nhiệm vụ là nhân viên bảo vệ.

Năm 2014, Mateen bị điều tra và thẩm vấn lần 2 vì nghi ngờ y có liên hệ với Moner Mohammad Abu-Salha - một công dân Mỹ đánh bom tự sát tại Syria năm 2014.

Tuy nhiên, đặc vụ Hopper khẳng định liên hệ của Mateen với Abu-Sallah không đáng kể và khi ấy được xem là “y không cấu thành mối đe dọa lớn”.

Tuần hành Gay Pride tại Los Angeles

Trong một diễn biến khác, hôm 12/6, cảnh sát Los Angeles đã bắt giữ 1 người đàn ông có ý đồ “làm hại” cuộc tuần hành tự hào của người đồng tính Gay Pride ở Los Angeles.

Tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng trong cuộc tuần hành Gay Pride tại Los Angeles. Ảnh:
Tưởng nhớ các nạn nhân vụ xả súng trong cuộc tuần hành Gay Pride tại Los Angeles. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát trưởng Santa Monica Jacqueline Seabrooks cho biết 1 nam giới 20 tuổi bị bắt cùng nhiều khẩu súng trường, đạn dược và một số nguyên liệu chế tạo bom trên chiếc xe đăng ký biển tại bang Indiana.

Các nguồn tin cảnh sát khẳng định chưa phát hiện mối liên hệ nào giữa vụ bắt giữ tại Santa Monica và vụ tấn công tại Orlando.

Thảo Linh

(Theo DW)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cả thế giới đau buồn trước thảm kịch xả súng tại Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO