Các Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội

11/06/2015 17:57

Ngày 11/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng

Chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản, thực hiện chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn; trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề liên quan.

Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội
Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội

Ngày 11/6, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc; Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã "mở màn" trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nội dung trả lời của Bộ trưởng tập trung vào 4 vấn đề:

1- Tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những tồn tại, hạn chế và giải pháp khắc phục trong thời gian tới;

2- Thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp;

3- Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay;

4- Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

* Tham gia giải trình thêm về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, thực hiện Nghị quyết 26 của TW về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, những năm vừa qua, từ nhiều nguồn vốn TW, địa phương tốc độ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn cao hơn tốc độ tăng chi của ngân sách nhà nước.

Cụ thể, tốc độ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn là 20,1%/năm trong khi tăng chi của ngân sách NN là 16,1%/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ chi cho nông nghiệp, nông thôn trong tổng chi ngân sách nhà nước cũng tăng lên. Bộ trưởng cho rằng trong điều kiện ngân sách còn khó khăn, việc hỗ trợ, đầu tư cho nông thôn như vừa qua là thỏa đáng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, sự lựa chọn 4 chủ đề để chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội trong kỳ họp này là rất là đúng và trúng với thực tế hiện nay. Bởi trong đà tăng trưởng chung, còn một số vấn đề nổi lên, ảnh hưởng tới chất lượng, năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế... Chính vì vậy, Quốc hội tập trung vào Công nghiệp, Nông nghiệp là 2 vấn đề cơ bản của nền kinh tế; Khoa học, Giáo dục là 2 vấn đề quốc sách để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây là những vấn đề chiến lược, giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân không có mục đích gì khác là nhằm bảo đảm lợi ích của trên 70% đồng bào. Giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vấn đề công nghiệp cho nông thôn là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, qua đó thu nhập của người dân lợi hơn, đời sống nâng cao hơn.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Đảng ta, Chính phủ, Quốc hội và MTTQ Việt Nam không có mục tiêu gì khác là giải quyết công việc của dân. Vì vậy, ông đề nghị các đại biểu Quốc hội khi đặt câu hỏi thì đi thẳng vào vấn đề, ngắn, gọn, rõ, không tự mình bình luận về câu hỏi của mình.

Cũng với tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ trả lời thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, rõ ràng, đưa ra được kiến giải, giải pháp thiết thực, hiệu quả, nêu rõ nhiệm vụ, trách nhiệm, giải pháp, thời gian thực hiện, và có như vậy Quốc hội mới ban hành được nghị quyết về chất vấn bảo đảm chất lượng.


Tiếp đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Báo cáo cho biết, có 1.943 kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ với nội dung tập trung vào việc ban hành một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; phát triển thủy sản; di dân tái định cư các dự án thủy điện; chính sách tiền tệ với tăng trưởng tín dụng xanh; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; xây dựng nông thôn mới... Trong đó, có một số nội dung cử tri kiến nghị nhiều lần đã được xem xét, giải quyết như sau:

Đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân tái định cư

Về sản xuất, đời sống của người dân tái định cư khi Nhà nước xây dựng các công trình thuỷ điện: Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát việc thực hiện các dự án thủy điện. Theo đó, đã loại bỏ 439 dự án; xem xét thu hồi chủ trương đầu tư 47 dự án; không đưa vào quy hoạch 178 vị trí tiềm năng; gia hạn có thời hạn 13 dự án.

Đồng thời, nghiên cứu, khảo sát thực tế đời sống người dân tái định cư; trên cơ sở đó, đã điều chỉnh quy hoạch tổng thể di dân tái định cư công trình thủy điện Sơn La; Huội Quảng, Bản Chát (Lai Châu), phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân sông Đà; xem xét, giải quyết vướng mắc về di dân, tái định cư thủy điện Tuyên Quang; Bản Vẽ, Hủa Na (Nghệ An); Đồng Nai 3 (Đăk Nông), An Khê - Ka Năk (Gia Lai)...

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện, với nhiều nội dung mới, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, trong đó có chính sách hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư.

Tuy vậy, đời sống của người dân tại các khu tái định cư vẫn còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao; việc thu hồi đất, giao đất sản xuất của một số dự án còn chậm, đất xấu, một số nơi chưa giao đủ đất sản xuất; công tác đào tạo, chuyển đổi nghề chưa hiệu quả, tỷ lệ có việc làm sau học nghề rất thấp...

4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân

Về sản xuất và đời sống của ngư dân: cùng với việc thực hiện các chính sách đã ban hành, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung quy định về hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch; ban hành chính sách mới về phát triển thủy sản; dành khoản kinh phí 4.500 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân; nâng kinh phí đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá từ năm 2015-2020 tăng tối thiểu gấp 2 lần giai đoạn 2011-2014; thực hiện tín dụng ưu đãi đối với ngư dân đóng tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ cả; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu; chi phí đào tạo thuyền viên; thực hiện chính sách ưu đãi về thuế…

Đến nay, đã có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với 818 tàu trên 400CV; trong đó đóng mới 731 tàu, nâng cấp 87 tàu; đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu, với tổng số tiền 525 tỷ đồng; cho vay vốn lưu động đối với 89 khách hàng tại 7 tỉnh, với số tiền gần 24 tỷ đồng; thực hiện bảo hiểm đối với 1.837 tàu trên 90CV và 23.604 thuyền viên; tổng giá trị được bảo hiểm là 2.983,687 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 86.540 ngư dân; đã thành lập được 3.400 tổ đội và 64 nghiệp đoàn nghề cá.

Tuy vậy, việc đầu tư vốn xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão ở nhiều dự án chưa kịp thời, còn dàn trải, thiếu đồng bộ; một số quy định của Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản chưa phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung; việc thành lập, quản lý tổ, đội, hợp tác xã ở các địa phương còn chậm, thiếu chặt chẽ; chưa có chính sách thu hút học các nghề khai thác thủy, hải sản...

785 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Về xây dựng nông thôn mới: Quốc hội đã quyết định bổ sung cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 15.000 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với giai đoạn 2011-2013.

Chính phủ đã có nhiều chính sách huy động nguồn lực, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình; ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, xã bãi ngang ven biển... với mức đầu tư cao hơn ít nhất 2 lần so với các xã khác; rà soát, điều chỉnh một số tiêu chí về nông thôn mới; ban hành chỉ thị yêu cầu các địa phương không được huy động quá sức dân...

Đến nay, đã có 97% số xã được phê duyệt quy hoạch nông thôn mới, 87% số xã được phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất; bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38% tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 2,13 tiêu chí so với năm 2013, không còn xã trắng tiêu chí; có 785 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 8,8% và 4 đơn vị cấp huyện gồm: huyện Xuân Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai; huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh và huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh có toàn bộ số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy vậy, việc thực hiện Chương trình có nơi, có lúc còn thiếu sâu sát, sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả; chưa chủ động huy động nguồn lực xã hội; một số tiêu chí chưa phù hợp với vùng miền khác nhau; kết quả đạt được chưa đồng đều; một số cơ chế đã ban hành chậm đi vào cuộc sống...

Vì vậy, cần rà soát điều chỉnh, bổ sung một số tiêu chí bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhất là các vùng khó khăn, vùng đặc thù; xác định rõ những tiêu chí bắt buộc; những tiêu chí có thể vận dụng để việc thực hiện Chương trình được thuận lợi, mang lại hiệu quả thiết thực, cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân.

Nhiều công trình giao thông được đưa vào khai thác

Về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông: Trong thời gian qua Nhà nước đã huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kể cả đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không; đã tập trung cải tạo, nâng cấp QL1 và nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch; quan tâm xây dựng cầu dân sinh ở vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa.

Đến nay, đã và đang xây dựng 187 cầu treo dân sinh trên địa bàn 28 tỉnh. Tích cực thanh tra, kiểm tra, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng công trình. Trong năm qua, nhiều công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, kịp thời phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Tuy vậy, việc triển khai các dự án đường giao thông vẫn còn thiếu đồng bộ giữa trọng tải cầu và đường; giữa công trình giao thông với công trình điện, nước; quốc lộ với đường dân sinh.

Tình hình tai nạn giao thông, mặc dù có giảm nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, tại nạn nghiêm trọng vẫn còn xảy ra, đòi hỏi phải tiếp tục có hành động quyết liệt, đề ra những giải pháp thiết thực, cụ thể, tiến hành đồng bộ để giảm thiểu tối đa trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương.

Tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ

Về chính sách tín dụng: Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo sự chuyển dịch tích cực trong cơ cấu tín dụng, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ để phát triển. Đã ban hành nhiều văn bản, quyết liệt chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện và thủ tục vay vốn.

Đối với địa bàn nông thôn, đã rà soát tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ; triển khai nhiều chương trình tín dụng mới phù hợp với đặc điểm, tình hình của các loại hình doanh nghiệp và của từng địa phương; ban hành các quy định tín dụng đối với một số đối tượng đặc thù với thủ tục cho vay đơn giản hơn; điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ; yêu cầu các tổ chức tín dụng thường xuyên xem xét, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất cho vay hiện hành; mở rộng cho vay đối với hộ nông dân không phải thế chấp tài sản. Tính đến cuối tháng 5/2015 ước đạt 798.000 tỷ đồng, tăng khoảng 7,17% so với 31/12/2014, chiếm khoảng 19,3% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Nếu so với cuối năm 2009 dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực này đã tăng gấp 2,5 lần.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, cần bổ sung đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; xem xét nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm và kéo dài thời hạn cho vay; quy định về phương thức cho vay lưu vụ phù hợp với hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp theo mùa vụ; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, cơ chế bảo hiểm, xử lý rủi ro...

Theo Chinhphu.vn

Các Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO