Cá trỏng ở Nghệ An chạm mức giá kỷ lục
(Baonghean.vn) - Giá cá trỏng (cá cơm) những ngày qua tăng kỷ lục lên 17.000 đồng/kg, tạo điều kiện cho ngư dân Nghệ An tăng thêm thu nhập sau mỗi chuyến biển.
Cá trỏng được đóng đầy khay trên mỗi con tàu sau những chuyến biển. Ảnh: Quang An |
Cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu trong những ngày này luôn nhộn nhịp tàu cá về, những khay cá đầy ắp được vận chuyển vào bờ, thương lái thu mua ngay tại chỗ. Trong đó sản phẩm cá trỏng tăng giá kỷ lục, khiến bà con ngư dân phấn khởi.
Lão ngư Hồ Sỹ Hậu ở xã Quỳnh Nghĩa cho hay, chuyến biển vừa qua tàu của lão đánh bắt được 11,1 tấn hải sản các loại, trong đó cá cơm được hơn 5 tấn, còn lại là cá tạp. Do cá cơm tăng giá từ 10.000 lên 14.000 đồng/kg, thậm chí 17.000 đồng/kg (loại tươi ngon) nên có lãi cao.
Cá trỏng được thương lái thu mua với giá cao nhất 17.000 đồng/kg. Ảnh: Xuân Hoàng |
Ông Chu Văn Tấn - Trưởng Cảng cá Lạch Quèn cho biết thêm: Mặc dù giá cá trỏng có tăng khá mạnh trong thời gian qua, nhưng sản lượng đánh bắt được không nhiều, nguyên nhân có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài, biển không được đổi dòng, nên cá ít. Do vậy, số lượng tàu đánh bắt được từ 10 tấn trở lên/chuyến là rất ít, phần lớn từ 3 - 5 tấn.
Thương lái thu mua cá trỏng ngay tại cảng cá Lạch Quèn. Ảnh: Quang An |
Theo ông Phan Văn Hải - Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), cá trỏng trước đây thương lái chỉ mua với giá từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng nay tăng lên 17.000 đồng/kg là cao kỷ lục. Tuy nhiên, để có giá 17.000 đồng/kg là đòi hỏi cá phải tươi, đều con. Còn lại phổ biến từ 13.000 - 15.000 đồng/kg, vẫn còn cao hơn trước nhiều giá.
"Dịp này là mùa đánh bắt cá trỏng, lại được giá, nên bà con ngư dân tích cực bám biển để có thêm thu nhập. Cá trỏng được các doanh nghiệp thu mua về chế biến phơi khô là chủ yếu để xuất khẩu" - ông Phan Văn Hải cho hay.
Cá trỏng được các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Hoàng mai thu mua, chế biến, phơi khô để xuất khẩu. Ảnh: Xuân Hoàng |
Nguyên nhân sản phẩm cá trỏng tăng giá trong thời gian này, theo một số thương lái nhận định, do các nước Trung Quốc, Lào... tăng cường nhập loại cá này để dự trữ trong quá trình phòng dịch Covid-19, nên nhu cầu tăng cao.