Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ

Thanh Nga 30/04/2024 08:47

(Baonghean.vn) - Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể được ban hành như một "bầu nước mát" đối với những người hoạt động trong các CLB dân ca trên địa bàn tỉnh.

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

22/04/2024 10:17

Chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân và các CLB dân ca ví, giặm tuy không lớn nhưng là sự động viên khích lệ kịp thời cho những người đang nắm giữ và thực hành di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tuy nhiên, xung quanh việc triển khai thực hiện Nghị quyết 29 ở cơ sở vẫn còn có những bất cập.

CLB dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn tham dự Liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh.jpg
CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn tham dự Liên hoan Dân ca ví, giặm cấp tỉnh. Ảnh: CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn cung cấp

Như thông tin đã đưa, đến nay, sau 3 năm triển khai Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 (sau đây gọi là Nghị quyết 29) nhưng 4 CLB cấp xã ở huyện Thanh Chương vẫn chưa được hưởng nguồn hỗ trợ từ Nghị quyết. Lý do là bởi các CLB cấp xã này chưa được kiện toàn và hoàn thiện thủ tục để phù hợp với điểm a, khoản 1, điều 3 (Các CLB bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ) được quy định tại Nghị quyết này. Điều đáng nói, đây chỉ là trường hợp bất cập ngoại lệ ở riêng huyện Thanh Chương, còn các địa bàn khác trên toàn tỉnh đã có nhiều cách làm tức thời, “đi tắt đón đầu” để giúp các CLB cấp xã hoàn thiện hồ sơ phù hợp với các điều khoản theo Nghị quyết 29.

Các câu lạc bộ chỉ cần kiện toàn là được hưởng chính sách

Huyện Hưng Nguyên hiện có 17 CLB Dân ca ví, giặm cấp xã, đang hoạt động đều tay, trong đó có 14 CLB cũ và 3 CLB mới thành lập sau khi Nghị quyết 29/ 2021/NQ – HĐND, ngày 09/12/2021 được ban hành. Điều thuận lợi của các CLB trên địa bàn huyện Hưng Nguyên là đến thời điểm này, tất cả các CLB được thành lập từ trước ngày 01/01/2022 lẫn các CLB mới thành lập sau thời điểm này đều đã hoàn thiện thủ tục để được cấp chế độ theo tinh thần Nghị quyết 29.

bna _ CLB Dân ca ví giặm huyện Hưng Nguyên.jpeg
CLB Dân ca ví, giặm huyện Hưng Nguyên trên một sân khấu. Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên cung cấp

Bà Hoàng Thị Hoài Thanh- Trưởng phòng Văn hoá huyện Hưng Nguyên cho biết: “Sau khi Nghị quyết được ban hành, chúng tôi đã cho kiểm tra rà soát lại những CLB đã hoạt động thời gian gần đây có nhiều kết quả và dự đoán sẽ phát huy được lâu dài. Qua rà soát, chúng tôi thấy CLB Dân ca ví, giặm Làng Phan thuộc xã Hưng Tân và CLB Dân ca ví, giặm Hưng Đạo có nhiều triển vọng với hoạt động khá bài bản.

Đặc biệt, với CLB Dân ca ví, giặm Làng Phan, được đánh giá là CLB có sự ảnh hưởng khá sâu rộng trong đời sống nhân dân. Những buổi biểu diễn của CLB đều được đông đảo bà con nhân dân và du khách gần xa hưởng ứng và ghi nhận. Quan trọng hơn, hiện tại CLB Dân ca ví, giặm Làng Phan không chịu cái bóng lớn của CLB Dân ca ví, giặm Hưng Tân đã thành lập cách đây hàng chục năm, mà họ hoạt động độc lập và có những nét mới không trộn lẫn. Vì vậy, việc thành lập mới CLB thuộc địa phận một xóm trong một xã đã có một CLB hoạt động lâu đời cũng là một điều đáng ghi nhận".

Bà Thanh còn cho biết, sau khi Nghị quyết 29 được ban hành với sự tham mưu của các cấp cơ sở, huyện đã thành lập CLB dân ca cấp huyện với nòng cốt là những thành viên chủ chốt của các CLB cấp xã. “Mục đích của việc thành lập CLB cấp huyện không chỉ để thực hiện việc phục vụ các sự kiện chính trị trên địa bàn huyện, mà còn lập nên một đội ngũ mang tính chất bán chuyên để tham gia những cuộc thi cấp tỉnh hoặc các cuộc thi tuyên truyền lưu động cấp liên tỉnh", bà Thanh nói.

bna _ CLB dân ca ví, giặm Hưng Nguyên.jpeg
Một hoạt cảnh của CLB Dân ca ví, giặm trên địa bàn huyện Hưng Nguyên khi tham gia biểu diễn trên một không gian diễn xướng. Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên cung cấp

Một điều đặc biệt ở huyện Hưng Nguyên là 14 CLB thành lập trước thời điểm 01/01/2022 đều đã được Chủ tịch UBND huyện phê duyệt trước khi Nghị quyết 29 ban hành. “Đây là điều hiếm thấy trên địa bàn tỉnh, khi ở hầu hết các địa phương, các CLB cấp xã đều chỉ có quyết định thành lập do Chủ tịch UBND xã ký" - ông Nguyễn Thành Ngân - chuyên viên Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên cho biết.

Sở dĩ các CLB cấp xã đã được huyện Hưng Nguyên phê duyệt từ trước khi Nghị quyết 29 ban hành là bởi sự quan tâm của đội ngũ chuyên viên “cầm tay chỉ việc”, họ đã dự liệu được tính chính thống của một CLB cấp xã nếu được huyện phê chuẩn.

bna _ Một buổi thực hành ví, giặm của CLB ví giặm Sông Lam.jpeg
Một buổi sinh hoạt của CLB Dân ca ví, giặm Sông Lam do ông Nguyễn Thành Ngân - Chuyên viên Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên làm chủ nhiệm. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Thành Ngân cũng cho biết: "Cách đây hàng chục năm, huyện đã có hơn 10 CLB do xã thành lập và được Chủ tịch UBND cấp xã phê duyệt, nhưng vì chúng tôi bám theo quy định về xây dựng mô hình CLB Dân ca ví, giặm cấp tỉnh là CLB cấp xã phải được cấp huyện phê duyệt nên đã hướng dẫn các xã chuẩn y. Vì thế, sau này các CLB thành lập mới đều được chúng tôi hướng dẫn theo quy định đó dù chưa có Nghị quyết 29".

Được sự quan tâm kịp thời và sự sát sao của cán bộ làm công tác văn hóa trên địa bàn huyện Hưng Nguyên mà đến thời điểm này, cả 17 CLB đều đã nhận được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 29.

1638251844471305034.jpg
CLB Dân ca ví, giặm huyện Nam Đàn tham gia Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V. Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Nam Đàn cung cấp

Cũng giống như cách làm của huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn đến nay đã có 14 CLB được hưởng chính sách theo tinh thần Nghị quyết 29. Tất cả các CLB được thành lập trước ngày 01/01/2022 đều được huyện hướng dẫn hoàn thiện thủ tục để kiện toàn lại.

“Ngay khi có Nghị quyết 29, chúng tôi đã cho rà soát lại tất cả 10 CLB cũ đã thành lập và hoạt động nhiều năm trước, rồi hướng dẫn cho họ kiện toàn lại theo tinh thần Nghị quyết. Nói là kiện toàn nghe có vẻ to tát nhưng thực tế các CLB chỉ cần tổ chức một buổi đại hội với các thành viên lâm thời ”, ông Phan Văn Tính – Giám đốc Trung tâm Văn hoá huyện Nam Đàn cho biết. Theo ông Tính, các CLB Dân ca ví, giặm được thành lập trên địa bàn huyện Nam Đàn rất thuận lợi khi tiếp cận với các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 29.

Hướng nào tháo gỡ bất cập cho 4 CLB ở huyện Thanh Chương?

Như thông tin đã đưa, 4 CLB Dân ca ví, giặm cấp xã trên địa bàn huyện Thanh Chương vốn đã thành lập từ nhiều năm nay nhưng đến nay vẫn chưa được hưởng chính sách theo Nghị quyết 29. Ông Đặng Văn Hoá – Trưởng phòng Văn hóa huyện Thanh Chương cho hay: “Ngay sau khi Nghị quyết số 29 ban hành, chúng tôi đã có công văn hướng dẫn cho các xã thực hiện hoàn thiện hồ sơ theo các điều khoản được quy định của nghị quyết, nhưng vì theo Điểm a, Khoản 1, Điều 3 của Nghị quyết số 29 quy định, điều kiện được hỗ trợ là phải được Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định thành lập phê duyệt điều lệ. Trong khi hồ sơ thành lập các CLB từ năm 2009 trên địa bàn huyện Thanh Chương chỉ có cấp xã phê duyệt. Thế nên, CLB Dân ca ví, giặm các xã Ngọc Sơn, Đại Đồng, Thanh Lĩnh, Đồng Văn vẫn chưa được tiếp cận với nguồn chính sách”.

CLB dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn tham dự Liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh.jpg
CLB Dân ca ví, giặm xã Ngọc Sơn là 1 trong 4 CLB cấp xã đến nay vẫn chưa nhận được chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 29. Ảnh: CLB Dân ca ví giặm xã Ngọc Sơn cung cấp

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hồ sơ và phê duyệt hồ sơ cũng phải được Phòng Nội vụ thẩm định. Ông Đậu Bá San – Phó phòng Nội vụ huyện Thanh Chương cho biết: Đến thời điểm này tôi vẫn khẳng định, để CLB cấp xã được huyện phê duyệt điều lệ thì CLB cấp huyện là CLB Sông Lam mới thành lập năm 2023 phải có ý kiến. Nhiều lần tôi đã đề nghị với CLB cấp huyện nhưng chủ nhiệm CLB này vẫn chưa có động tĩnh rà soát và đề xuất với chúng tôi.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Hoá – Trưởng phòng Văn hoá huyện Thanh Chương: Việc để CLB cấp huyện phê duyệt mới kiện toàn cho CLB cấp xã là hoàn toàn không cần thiết, vì theo quy định tại Nghị định 45 của Chính phủ Quy định về tổ chức hoạt động Hội và Văn bản hướng dẫn số 2079/UBND-VX ngày 30/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh thì CLB cấp xã được thành lập trước ngày 01/01/2022 chỉ cần kiện toàn lại.

bna _ CLB ví giamwjj Hưng Nguyên.jpeg
Dân ca ví, giặm không chỉ được biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn mà còn cả những không gian diễn xướng gần gũi. Ảnh: Trung tâm Văn hoá huyện Hưng Nguyên cung cấp

Theo Văn bản 2079 /UBND-VX ngày 30/3/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh:

Để các CLB thành lập mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ thì UBND huyện, thành phố, thị xã phải thẩm định, ban hành quyết định thành lập phê duyệt, điều lệ hoạt động cho các CLB thành lập mới theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21/4/2010 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động, quản lý hội và các điều kiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh Nghệ An.

Đối với các câu lạc bộ đã thành lập, hoạt động trước ngày 1/1/2022 nhưng chưa đầy đủ các thủ tục thì phải tổ chức kiểm tra, rà soát lại, hướng dẫn các CLB hoàn thiện đầy đủ thủ tục theo đúng quy định.

Tinh thần của Nghị quyết 29 là nhằm tiếp thêm động lực và nguồn lực cho các nghệ nhân, các CLB trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể hoạt động ngày càng nhiệt huyết, bền vững. Đây là chính sách được đông đảo nghệ nhân và các CLB hưởng ứng; vậy nên, để chính sách đi vào cuộc sống kịp thời thì vướng ở đâu cần sớm gỡ ở đó, các cấp ngành liên quan phải phối hợp đồng bộ, sâu sát, tích cực để đạt hiệu quả cao, đáp ứng mong đợi của đông đảo người hoạt động văn hoá.

Theo bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Di sản – Sở Văn hóa & Thể thao: Hiện nay đã có 17 huyện, thành, thị có CLB dân ca ví, giặm được hưởng chế độ theo tinh thần Nghị quyết 29. Trong tất cả các huyện, thành, thị có CLB Dân ca ví, giặm cấp xã hoạt động thường xuyên, hiệu quả thì đến nay chỉ có huyện Thanh Chương vẫn chưa được tiếp cận với nguồn chính sách này.

Khoản 1, 2, Điều 3, Nghị quyết 29 quy định: Các CLB Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành quyết định thành lập, phê duyệt điều lệ; Có ban chủ nhiệm và có ít nhất từ 20 hội viên trở lên; Hoạt động định kỳ, thường xuyên ít nhất 1 kỳ sinh hoạt/1 tháng; Thực hành diễn xướng và tổ chức truyền dạy nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn; Tích cực tham gia các liên hoan, cuộc thi, các hoạt động giao lưu, quảng bá di sản văn hóa của tỉnh và địa phương được hỗ trợ 30.000.000 đồng/CLB mới thành lập để mua sắm nhạc cụ, đạo cụ, biểu diễn và 5.000.000 đồng/CLB/năm để hoạt động.

Mới nhất

x
Các CLB dân ca ví, giặm ở Nghệ An 'đi tắt đón đầu' khi tiếp cận chính sách hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO