'Các anh về mái ấm nhà vui'

Gia Huy - Anh Bách 25/10/2022 14:59

(Baonghean.vn) - Mưa lũ đi qua, nhiều ngôi nhà, nhiều công trình dân sinh ở miền Tây Nghệ An bị hư hỏng, nhiều ruộng lúa đã chín vàng của người dân chưa được thu hoạch. Bên cạnh việc sát cánh cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân khắc phục ảnh hưởng của mưa lũ, các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Nghệ An tích cực hỗ trợ người dân trên địa bàn thu hoạch lúa mùa, làm giao thông, thuỷ lợi, dựng nhà tạm chờ tái định cư...


Ngay từ sáng sớm, trên các thửa ruộng bậc thang vàng ươm lúa chín của hộ ông Và Chứ Rùa, ở bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn đã rộn rã tiếng nói, cười của những người lính quân hàm xanh đóng trên địa bàn giúp gia đình thu hoạch mùa. Những bàn tay quen cầm súng của bộ đội nay thoăn thoắt gặt lúa như những nông dân thực thụ. Gia đình Và Chứ Rùa trước đây vốn hộ nghèo của xã Nậm Càn, được Đảng uỷ Đồn Biên phòng Nậm Càn phối hợp với địa phương lựa chọn xây dựng mô hình “Dân vận khéo”. “Đây là vụ mùa đầu tiên Đồn Biên phòng hướng dẫn gia đình sản xuất giống lúa mới, do chính bộ đội đưa từ dưới xuôi lên để trồng ở vùng đất miền núi, nên tất cả các hoạt động ngâm, ủ giống, làm đất, gieo mạ đều có sự hướng dẫn của cán bộ Biên phòng. Đến giờ thu hoạch lại được tổ công tác của bộ đội hỗ trợ, gia đình tôi thực sự rất biết ơn...” - ông Và Chứ Rùa chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Ngũ Quang Hùng, nhân viên đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Nậm Càn - người được Ban chỉ huy Đồn giao nhiệm vụ trực hỗ trợ gia đình ông Và Chứ Rùa xây dựng mô hình phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho biết, trước đây khoảng 1 ha diện tích ruộng bậc thang trồng lúa của gia đình ông chủ yếu dùng nguồn giống của đồng bào Mông nên năng suất chưa cao; mặt khác do diện tích nhỏ nên không thể sử dụng trâu, bò cày kéo, bộ đội phải dùng sức người cùng dân đào đất, làm mặt bằng gieo trồng.

Vì vậy, Đồn Nậm Càn đã hỗ trợ lực lượng và giống lúa mới giúp gia đình ông khai hoang trồng lúa nước đúng lịch, thu hoạch đúng thời vụ để tăng năng suất. Nhìn những gùi lúa vàng ươm hạt chắc mẩy, bóng khoẻ, ông Và Chứ Rùa vui mừng không nói nên lời.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng Nậm Càn giúp ông Và Chứ Rùa thu hoạch lúa; Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Quế Phong), Tam Hợp (Tương Dương) giúp nhân dân thu hoạch lúa hè thu. Ảnh: Anh Bách

Ở bản Vinh Tiến, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong có ông Lê Văn Huy - hộ neo đơn, sống một mình. Mùa mưa đến, gần 1.200 m2 lúa đã chín, ông Huy lại bị bệnh nặng không thể thu hoạch kịp. Trước hoàn cảnh khó khăn của ông, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã huy động cán bộ, chiến sĩ đến giúp ông thu hoạch lúa. “Không có BĐBP tôi thực sự không biết xoay xở ra sao, giờ thì tôi đã yên tâm rồi, cảm ơn BĐBP nhiều lắm”, ông Huy nói.

Còn chị Vi Thị Việt (SN 1999) ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương có hoàn cảnh khá éo le. Chị không may bị tai biến, sau đó chồng ruồng rẫy nên chị đành đưa con gái nhỏ về nương nhờ bố mẹ đẻ nay đã già yếu. Cuộc sống vất vả, mùa lúa chín gia đình chị thiếu lao động để gặt hái. Bởi vậy khi được những người lính quân hàm xanh giúp đỡ thu hoạch lúa, chị Việt xúc động cho biết sự quan tâm, chia sẻ của BĐBP là động lực giúp những người yếu thế như chị vươn lên trong cuộc sống.

Ảnh: Anh Bách

Tam Hợp là xã biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào, có các dân tộc Mông, Thái, Tày Poọng và Kinh cùng sinh sống, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 530 hộ, trong đó có 315 hộ nghèo, cận nghèo 87 hộ. Theo Thiếu tá Hà Huy Thiên - Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Tam Hợp: Giúp dân thu hoạch mùa màng là hoạt động thường xuyên của cán bộ, chiến sĩ tại đồn. Những trường hợp được hỗ trợ chủ yếu là gia đình chính sách, hộ neo đơn, hộ nghèo, hộ do đảng viên biên phòng nhận giúp đỡ. Trong tháng 10, đồn đã huy động cán bộ, chiến sĩ giúp 4 hộ ở bản Phồng thu hoạch lúa và sắp tới sẽ tiếp tục giúp nhân dân bản Mông Phá Lõm - bản đang phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm 2022.

Không chỉ vậy, để bà con thuận tiện trong đi lại, sản xuất, Đồn Biên phòng Tam Hợp còn giúp nhân dân làm đường dân sinh, khơi thông mương máng thủy lợi. Mới đây, những người lính quân hàm xanh đã phối hợp Đoàn Thanh niên xã Tam Hợp tiến hành bê tông hoá đoạn đường dân sinh cho gia đình chị Vi Thị Nhung ở bản Văng Môn. Chị Nhung có chồng mất sớm, để lại 2 con, hiện nay cháu thứ 2 đang thực hiện nghĩa vụ ở Sư đoàn 324, Quân khu 4.

BĐBP Nghệ An hỗ trợ khắc phục giao thông ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn); Đồn Biên phòng Tam Hợp phối hợp Đoàn Thanh niên xã Tam Hợp tổ chức giúp gia đình chị Vi Thị Nhung ở bản Văng Môn, xã Tam Hợp (Tương Dương) đổ nền bê tông từ đường chính vào nhà; Đồn Biên phòng Mường Ải hỗ trợ thầy, cô giáo, người dân gánh xe qua những điểm sạt lở nguy hiểm sau mưa, lũ; Đồn Biên phòng Tri Lễ phối hợp cùng các ban, ngành, nhân dân địa phương ra quân làm thuỷ lợi và giao thông nông thôn năm 2022 trên địa bàn xã. Ảnh: Anh Bách - Gia Huy

Tại nhiều địa bàn ở khu vực biên giới, các đồn biên phòng cũng đã cử các tổ công tác xuống địa bàn giúp các hộ chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bị thiệt hại do mưa lũ, hộ neo đơn... thu hoạch vụ mùa. Nhiều ruộng lúa ngập nước, bùn đất, khó thu hoạch, song cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đã nỗ lực hỗ trợ các hộ dân khẩn trương thu hoạch lúa chín, tuốt lúa, vận chuyển về tận nhà, đảm bảo năng suất, sản lượng.

“Các anh về mái ấm nhà vui” (thơ Hoàng Trung Thông)...; hình ảnh những chiến sĩ quân hàm xanh với những bó lúa trên vai đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên cương tỉnh nhà.


Mỗi khi có thiên tai, địch họa, BĐBP luôn là một trong những lực lượng có mặt đầu tiên và cũng là những người ở lại bám trụ sau cùng. Ví như ngay sau trận lũ quét xảy ra ở xã Tà Cạ và thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn, những người lính quân hàm xanh đã kịp thời có mặt để ứng cứu, hỗ trợ bà con và sau khi cơn lũ đi qua gần ba tuần thì các anh vẫn ở đó, giúp người dân dựng nhà tạm, dọn dẹp đường sá, gây dựng lại cuộc sống.

Nhiều người đã gác việc riêng để lo việc chung như binh nhất Cự Bá Lầu (Đồn Biên phòng Mỹ Lý) có con 2 tuổi bị sốt cao, phải nhập viện điều trị, chỉ huy đơn vị tạo điều kiện cho về nhưng trước thiệt hại quá lớn của nhân dân, anh chỉ tranh thủ về thăm con một lát sau đó tiếp tục quay lại cùng đồng đội giúp người dân khắc phục hậu quả.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP cấp phát thuốc miễn phí, phun khử khuẩn trường lớp, giúp dọn dẹp bùn đất cho người dân bản Bình Sơn, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn) sau lũ. Ảnh: Anh Bách

Hay Đại úy Phan Đình Tâm - Chính trị viên Phó Đồn Biên phòng Mỹ Lý - một trong những người chỉ huy lực lượng cắt rừng, tiếp cận bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ giúp dân di chuyển những ngôi nhà có nguy cơ đổ sập và mở đường kết nối với bên ngoài, cử lực lượng sửa đường nước dẫn nước sạch, khắc phục điện và kết nối các nhà thiện nguyện để cung cấp lương thực, thực phẩm kịp thời cho người dân. Sau gần 3 tuần, qua một đợt thay quân, Đại uý Tâm vẫn bám trụ cùng đồng đội hỗ trợ chính quyền địa phương và người dân.

Còn Thượng úy Ốc Văn Vinh, nhân viên Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Na Loi cũng là người bám trụ, sát cánh cùng dân khắc phục hậu quả lũ quét từ khi mới xảy ra với tinh thần không biết mệt mỏi. Với họ, ở lại tiếp tục giúp dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống không chỉ là mệnh lệnh của chỉ huy mà còn là mệnh lệnh từ trái tim, từ tinh thần trách nhiệm của người lính. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?”. Chừng nào người dân còn cần, cuộc sống bà con chưa ổn định thì họ chưa thể về...

Được biết, để hỗ trợ chính quyền và nhân dân, lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã lập sở chỉ huy tại Kỳ Sơn do đích thân Đại tá Hồ Quyết Thắng - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ huy. Đồng thời, huy động 150 cán bộ, chiến sĩ ở các Đồn Biên phòng tuyến Kỳ Sơn và lực lượng tăng cường ở Bộ Chỉ huy đến giúp người dân nơi bị thiệt hại khắc phục hậu quả mưa lũ.

Trận lũ quét kinh hoàng xảy ra trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã làm 64 ngôi nhà bị ngập trên 1m nước, 265 ngôi nhà phải di dời khẩn cấp. Bởi vậy, cùng với hỗ trợ lương thực, thực phẩm, dọn dẹp, vệ sinh phòng dịch sau lũ, di dời các nhà dân có nguy cơ bị sập do sạt lở đất, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng còn giúp người dân bị sập nhà, nhà bị cuốn trôi dựng nhà tạm để ở trong khi chờ tái định cư ở nơi mới.

BĐBP Nghệ An giúp tháo dỡ, di dời nhà khẩn cấp đến nơi an toàn, làm nhà tạm cho người dân bản Bình Sơn 1, xã Tà Cạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Anh Bách

Thượng tá Hồ Minh Hoan - Phó Tham mưu trưởng BĐBP Nghệ An cũng là chỉ huy trực tiếp lực lượng giúp nhân dân Kỳ Sơn cho hay: Từ sau khi có lũ quét xảy ra đến khi kết thúc nhiệm vụ, đơn vị đã huy động 2.028 ngày công, giúp dân tháo dỡ, di dời 26 nhà; sửa chữa 97 nhà ở; dựng 32 nhà tạm; tổng dọn vệ sinh giúp 38 hộ; khắc phục 3km đường giao thông liên bản... Bên cạnh đó Bộ Chỉ huy BĐBP và các đơn vị đã hỗ trợ nhân dân vật chất trị giá 115 triệu đồng; vận động, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại tiền mặt và vật chất trị giá gần 4,6 tỷ đồng.

Với những người dân vùng lũ quét, dẫu còn bộn bề vất vả nhất là chỗ tái định cư mới để ổn định cuộc sống lâu dài trong điều kiện khó khăn về mặt bằng do đặc thù về địa hình. Thế nhưng sự đồng hành và chia sẻ của cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh và các lực lượng khác thời gian qua như một “điểm tựa” để họ vượt lên khó khăn, hướng về phía trước.

Anh Lô Văn Biên ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ bày tỏ: “Nhà cũ đã bị đất đá vùi lấp, nếu để gia đình tự dựng nhà thì phải mất nhiều ngày mới xong mà cũng không biết lấy vật liệu từ đâu nhưng nhờ có sự giúp đỡ của BĐBP, cả nhà chúng tôi đã sớm có nhà ở tạm. Hầu như mọi công đoạn từ thu gom bùn đất, vận chuyển vật liệu đều phải làm thủ công, vất vả nhưng các anh vẫn rất vui vẻ, nhiệt tình. Người dân chúng tôi cảm ơn bộ đội nhiều lắm...”.

Theo lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, huyện đã khẩn trương tìm vị trí thuận lợi nhất để có kế hoạch xây dựng tái định cư cho người dân và hiện đã xác định được khu vực đất có nhiều thuận lợi nhất về giao thông, điện, nước... để bố trí tái định cư cho trên 200 hộ nằm ở vùng đồi thấp nằm ở bản Cầu 8, xã Tà Cạ, gần trường tiểu học và mầm non bản Sơn Thành.

Vào chiều 20/10, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức Hội nghị tuyên dương lực lượng tham gia giúp đỡ nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó có lực lượng BĐBP. Tại hội nghị, UBND huyện Kỳ Sơn tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 15 cá nhân thuộc lực lượng BĐBP Nghệ An. Sau hội nghị, theo thống nhất với chính quyền địa phương, lực lượng thường trực thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai của BĐBP tỉnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và trở về các đơn vị tiếp tục công tác.

Khó khăn rồi sẽ lùi xa, cuộc sống mới sẽ hồi sinh trên mảnh đất này nhưng những việc làm thiết thực “vì dân” của người lính biên phòng và tình quân dân thắm thiết chắc chắn sẽ còn đọng mãi trong ký ức nhiều người...

Mới nhất
x
'Các anh về mái ấm nhà vui'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO